Vận dụng linh hoạt biện pháp chống dịch khoa học trong thực tiễn
Trong công tác phòng chống dịch của Hà Nội, để có kết quả như thời gian vừa qua chúng ta ghi nhận sự cố gắng nỗ lực từ nhiều phía. Các cấp chính quyền thành phố và toàn bộ người dân đã đồng lòng thực hiện hàng loạt các biện pháp chặt chẽ, nghiêm ngặt và khoa học, từng bước ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả. Từ đó, cuộc sống “bình thường mới” đang dần trở lại; Từng con đường, góc phố dần trở về sự náo nhiệt vốn có…
Hà Nội thực hiện thí điểm cách ly tại nhà |
Đúc kết lý luận và thực tiễn của người xưa, việc áp dụng một kinh nghiệm, mô hình hay biện pháp nào đó vào thực tế đều phải có sự tính toán, vận dụng linh hoạt phù hợp với những điều kiện cụ thể. Việc thực hiện các biện pháp ứng phó đại dịch Covid-19 vì thế mà phải có sự cân nhắc, tính toán phù hợp với thời gian, không gian, đặc biệt là môi trường xã hội.
Như vậy, không một biện pháp nào có thể áp dụng chung cho tất cả các địa phương mà phải căn cứ vào các điều kiện, tính đặc thù cụ thể liên quan của địa phương đấy. Các địa phương cũng không thể bê nguyên một mô hình, biện pháp, kinh nghiệm của các nơi về thực hiện rập khuôn.
Điều kiện, hoàn cảnh và đặc thù của mỗi vùng, địa phương khác nhau; Chưa kể khí hậu, môi trường, văn hóa lối sống cũng có phần khác nhau… nên sự rập khuôn, thiếu sự lựa chọn và tính toán cân nhắc kỹ có thể còn gây ra tác động xấu.
Các địa phương rất thận trọng trong từng quyết sách chống dịch với mục tiêu sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết |
“Trận sóng thần” Covid-19 càn quét toàn cầu trong hai năm qua đã làm nhiều quốc gia suy giảm kinh tế, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là hệ thống y tế nhiều lúc đã nằm ở “ranh giới đỏ” - quá tải và thiếu mọi nguồn lực. Tại nhiều quốc gia từng là tâm điểm dịch của thế giới, Chính phủ đã khuyến khích người dân chuyển dần sang trạng thái “sống chung” thay vì quan điểm “Zero Covid-19”.
Phương án “sống chung”, cách ly tại nhà đã được các nước đưa ra. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau để thực hiện biện pháp y tế này dựa trên hướng dẫn chung của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh quốc gia với điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt, đề phòng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Quay trở lại nước ta, đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã gây ra những tổn thất lớn. Hệ thống y tế quá tải trước số lượng F0, F1 gia tăng chóng mặt. Nhiều F1 chuyển thành F0; F0 thì đột ngột chuyển nặng và tử vong rất nhanh. Đó là bài học kinh nghiệm bằng xương máu không thể để lặp lại. Do vậy, các địa phương cũng rất thận trọng trong từng quyết sách chống dịch với mục tiêu sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết.
F1 được cách ly tại nhà dưới sự kiểm soát chặt chẽ cũng là một cách để nâng cao tính chủ động, phản ứng phòng vệ của hệ thống y tế cơ sở |
Mỗi hoàn cảnh, điều kiện của từng địa phương là hoàn toàn khác nhau. Bất cứ mô hình, biện pháp chống dịch nào cũng chỉ là tương đối trong việc học hỏi, áp dụng vào thực tiễn của mỗi nơi. Trong khi hệ thống y tế đã đứng trước sự quá tải, khả năng thu dung điều trị gần như không còn thì biện pháp cho bệnh nhân F0 không triệu chứng, bệnh nhân nhẹ và các F1 được cách ly điều trị tại nhà là tình thế bắt buộc để kiểm soát.
Ngược lại, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát mặc dù số ca lây nhiễm có gia tăng thì việc cho bệnh nhân F0, trường hợp F1 được cách ly tại nhà dưới sự kiểm soát chặt chẽ cũng là một cách để nâng cao tính chủ động, phản ứng phòng vệ của hệ thống y tế cơ sở. Đây cũng là bước đi thận trọng cần thiết để đánh giá tính phù hợp và khả thi trong điều kiện đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Nếu phù hợp thì sẽ nhân rộng, ngược lại không khả thi thì thay đổi, thậm chí có thể hủy bỏ.
Việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà đối với các F1 cho đến lúc này vẫn có thể chủ động tính toán được chứ không phải ở tình thế không còn cách nào khác. Chưa hết, nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao thành phố lại không áp dụng trên diện rộng ngay lập tức mà phải thí điểm? Câu trả lời đơn giản là thành phố vẫn có thể áp dụng nhiều biện pháp khác, cách làm khác; Dịch bệnh trong tầm kiểm soát, thành phố có điều kiện để lựa chọn phương pháp, cách thức phòng chống dịch và hoàn toàn có thể làm tốt.
Đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương làm rất tốt công tác phòng chống dịch |
Hà Nội hiện nay phòng chống dịch Covid-19 với tâm thế rất khác so với giai đoạn trước. 100% người dân từ 18 tuổi đã được tiêm 1 mũi, gần 50% đã tiêm xong 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19; Cuộc sống “bình thường mới” đã trở lại. Chính vì vậy, thành phố thí điểm để đánh giá hiệu quả của chính sách cách ly F1 ở nhà như thế nào, ý thức người dân có tốt không rồi mới nhân rộng mô hình này.
Mọi chính sách chống dịch phải thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương; Đồng thời tất cả đều được cân nhắc, tính toán một cách chủ động, khoa học... có tham vấn ý kiến các cấp có thẩm quyền và chuyên gia, chứ không áp dụng máy móc từ tỉnh này sang địa phương khác. Hà Nội từ trước đến nay vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc trên. Thực tế cho thấy, xét về tính phức tạp và mật độ dân cư, Hà Nội vẫn là địa phương làm rất tốt công tác phòng chống dịch.
Điều này vừa thể hiện sự nhanh nhạy, điều chỉnh liên tục các phương pháp ứng phó, tâm thế đối mặt với dịch bệnh của chính quyền và Nhân dân Thủ đô, vừa là thể hiện cao nhất của tinh thần thích ứng linh hoạt trước tình hình mới. Đồng thời, điều này cũng tránh quá tải cho ngành Y tế vốn đã phải căng mình ra với mấy trăm phần trăm nỗ lực suốt hai năm qua. Đây cũng là bước tiến mới, để người dân Hà Nội thể hiện ý thức với cộng đồng, tự lực của bản thân và gia đình, đóng góp hơn nữa vào công cuộc phòng, chống dịch của Thủ đô và đất nước.
Tin rằng, với từng bước thích ứng như thế này, việc chúng ta sống chung với Covid, tiến tới coi Covid-19 như một dịch bệnh bình thường như các loại cúm mùa mà các nhà khoa học dự đoán sẽ không còn xa. Không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác, các đất nước khác cũng cần có những “bước chuyển” như thế.