Văn hóa đại chúng đang định hình xu hướng du lịch nước ngoài của người Việt
Tour du lịch cuối năm bắt đầu "nóng" |
Ảnh minh họa |
Vero - đơn vị tư vấn truyền thông hàng đầu tại Đông Nam Á vừa công bố sách trắng mang tên “Theo đuổi những chuyển dịch văn hoá - Cách du khách Việt đang định nghĩa lại điểm đến mơ ước”, tiết lộ văn hóa đại chúng đang ảnh hưởng lên cách người Việt lên kế hoạch du lịch nước ngoài.
Trong bối cảnh du khách Việt Nam bắt đầu lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ cuối năm và Tết Nguyên Đán, các thương hiệu trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể kỳ vọng nhu cầu du lịch nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.
Dựa trên dữ liệu khảo sát từ hơn 23.000 người Việt thuộc nhiều thế hệ trong nửa đầu năm 2024 cũng như phân tích dữ liệu từ mạng xã hội, nghiên cứu cho thấy tầng lớp trung lưu đang là động lực chính thúc đẩy nhu cầu du lịch. Với thu nhập khả dụng (thu nhập cá nhân trừ đi các khoản thuế) tăng cao và mong muốn khám phá những điểm đến mới ngày càng nhiều hơn, các chuyến du lịch nước ngoài đang là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là đến những nơi mang lại trải nghiệm văn hóa sâu sắc và có mối liên kết đến các nội dung phổ biến với khán giả đại chúng.
Hơn một nửa số du khách Việt cho biết họ đã đặt vé và chi tiêu cho các chuyến du lịch, trong khi 45,9% người được khảo sát dự định sẽ làm điều tương tự trong vài tháng tới. Một số điểm đến được người Việt nhắc đến nhiều nhất là Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.
Những chuyến đi này có thể được truyền cảm hứng từ mạng xã hội, vì nhiều người xem các nền tảng này là nguồn thông tin chính (với 58,2% sử dụng Facebook và 56,3% sử dụng Instagram) cũng như nguồn cảm hứng cho chuyến đi (61,5% trên Facebook và 59,6% trên Instagram).
Trong khi đó, TikTok đóng vai trò như một “hướng dẫn viên du lịch” trên mạng xã hội, với 55,6% người tham gia khảo sát sử dụng nền tảng này để tìm thông tin về các điểm đến, kỳ nghỉ và các lựa chọn du lịch. Ngoài ra, nhờ vào việc cũng phục vụ nhiều cộng đồng fan (fandom) với mọi quy mô, sở thích, mạng xã hội cũng trở thành những nền tảng quan trọng để người dùng lên kế hoạch du lịch dựa trên xu hướng hay những hiện tượng văn hóa đại chúng mà họ yêu thích — góp phần vào sự gia tăng của các loại hình du lịch khác nhau.
Du lịch âm nhạc – chỉ việc lên kế hoạch du lịch kết hợp tham gia các sự kiện âm nhạc, tiêu biểu là cộng đồng người hâm mộ Taylor Swift tại Việt Nam đã đến Singapore vào đầu năm nay để tham gia “Eras Tour”, hay những du khách Việt Nam chọn Hàn Quốc là điểm đến để thưởng thức các buổi biểu diễn của nghệ sĩ K-Pop yêu thích.
Du lịch phim trường là cách để du khách hiện thực hóa thế giới điện ảnh bằng việc ghé thăm phim trường của các bộ phim và chương trình truyền hình yêu thích. Ví dụ đáng chú ý có thể kể đến bộ phim truyền hình Trung Quốc “Đi đến nơi có gió” đã khiến người Việt quan tâm nhiều hơn đến Vân Nam (Trung Quốc) – cũng là địa điểm quay phim. Sự phổ biến của bộ phim “Emily in Paris” với khán giả Việt Nam cũng dẫn đến sự gia tăng tìm kiếm các chuyến đi đến thủ đô nước Pháp.
Du lịch thể thao - loại hình du lịch kết hợp giữa hoạt động du lịch và tham gia hoặc xem các sự kiện thể thao đặc sắc, đặc biệt là các giải bóng đá hay các sự kiện tầm cỡ như SEA Games, Giải Ngoại hạng Anh tại London và Thế vận hội. Mặc dù vẫn chưa thực sự phát triển mạnh nhưng loại hình du lịch văn hóa đại chúng này có tiềm năng tăng trưởng khi ngày càng có nhiều người hâm mộ thể thao Việt Nam tìm đến các điểm đến gắn với các sự kiện thể thao lớn.
"Nhu cầu trải nghiệm xuất phát từ mong muốn hiện thực hoá giấc mơ văn hóa đại chúng đang ảnh hưởng đến cách người Việt dịch chuyển, khám phá các điểm đến và đồng thời kết nối với những trải nghiệm văn hóa đại chúng có ý nghĩa. Họ khao khát sự độc đáo, nhưng đồng thời cũng có tính chia sẻ với cộng đồng xung quanh họ, kết hợp giữa sự thỏa mãn cá nhân và sự gắn kết xã hội", bà Phạm Hoài Anh, Giám đốc Giải pháp Khách hàng của Vero chia sẻ.
Để thu hút sự chú ý của phân khúc khách hàng mới này, các đơn vị du lịch lữ hành và thương hiệu khách sạn cần tạo ra các dịch vụ độc đáo, phù hợp với những dịch chuyển văn hóa và tạo cơ hội để du khách lan tỏa những khoảnh khắc đáng nhớ.
Đón nhận sự phát triển của văn hóa hâm mộ như một điều tất yếu: Các thương hiệu nên xác định và thiết kế những trải nghiệm phù hợp với từng nhóm cộng đồng hâm mộ, tương tác với các cộng đồng fan và hợp tác với những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng để xây dựng sự kết nối chân thành với đối tượng mục tiêu.
Đề cao tính độc đáo của điểm đến: Xem xét việc tạo ra các sản phẩm lưu niệm du lịch độc quyền, các thực đơn lấy cảm hứng từ phim ảnh hay chương trình truyền hình, hoặc các gói du lịch theo chủ đề xoay quanh sự kiện âm nhạc hoặc giải đấu thể thao.
Đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về trải nghiệm xã hội chân thực và đáng giá để họ chia sẻ: Biến khách hàng thành người ủng hộ thương hiệu du lịch bằng cách tận dụng nội dung do người dùng tạo ra để tạo sự lan truyền, thu hút sự chú ý và tạo tiếng vang, cũng như áp dụng cách tiếp cận lâu dài đối với những sự kiện có thể khuyến khích du khách quay trở lại.
“Người hâm mộ Việt Nam luôn sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội để đến gần hơn với nghệ sĩ hay ghé thăm bối cảnh của các chương trình truyền hình mà họ yêu thích. Trong bối cảnh số lượng nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn vẫn còn hạn chế, khao khát giải trí và kết nối văn hóa của người hâm mộ càng trở nên mãnh liệt hơn, khiến những trải nghiệm này dường như trở nên đặc biệt hơn nữa. Khi nhận thức rõ và đáp ứng được những sự nhiệt thành này, các thương hiệu và doanh nghiệp du lịch sẽ có thể tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ trong lòng du khách”, bà Trinh Nguyễn, Phó Chủ tịch Phòng truyền thông của Vero tại Việt Nam, cho biết (Để đọc toàn bộ nghiên cứu, truy cập vào website của Vero).