Văn hóa Việt làm vẻ vang dân tộc bởi "người dẫn đường" tâm huyết
Cần phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, quốc gia Ra mắt cuốn sách về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huân chương Sao Vàng |
Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc
Đại hội XIII của Đảng xác định rõ, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kiên định chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp nối con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã vạch ra, là người đứng đầu đất nước, "người dẫn đường" cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhiều năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một tầm nhìn sâu sắc, chiến lược về phát triển văn hóa của Việt Nam.
Mong muốn của Tổng Bí thư là đất nước ta: "Vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới".
Bởi, như đồng chí nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: "Vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá: Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn"...
Đồng chí có những phân tích rất sâu sắc, thuyết phục về văn hóa: "Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá; lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá...).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm sâu sắc đến phát triển văn hóa và con người Việt Nam |
Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".
Nhấn mạnh về những thành tựu văn hóa mà Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện được trong suốt những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn phân tích về những yếu kém và nguy cơ về văn hóa trên cơ sở am hiểu sâu rộng về lĩnh vực này. Chính vì thế, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, Tổng Bí thư chỉ ra những cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm mà toàn dân tộc Việt Nam cần thực hiện.
Đó là: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc.
Bên cạnh đó, chúng ta cần kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hoá, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Trong thời đại 4.0 và hướng tới tương lai, Việt Nam cần xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh.
Tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hoá
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra: "Với tầm nhìn từ nay cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền văn hoá Việt Nam cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới vừa qua đã tạo nên thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới".
Vì những lẽ đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những giải pháp mang tính căn cốt và chiến lược cho toàn đất nước đi theo trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) |
Đó là: Cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về Văn hoá và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hoá; khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá; phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Chúng ta cần xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới.
Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại.
Chúng ta cũng phải chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.
Hết lòng với sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, đồng chí Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn: "Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI".