Văn miếu Mao Điền thuộc top 5 địa chỉ khuyến học lớn nhất cả nước
Ngày 12/3, tại Văn miếu Mao Điền ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ khai hội mùa Xuân Văn miếu Mao Điền 2017.
Đồng thời khánh thành hệ thống bia Tiến sĩ và công bố quyết định công nhận Văn miếu Mao Điền thuộc 1 trong 5 địa chỉ khuyến học lớn nhất cả nước của Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam.
Hệ thống bia Tiến sĩ ở Văn miếu Mao Điền (Ảnh Nhân dân)
Bia Tiến sĩ tại Văn miếu Mao Điền gồm 14 bia; cao 2,65m; rộng 1,25m; dày 25cm. Văn bia biên soạn bằng song ngữ, mặt trước bằng Hán văn, là văn bia Tiến sĩ dài nhất Việt Nam với 4 vạn chữ. Hoa văn trên bia lấy 4 mẫu hoa văn thời Trần, Hậu Lê, thời Mạc và thời Nguyễn.
Văn bia đề danh 637 Tiến sĩ trấn Hải Dương, mỗi người được khắc họ tên, năm sinh, năm đỗ, quê quán, khoa thi, niên hiệu và tóm tắt sự nghiệp. Tổng kinh phí làm bia trên 1,5 tỷ đồng.
Việc mở rộng, khắc dựng hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn miếu Mao Điền nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng.
Lễ hội Xuân Văn miếu Mao Điền 2017 còn có các hoạt động như giải cờ tướng, giao lưu hát quan họ; trưng bày triển lãm thư pháp Hán - Việt, các trò chơi dân gian... Lễ hội diễn ra đến ngày 15/3.
Lầu trống ở Văn Miếu Mao Điền (Ảnh vncgarden)
Tiếng chuông triệu tập học trò xưa (Ảnh vncgarden)
Cây gạo hơn 200 tuổi (Ảnh vncgarden)
Khánh đá từ thời Cảnh Thịnh (Ảnh vncgarden)
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong hậu cung (Ảnh vncgarden)
Lịch sử, ý nghĩa của Văn miếu Mao Điền
Văn miếu Mao Điền là nơi kế thừa, tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang.
Đến thời Tây Sơn, văn miếu được chuyển từ Vĩnh Lại về Mao Điền (xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng), hợp nhất với trường thi Hương trấn Hải Dương và trở thành nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tiến sỹ Nho học đứng đầu cả nước.
Năm 1992, Văn miếu Mao Điền được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Năm 2002 được Nhà nước tôn tạo với quy mô lớn, trở thành nơi tôn vinh tài năng, công đức của Khổng Tử cùng các vị Đại khoa tiêu biểu của Việt Nam và người tỉnh Đông qua các thời kỳ như: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Danh y Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi…
Với hơn 500 năm tồn tại và thờ hơn 600 tiến sĩ của trấn Hải Dương, Văn miếu Mao Điền đã trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người xứ Đông.
Kiến trúc Văn miếu Mao Điền
Ngay từ khi mới xây dựng, Văn Miếu Mao Điền đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Phần chính văn miếu gồm hai tòa nhà lớn 7 gian được xây theo kiểu chữ nhị, mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, Bái đường và Hậu cung áp sát vào nhau.
Nhà trong thờ Khổng Tử, Mạnh Tử. Nhà ngoài là nơi bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau gọi là Đông vu và Tây vu. Tiếp đến là hai gác chuông xây cất hoành tráng. Phía trước là hai hồ nước trong xanh, xung quanh là các loại cây cảnh và cây ăn quả.