Vận tải công cộng Hà Nội đến năm 2030: Buýt vẫn là chủ công
Xe buýt trong vòng vây của xe cá nhân. Ảnh: Trọng Đảng.
Buýt từng cán mốc trên 460 triệu lượt khách
Mặc dù còn gặp khó khăn về hạ tầng, cơ chế chính sách, tuy nhiên sau hơn 10 năm phát triển, VTHKCC bằng xe buýt Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ðến nay mạng lưới xe buýt thành phố đã có 92 tuyến (73 tuyến có trợ giá, 19 tuyến không trợ giá) phủ khắp địa bàn 23 quận huyện trên tổng số 29 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội. Theo Sở GTVT Hà Nội, năm 2015 xe buýt chuyên chở được trên 460 triệu lượt hành khách, trung bình mỗi ngày buýt vận chuyển được 1,3 triệu lượt; trên 90% sản lượng này thuộc về đoàn phương tiện của Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco).
Tuy đã phủ rộng đến 80% số quận huyện, nhưng nói về mức độ phục vụ của VTHKCC, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, mới đáp ứng được 14,2% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt chiếm gần 10%. Trên 85% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội vẫn di chuyển bằng xe cá nhân. Ðây chính là nguyên nhân làm cho đường sá quá tải, ùn tắc xảy ra trên diện rộng. Ðể giải quyết vấn đề trên và từng bước kiểm soát xe cá nhân, trong Chương trình 06 về xây dựng thành phố văn minh, giảm ùn tắc của Thành uỷ Hà Nội, đặc biệt là Quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, định hướng năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định: Phát triển VTHKCC là nhiệm vụ trọng tâm trong 15 năm tới. Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, mục tiêu cũng đặt ra, từ nay đến năm 2025 VTHKCC đáp ứng thêm khoảng 16% nhu cầu. Với giai đoạn từ nay đến năm 2020, cùng với xe buýt, VTHKCC Thủ đô sẽ có thêm các loại hình vận tải mới, như xe buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị, tuy nhiên Chương trình 06 và Quy hoạch GTVT vẫn khẳng định, xe buýt là chủ lực. Cụ thể, đến năm 2020 VTHKCC Thủ đô phải đáp ứng được 25% nhu cầu, trong đó xe buýt là 15%; đến năm 2025 là 32% nhu cầu, trong đó xe buýt là 16%.
Hành khách của xe buýt chủ yếu là học sinh, người thu nhập thấp, cần một “cú hích” để mở rộng đối tượng phục vụ. Ảnh: Như Ý.
Cần một “cú hích” đúng tầm
Các chuyên gia giao thông cho rằng, sau một thời gian phát triển, VTHKCC Thủ đô vẫn chủ yếu dựa vào xe buýt, trong khi đó lượng khách đi xe buýt chủ yếu chỉ là học sinh, người có thu nhập thấp. Nếu không sự đổi mới, cải cách đúng tầm, chỉ sau một thời gian nữa, xe buýt sẽ bị xe cá nhân lấn át trở lại. Và thực tế này đã được chứng minh khi lượng khách trong hơn 1 năm qua đã sụt giảm gần 10% so với các năm trước đó. “Ðể thu hút và giữ chân được nhiều đối tượng hành khách, ngoài chất lượng phương tiện, hành khách không thể đi trên xe buýt chạy trên làn đường đặc kín phương tiện, thường xuyên bị ùn tắc và muộn giờ”, TS Chuyên ngành giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thuỷ nêu thực tế.
Ông Takagi Michimasa, Tư vấn trưởng Chính sách giao thông công cộng - Tổ chức hợp tác Quốc tế - Jica (Nhật Bản) nêu thực trạng: Tuy là phương tiện chủ lực nhưng thực tế lâu nay xe buýt Hà Nội đang co cụm ở một nhóm đối tượng hành khách và khai thác gần như đã tối đa là học sinh, người có thu nhập thấp; các nhóm đối tượng rất tiềm năng, đi lại nhiều và có thể gắn bó với VTHKCC đến hết đời là người làm việc ở các công sở, văn phòng, khách du lịch thì xe buýt lại chưa vươn tới được. “Dịch vụ chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với đặc thù công việc, đặc biệt đi lại bằng xe buýt chưa nhanh hơn xe cá nhân thì dù có yêu xe buýt đến mấy, họ cũng phải từ chối”, ông Takagi đưa ra thông tin khảo sát.
Cho ý kiến về thực tế trên, đại diện Sở GTVT cho rằng, có rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố hạ tầng đường sá, mạng lưới tuyến và cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế. Cụ thể, sau hơn 10 năm phát triển, xe buýt vẫn hoạt động trên đường giao thông hỗn hợp, chưa có đường dành riêng, trên 500 km đường cho xe buýt hoạt động nhưng mới có hơn 1 km đường dành riêng, trong khi một số thành phố phát triển trong khu vực, số lượng này gần như đa số; nhiều điểm dừng hành khách khó tiếp cận và mới 19% hệ thống đường xe buýt chạy có nhà chờ; 70% điểm đầu cuối đỗ tạm lề đường, bãi đất trống. Với mạng lưới tuyến, xe buýt tuy đã phủ gần hết các quận huyện nhưng đa số tập trung ở khu vực trung tâm hành chính, mới có 34% hệ thống đường phố Hà Nội có xe buýt hoạt động. Ngân sách cho đầu tư, phát triển VTHKCC chưa tương xứng và xây dựng từ nhiều năm trước, gây khó khăn cho công tác đổi mới đoàn phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt…
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đến nay các vấn đề trên đã được lãnh đạo thành phố năm bắt và đã chỉ đạo cụ thể. Theo đó, để thực hiện các mục tiêu thành phố và Quy hoạch đặt ra, tiến tới giảm dần xe cá nhân, giải quyết ùn tắc, vừa qua lãnh đạo thành phố đã giao Tổng Cty Vận tải Hà Nội lập đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt đến năm 2020, định hướng năm 2025”. Dịp cuối năm vừa qua, tập thể lãnh đạo thành phố và các sở ngành, đơn vị liên quan đã họp cho ý kiến về đề án này. Cụ thể, sau khi nghe Tổng Cty Vận tải Hà Nội báo cáo thực trạng xe buýt, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội có giải pháp, lộ trình để phát triển buýt trong giai đoạn mới. Trong đó có các việc phải triển khai ngay, bao gồm: Tăng số lượng xe từ 1.200 đến 1.400 xe cho cả 3 loại phương tiện: lớn, vừa và nhỏ theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Chuyên môn hóa bộ phận khảo sát xây dựng, thiết kế các tuyến chạy xe và tổ chức mạng lưới chạy xe; tiêu chuẩn hóa độ tuổi và tính cách lái xe; cung cấp dịch vụ wifi trong xe; phối hợp với công an tổ chức giao thông để đảm bảo lộ trình chạy xe đúng giờ; tổ chức quản lý xe, hành trình chạy xe theo công nghệ thông minh, từng bước đưa xe buýt trở thành đoàn phương tiện công cộng chuyên nghiệp, văn minh.