Vi phạm giao thông đã giảm, ý thức của người dân được nâng cao
Vi phạm giao thông giảm hẳn
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, qua triển khai các tổ công tác "đặc biệt", gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm tại các điểm giao thông có mật độ người và phương tiện cao, vi phạm thuộc về ý thức của người tham gia giao thông (không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, sử dụng rượu bia…) đã giảm hẳn.
5 tổ công tác linh hoạt triển khai nhiệm vụ vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều các ngày trong tuần đã cho hiệu quả rõ rệt: Ùn tắc giao thông giảm đáng kể, không xảy ra va chạm và tai nạn giao thông. Người dân chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh của người tham gia điều tiết giao thông.
Theo thống kê, từ ngày 16/5 đến nay, 5 tổ công tác đặc biệt đã xử lý 4.937 trường hợp vi phạm, xử phạt 4,124 tỷ đồng, tạm giữ 1.190 phương tiện, tước 194 giấy phép lái xe; phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao cho công an phường xử lý.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm. Ảnh: Chu Dũng. |
Việc triển khai 5 tổ công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm tại các nút giao trọng điểm nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; bước đầu tạo được yếu tố đột xuất, bất ngờ, có tính trấn áp cao với các đối tượng vi phạm, đặc biệt đối với những thanh niên ngổ ngáo, ngang nhiên vi phạm trong khung giờ cao điểm sáng, chiều...
Đại úy Nguyễn Phú Hội, Tiểu đoàn đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Người dân nhìn chung đều rất chấp hành khi tham gia giao thông. Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng công an luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của người dân Thủ đô.
Kiểm tra các tổ công tác, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các tổ công tác cũng chăng dây xử lý, trực tiếp phát hiện vi phạm để cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động ra hiệu lệnh như các tổ công tác 141. Tuy nhiên, có sự khác biệt là 5 tổ công tác làm nhiệm vụ vào khung giờ cao điểm, tập trung vào các trục đường, tuyến phố, nút giao thông nhiều ngả rẽ, nơi có nhiều người và phương tiện tham gia giao thông.
Góp phần xây dựng “văn hóa giao thông”
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, từ 16h30 ngày 9/7, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thành lập thêm 5 tổ công tác đặc biệt gồm: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nâng tổng số tổ công tác đặc biệt lên 10 tổ hoạt động trên đường phố vào khung giờ cao điểm.
5 tổ công tác đặc biệt mới ra mắt cùng với 5 tổ công tác đặc biệt cũ làm nhiệm vụ tại nút giao thông Ô Chợ Dừa - Xã Đàn, đường Nguyễn Trãi… theo các hướng đã phát huy hiệu quả xử lý hàng chục trường hợp vi phạm.
Đại úy Nguyễn Huy Hiệp, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông - Tổ trưởng Tổ công tác số 8 cho biết: Việc triển khai thêm 5 tổ công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm tại các nút giao trọng điểm bước đầu tạo được yếu tố đột xuất, bất ngờ, có tính “trấn áp” cao với các đối tượng vi phạm, đặc biệt đối với số thanh niên “ngổ ngáo”, “ngang nhiên” vi phạm trong khung giờ cao điểm sáng, chiều, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân.
Việc quyết liệt xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, góp phần xây dựng “văn hóa giao thông” |
Anh Phạm Văn Bách (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá, việc có thêm các tổ công tác đặc biệt ứng trực giữ vững an ninh trật tự đã tạo niềm tin cho người dân khi lưu thông trên đường phố.
Được biết, sau gần 2 tháng (từ ngày 13/5) đưa vào hoạt động 5 tổ công tác đặc biệt, các vi phạm giao thông đã giảm, ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Tại các nút giao thông trọng điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc, người dân đã có ý thức chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh người tham gia điều tiết giao thông, đi đúng làn, không chen lấn, dần dần tạo thói quen tham gia giao thông văn minh, lịch sự.
Nhằm duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, các tổ công tác đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, như: Người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo phương châm: Kiên trì, bền bỉ, quyết liệt xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, góp phần xây dựng “văn hóa giao thông”, tạo lập thói quen và ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông. Kế hoạch được triển khai từ nay đến hết ngày 15/12/2024.