Tag

Việc cấp nước khu đô thị Thanh Hà đã dần ổn định

Muôn mặt cuộc sống 04/11/2023 17:03
aa
TTTĐ - Chiều 4/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện UBND TP Hà Nội đã có ý kiến về tình trạng thiếu nước ở Khu đô thị Thanh Hà.
Bằng mọi biện pháp cấp nước ổn định trở lại cho người dân Khu đô thị Thanh Hà Khẩn trương thực hiện giải pháp điều tiết cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Khu đô thị Thanh Hà hiện có quy mô dân số khoảng 26.500 người với lưu lượng dùng nước khoảng 3.500m3/ngày đêm (ngđ). Từ tháng 10/2018 -10/2023, việc cấp nước cho khu đô thị này từ Nhà máy nước mặt sông Đuống và nguồn nước ngầm tự khai thác.

Việc cấp nước khu đô thị Thanh Hà đã dần ổn định
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói về vấn đề thiếu nước sạch ở Khu đô thị Thanh Hà (Ảnh: Quang Phong)

Đảm bảo đúng quy hoạch

Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013: Khu đô thị Thanh Hà được cấp nguồn từ hệ thống cấp nước tập trung (nguồn Nhà máy nước mặt sông Đà, nước sạch từ các trạm cấp nước do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý) qua tuyến DN800 trên đường vành đai 3.5 và vành đai 4.

Theo điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021: Khu vực Hà Đông và phía Nam Hà Nội được cấp bổ sung từ Nguồn Nhà máy nước Xuân Mai. Tuy nhiên, đến nay tuyến ống truyền dẫn DN800 trên đường Vành đai 3.5 và Vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng; Nhà máy nước Xuân Mai đang triển khai.

Để cấp nguồn cho dự án, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đã có Văn bản số 84/CTN-KT ngày 30/3/2015 về việc thỏa thuận cấp nước cho dự án đường trục phía Nam (nay là Khu đô thị Thanh Hà). Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ cấp được khoảng 1.000m3/ngđ (theo đăng ký nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư khu đô thị).

Để cung cấp đủ nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà, ngày 8/5/2018, UBND TP đã có Văn bản số 3258/VP-ĐT chấp thuận chủ trương cho phép Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà nghiên cứu triển khai trạm cấp nước cục bộ công suất 10.000m3/ngđ với chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, Công ty nước sạch Thanh Hà đã đầu tư xây dựng 1 trạm xử lý nước ngầm công suất 5.000m3/ngđ và vận hành 60-70% công suất tương ứng 3.000-3.500m3/ngđ từ tháng 10/2018 với chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.

Từ ngày 30/6/2021, chất lượng nước sẽ phải áp dụng theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đã điều chỉnh khai thác nước ngầm với sản lượng khoảng 1.000-1.500m3/ngđ và bổ sung nguồn từ Nhà máy nước sông Đuống khoảng 2.000-3.000m3/ngđ thông qua tuyến ống cấp nước của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để cấp nước cho người dân Khu đô thị Thanh Hà.

Nguyên nhân thiếu nước

Về nguyên nhân thiếu nước sạch ở khu đô thị chủ yếu là do Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà điều chỉnh sản lượng khai thác nước ngầm (từ 3.000m - 3.500m3/ngđ còn 1.000 - 1.500m3/ngđ để đảm bảo chất lượng nước sạch) theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Cùng với đó, áp lực nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đuống để cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà cũng giảm, không đủ lượng nước cung cấp đến cuối nguồn.

Cụ thể, từ ngày 26/9 - 9/10, Nhà máy nước sông Đuống không đủ điều tiết về Khu đô thị Thanh Hà nên nơi đây sử dụng toàn bộ nguồn nước ngầm. Trong ngày 9/10, nguồn sông Đuống cấp trở lại khoảng 800-900m3/ngđ, còn lại vẫn sử dụng nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, việc cấp nước sạch từ nguồn Nhà máy nước mặt sông Đuống không ổn định do là cuối nguồn nên áp lực yếu.

Do chất lượng nước chưa đảm bảo, từ ngày 14/10, việc sử dụng nguồn nước ngầm của Công ty Cổ phần Nước sạch Thanh Hà dừng hẳn, dẫn tới bị thiếu hụt nguồn cấp cho Khu đô thị Thanh Hà.

Để khắc phục tình trạng trên, TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc yêu cầu các công ty nước sạch điều tiết nguồn nước cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà.

Công ty nước sạch sông Đà triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tối đa công suất cấp nước của Nhà máy trong điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn để bổ sung nguồn nước sạch cho Hà Đông để cấp cho Khu đô thị Thanh Hà.

Đối với Công ty nước Thanh Hà, UBND TP Hà Nội yêu cầu phối hợp cùng các ban quản trị tòa nhà xây dựng kế hoạch vệ sinh, khử trùng các bể ngầm, bể mái tại khu đô thị. Sở Y tế chỉ đạo CDC Hà Nội tổ chức lấy mẫu nước tại các điểm cấp nguồn, các điểm cấp nước vào các bể chứa, bể ngầm, bể mái và hộ gia đình theo quy định, công khai kết quả kiểm tra.

Từ những giải pháp trên, UBND TP Hà Nội thông tin, đến nay lưu lượng nguồn sông Đuống cấp về Khu đô thị Thanh Hà tiếp tục duy trì từ 5.700m3/ngđ và giảm xuống 3.800m3/ngđ do các bể ngầm, bể mái đã đầy nước. Đến ngày 30/10, việc cấp nước cơ bản ổn định, đơn vị cấp nước phối hợp với ban quản trị tiến hành thau rửa bể định kỳ.

Việc cấp nước cơ bản ổn định

Để đảm bảo cấp nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà, UBND TP Hà Nội yêu cầu đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị; thực hiện công tác nội kiểm, thông báo công khai cho người dân, báo cáo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và các cơ quan có thẩm quyền để giám sát theo quy định.

Việc cấp nước khu đô thị Thanh Hà đã dần ổn định

Từ ngày 13-18/10, các đơn vị điều tiết lưu lượng từ 1.000-2.000m3/ngđ từ nguồn tập trung nhưng trạm cục bộ người cấp nước nên thiếu nước cục bộ; từ ngày 19-23/10 đã điều tiết nguồn nước mặt sông Đuống cấp cho khu đô thị Thanh Hà tăng lên từ 2.700-3.500m3/ngđ và triển khai cấp nước luân phiên, cấp nước theo giờ và xe téc. Người dân đã được cung cấp nước để sử dụng theo giờ và tích trữ sử dụng trong ngày.

Từ ngày 23-26/10, các đơn vị đã điều tiết nguồn nước mặt sông Đuống cấp cho khu đô thị Thanh Hà tăng lên từ 3.656-5.885m3/ngđ và triển khai cấp nước luân phiên, cấp nước theo giờ và xe téc. Việc cấp nước đã dần ổn định và tích nước tại các bể ngầm, bể mái.

Từ ngày 26/10 đến nay, lưu lượng nguồn sông Đuống cấp về khu đô thị Thanh Hà tiếp tục duy trì từ 5.700m3/ngđ và giảm xuống 3.800m3/ngđ do các bể ngầm, bể mái đã đầy nước. Đến sáng 30/10/2023, việc cấp nước cơ bản ổn định, đơn vị cấp nước phối hợp với ban quản trị tiến hành thau rửa bể định kỳ.

“Đến nay việc cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà đã dần ổn định; chất lượng nước sạch đầu nguồn cấp về cho Khu đô thị Thanh Hà qua công tác lấy mẫu xét nghiệm đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng theo QCVN 01-1:2018/BYT”, UBND TP Hà Nội khẳng định.

Về lâu dài để đảm bảo cấp nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà, UBND TP yêu cầu Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 phối hợp Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà khẩn trương chủ động xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong Khu đô thị Thanh Hà đảm bảo công suất đã được chấp thuận với chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018 của Bộ Y tế (thay thế QCVN 01:2009/BYT) hoàn thành trước ngày 31/1/2024; thực hiện công tác nội kiểm, thông báo công khai cho người dân, báo cáo gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền để giám sát theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế trước khi cấp nước cho người dân.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân toàn TP, UBND TP Hà Nội đã giao các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và các công ty nước sạch thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, rà soát, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nguồn (Nhà máy nước mặt sông Hồng; Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II (Hợp phần 2); Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì; Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình...) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án phát triển nguồn nước hoặc quyết liệt chấm dứt, thu hồi các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư không đảm bảo năng lực thực hiện dự án.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, đôn đốc, giám sát các đơn vị cấp nước trên địa bàn theo kế hoạch cấp nước, phạm vi cấp nước đã được UBND TP chấp thuận, khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng mạng cấp nước đảm bảo đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100% từ nguồn nước tập trung. Các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án phát triển mạng cấp nước phục vụ Nhân dân, kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có); báo cáo UBND TP xem xét chấm dứt đối với các nhà đầu tư đã được chấp thuận phân vùng cấp nước nhưng chậm triển khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trong tháng 11/2023.

Đối với việc cấp nước tại một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước trên địa bàn, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã kịp thời có phương án khắc phục, xử lý phù hợp để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân (bơm tăng áp, cung cấp nước sạch theo mạch vòng, lưu trữ tại bể chứa, vận chuyển nước bằng xe téc…); đề xuất UBND TP xem xét đưa vào danh mục đầu tư công đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận nguồn nước tập trung.

Các đơn vị cấp nước trên địa bàn TP khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình và phương án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, mạng cấp nước theo quy hoạch; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án cấp nước, mạng cấp nước theo quy hoạch; chủ động các phương án khắc phục khi xảy ra tình hình thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt của Nhân dân.

UBND TP tiếp tục phối hợp và đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án: Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2; Nhà máy nước Xuân Mai để nâng công suất nguồn nước sạch sản xuất bổ sung nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm theo lộ trình đã đề ra.

Đọc thêm

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em Muôn mặt cuộc sống

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

TTTĐ - Không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khó khăn theo quy định chung, thời gian qua, TP Hà Nội còn chủ động ban hành các chính sách đặc thù mở rộng theo thẩm quyền để chăm sóc tốt hơn cho các em.
Khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm Muôn mặt cuộc sống

Khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

TTTĐ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải vừa ký ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2023 về kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số Sở, ngành và cán bộ, công chức; công tác cải cách hành chính và nâng cao bộ tiêu chí cần quan tâm, cải thiện.
47 công trình xuất sắc nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam Muôn mặt cuộc sống

47 công trình xuất sắc nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam

TTTĐ - Tối 30/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023 (Giải thưởng VIFOTEC).
Chăm lo trẻ em bằng những hành động thiết thực nhất Muôn mặt cuộc sống

Chăm lo trẻ em bằng những hành động thiết thực nhất

TTTĐ - Với mong muốn mang đến ngày Tết Thiếu nhi ý nghĩa, chiều 30/5, UBND quận Đống Đa, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Quận đoàn - Hội LHTN Việt Nam - Hội đồng Đội quận Đống Đa trao gửi những phần quà ý nghĩa đến các em thiếu nhi đang sinh hoạt, học tập tại Nhà nuôi dưỡng trẻ em hữu nghị Đống Đa (Hà Nội).
Đưa huyện Ứng Hòa trở thành điểm đến du lịch mới của Thủ đô Muôn mặt cuộc sống

Đưa huyện Ứng Hòa trở thành điểm đến du lịch mới của Thủ đô

TTTĐ - Ngày 30/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã làm việc với UBND huyện Ứng Hòa về phát triển kinh tế trên địa bàn.
Sửa Luật Hoạt động Chữ thập đỏ để ngăn chặn hành vi vụ lợi Muôn mặt cuộc sống

Sửa Luật Hoạt động Chữ thập đỏ để ngăn chặn hành vi vụ lợi

TTTĐ - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa Luật Hoạt động Chữ thập đỏ (sửa đổi) bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 thay vì năm 2026.
Đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá Muôn mặt cuộc sống

Đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

TTTĐ - Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 ngay tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, để bổ sung nội dung về thuốc lá mới bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại khác.
Gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức Muôn mặt cuộc sống

Gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các đơn vị thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị đáp ứng phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí Muôn mặt cuộc sống

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí

Hoàn thiện cơ chế về tài chính, các quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí vấn đề được nhiều đại biểu, dư luận quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là yêu cầu phù hợp thực tiễn, rất cần thiết, bảo đảm các điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.
Nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực hiện cải cách hành chính Muôn mặt cuộc sống

Nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực hiện cải cách hành chính

TTTĐ - Sáng 30/5, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tổ chức Hội thi “Tuyên truyền cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06” năm 2024. 10 đội tuyển, đại diện cho 10 phường trên địa bàn quận đã mang đến Hội thi nhiều tiết mục sôi động, cuốn hút.
Xem thêm