Việt Nam dồn tổng lực loại trừ sốt rét trước năm 2030
Ngày 25/4, tại Nghệ An, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phối hợp với Sở Y tế tỉnh Nghệ An tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét với chủ đề: “Dồn tổng lực để loại trừ sốt rét: Tăng cường đầu tư; Đổi mới, sáng tạo; Quyết tâm hành động”.
![]() |
TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phát biểu tại lễ mít tinh |
Đây là hoạt động thường niên nằm trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin” (RAI4E) giai đoạn 2024 - 2026, do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.
Cùng thời điểm, hội nghị huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam cũng được tổ chức, nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy nguồn lực hành động tiến tới mục tiêu quốc gia loại trừ sốt rét vào năm 2030.
![]() |
Toàn cảnh lễ mít tinh |
Tham dự buổi mít tinh có hơn 90 đại biểu, gồm lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các viện chuyên môn, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đang triển khai Dự án RAI4E.
Thành tựu nổi bật: Không còn tử vong do sốt rét trong năm 2024
Phát biểu tại sự kiện, TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra, lây truyền qua muỗi Anophen bị nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023 ghi nhận khoảng 263 triệu ca mắc sốt rét và 597.000 ca tử vong, trong đó 95% tập trung tại Châu Phi.
![]() |
TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết năm 2024, cả nước chỉ ghi nhận 353 ca bệnh sốt rét |
Tại Việt Nam, kết quả phòng chống sốt rét đạt nhiều dấu ấn tích cực. Năm 2024, cả nước chỉ ghi nhận 353 ca bệnh, không có ca tử vong. Đặc biệt, 48 tỉnh, thành phố đã được công nhận loại trừ sốt rét, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia kiểm soát dịch bệnh sốt rét tốt nhất khu vực.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, số trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét giảm gần 75%. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi và nhóm từ 6 - 15 tuổi lần lượt giảm 86% và 62%. Điều này thể hiện hiệu quả bền vững của các chương trình can thiệp phòng chống sốt rét được triển khai đồng bộ trong nhiều năm.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn hiện hữu. Trong số 353 ca mắc năm 2024 có tới 111 ca (chiếm 31,4%) là sốt rét ngoại lai từ nước ngoài, chủ yếu từ Châu Phi và Lào. 4 tháng đầu năm 2025, cả nước phát hiện 24 ca bệnh mới, trong đó, 58,3% là trường hợp ngoại lai. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế cần tăng cường giám sát và kiểm soát chặt chẽ nguy cơ tái bùng phát từ các nguồn lây nhiễm bên ngoài.
![]() |
Những địa phương từng là "điểm nóng" sốt rét như Khánh Hòa, Lai Châu, Quảng Trị... nay đều ghi nhận số ca mắc giảm rõ rệt. Điều này cho thấy công tác phòng chống sốt rét đã đạt được sự chuyển biến thực chất.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh: Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và đang vững bước thực hiện định hướng đến năm 2030, đó là duy trì tỷ lệ mắc dưới 0,15/1.000 dân và tỷ lệ tử vong dưới 0,02/100.000 dân, tiến tới loại trừ hoàn toàn sốt rét.
Tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và quyết tâm hành động
Chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét năm nay tại Việt Nam tập trung vào 3 trọng tâm: Tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và quyết tâm hành động. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa bằng những chiến lược và hành động thực tiễn.
![]() |
Soi ký sinh trùng sốt rét dưới kính hiển vi |
Trong đó, về tăng cường đầu tư: Việt Nam chú trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở, đầu tư vào công tác xét nghiệm, chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, và trang bị phương tiện phòng chống muỗi hiệu quả. Đồng thời, nguồn lực được ưu tiên cho nghiên cứu các giải pháp mới, như phát hiện sớm sốt rét ngoại lai, tăng cường giám sát dịch tễ đối với nhóm dân di cư, dân đi rừng và đối tượng từ các vùng lưu hành sốt rét như Châu Phi, Myanmar, Lào, Campuchia.
Về đổi mới sáng tạo: Việt Nam ứng dụng công nghệ xét nghiệm nhanh độ nhạy cao, tầm soát nhiều loại ký sinh trùng sốt rét; phát hiện thiếu men G6PD để sử dụng thuốc Tafenoquine điều trị dứt điểm sốt rét do P. vivax; triển khai điều trị mở rộng cho nhóm nguy cơ cao; phối hợp phòng chống sốt rét khu vực biên giới và sàng lọc sốt rét ngoại lai qua xét nghiệm tại cửa khẩu.
Về quyết tâm hành động: Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe được đẩy mạnh, đặc biệt trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ý thức tự phòng bệnh của người dân được nâng cao, qua đó hình thành mạng lưới cộng đồng tự giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời ca bệnh.
![]() |
Bệnh nhân đang điều trị sốt rét tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương |
TS.BS Hoàng Đình Cảnh khẳng định: Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành Y tế, sự đồng lòng của Nhân dân và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tự tin rằng sẽ loại trừ hoàn toàn sốt rét trước năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần duy trì sự chủ động cao độ trong công tác phòng chống, nhất là kiểm soát nguy cơ ngoại lai từ các quốc gia còn lưu hành sốt rét, đồng thời củng cố hệ thống giám sát dịch tễ, đầu tư bền vững cho y tế cơ sở và duy trì tinh thần hành động mạnh mẽ, sáng tạo.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làm rõ nguyên nhân mẹ con sản phụ tử vong ở bệnh viện

Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn

Cứu sống bệnh nhân sốc thuốc huyết áp bằng kỹ thuật ECMO

Quảng cáo “lố”, Viện thẩm mỹ Lavender by Chang tiếp tục bị xử phạt

Siết chặt kiểm tra mỹ phẩm trên các sàn TMĐT và mạng xã hội

Giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám chữa bệnh

Hà Nội triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện

Ngành Y tế cam kết triển khai bệnh án điện tử trước 30/9/2025

Phát động các chiến dịch tương tác về phòng, chống dịch bệnh
