Việt Nam hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Tại cuộc trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Lào đang gặp phải khi ứng phó dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phòng chống Covid-19 ở Việt Nam, đồng thời muốn lắng nghe những đề nghị của Bộ Y tế Lào về những hỗ trợ của Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đang xảy ra tại đất nước Lào.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi trực tuyến với ông Bounfeng Phoummalaysith, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào |
Ông Bounfeng Phoummalaysith, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào cho biết: "Từ 20/4/2021 đến nay, dịch Covid-19 ở Lào đã bùng phát mạnh, lây lan trên 15/18 tỉnh trên toàn quốc, số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng cao, cao điểm có ngày tới 100 ca mắc mới. Qua quá trình điều tra dịch tễ thì các ca bệnh Covid-19 trong thời gian này tại Lào liên quan chủ yếu đến nhập cảnh không hợp pháp.
Các tỉnh, thành phố ở Lào đã có những biện pháp nhằm khống chế sự lây lan. Hiện Lào chưa có ca bệnh tử vong vì Covid-19. Tại thủ đô Vientiane, người bệnh Covid-19 đã lấp đầy các bệnh viện tuyến đầu (trung ương) và hiện Lào đã phải sử dụng các cơ sở y tế dã chiến để đón người bệnh Covid-19".
Ông Bounfeng Phoummalaysith, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào tại cuộc họp trực tuyến |
Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cho biết, để kịp thời xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19, với những thiết bị xét nghiệm hiện có, Lào đang cần khoảng 10 máy xét nghiệm Realtime Rt-PCR với công suất xét nghiệm 40.000 mẫu/ngày.
Phía Bộ Y tế Lào cũng chia sẻ mong muốn được Việt Nam giúp đỡ về trang thiết bị, vật tư phòng dịch, điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, Bộ Y tế Lào mong muốn Việt Nam hỗ trợ chuyên gia xét nghiệm Rt-PCR và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phòng dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Qua nghe thông tin từ Bộ Y tế Lào, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, trong đối phó đại dịch, đặc biệt là việc ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam rất quan tâm và đã triển khai đồng bộ mọi hoạt động trên tinh thần nhanh nhất có thể. Trước hết, Việt Nam đã triển khai truy vết rất triệt để, làm sao truy hết những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính SARS-CoV-2 để cách ly.
Thứ 2, Việt Nam thực hiện các chiến lược xét nghiệm khác nhau, và quan điểm hiện nay là xét nghiệm trên diện rộng để kiểm soát tình hình, không chỉ người tiếp xúc gần mà cả những trường hợp tF2 cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
Việt Nam cũng áp dụng chiến lược gộp mẫu, có vùng dịch gộp tới 16 mẫu, công suất xét nghiệm nâng lên nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu. Bộ Y tế hướng dẫn, cho phép địa phương gộp 5 mẫu cho giám sát cộng đồng, giám sát các ca nghi ngờ tại các cơ sở y tế. Điều này giúp tăng công suất xét nghiệm và đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu nguồn lực cho xét nghiệm.
Đến nay, Việt Nam đã xét nghiệm cho hơn 2 triệu lượt người, công suất xét nghiệm tăng lên nhanh chóng, điển hình là trong đợt dịch thứ 3 xảy ra tại Hải Dương.
Thứ 3, một trong những kinh nghiệm quý báu Việt Nam với chiến lược áp dụng từ đầu dịch trên tinh thần kiên quyết, triệt để là cách ly tập trung những người tiếp xúc gần (F1) với ca dương tính, nhằm mục đích đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, cắt đứt đường lây nhiễm tại cộng đồng.
Thứ 4, về điều trị, với đại dịch Covid-19 đặc biệt khi dịch xảy ra với nhóm đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ (như người cao tuổi, người có bệnh lý nền) khả năng tỷ lệ tử vong cao hơn với nhóm đối tượng khác nên Việt Nam rất chú ý vấn đề điều trị.
Cũng liên quan đến điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay với bệnh nhân không có hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ điều trị ở bệnh viện dã chiến. Trường hợp có diễn biến nặng hơn thì đưa đến các trung tâm hoặc bệnh viện khu vực có sẵn sàng hệ thống hồi sức cấp cứu để có những hỗ trợ chuyên môn thích đáng.
“Ngay từ đầu, Việt Nam đã thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa kết nối mọi cơ sở điều trị Covid-19. Đến nay đã kết nối 1.500 điểm trên tất cả tỉnh/thành, quận/huyện. Bệnh nhân Covid-19 điều trị bất cứ nơi đâu đều có sự hỗ trợ kịp thời của các chuyên gia đầu ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam cũng chia sẻ, có những bệnh nhân nặng, Việt Nam có hội chẩn toàn tuyến với sự tham gia của chuyên gia, các cơ sở có kinh nghiệm để có hướng điều trị tốt nhất. Vì thế, trong đợt dịch thứ 3, số ca nhiễm rất cao nhưng không có ca tử vong.
Về đề nghị hỗ trợ của Bộ Y tế Lào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào vượt qua khó khăn này.
Bộ trưởng cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam chính thức quyết định hỗ trợ cho Lào 200 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 10 tấn chlorominB và các trang thiết bị phòng dịch khác.
Về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, Bộ Y tế sẽ cử chuyên gia xét nghiệm để giúp cho Lào thiết lập hệ thống xét nghiệm nhanh nhất. “Việt Nam là nơi thứ 4 trên thế giới phân lập thành công virus SARS-CoV-2”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ cử chuyên gia rất có kinh nghiệm trong lập bệnh viện dã chiến đặc biệt là thiết lập phòng Hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Việt Nam có những bệnh viện dã chiến thiết lập trong 10 tiếng đồng hồ. Các chuyên gia có thể hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng.
Trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ tất cả cơ sở điều trị của Lào, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ hỗ trợ điều trị từ Việt Nam thông qua kết nối trực tuyến bằng hệ thống Telehealth (khám chữa bệnh từ xa) của các bệnh viện của Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 sẽ hỗ trợ, trao đổi với các đồng nghiệp Lào các ca bệnh khó. Đây là bài học quý báu trong điều trị Covid-19; Thiết lập kết nối telehealth sẽ do các kỹ sư Việt Nam thiết lập ngay tại các cơ sở điều trị Covid-19 ở Lào.