Việt Nam vẫn còn dư địa tương đối lớn cho các gói kích thích kinh tế
Trong báo cáo chiến lược quý IV/2021, nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, quy mô các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn tương đối thấp so với các gói trước đó.
Theo đó, quy mô các gói hỗ trợ trong năm 2021 đạt 160.117 tỷ đồng, chiếm 1,83% GDP, trong khi các gói hỗ trợ trước đó vào năm 2020 hay năm 2009 lên tới 3,6-8,3% GDP.
Nếu so với một số quốc gia trên thế giới, gói kích thích kinh tế của Việt Nam còn tương đối nhỏ, chiếm 2% GDP. Trong khi đó, tại Nhật Bản quy mô gói lên tới 56% GDP hay tại Đức gói hỗ trợ chiếm tới 39% GDP.
Việt Nam vẫn còn dư địa tương đối lớn cho các gói kích thích kinh tế |
Do đó, nhóm phân tích cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tương đối lớn cho các gói kích thích kinh tế khi các hoạt động kinh tế xã hội bước vào điều kiện bình thường mới.
“Sẽ không chỉ là thúc đẩy đầu tư công, nền kinh tế cần nguồn vốn lớn hơn để vượt qua thách thức hiện tại nên chúng tôi cho rằng những giải pháp để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân, thu hút thêm nguồn vốn FDI sẽ được đưa ra”, nhóm phân tích của BVSC dự báo.
Nhóm phân tích của BVSC dự tính, từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 gói kích thích kinh tế khác bao gồm gói hỗ trợ người dân thông qua các việc làm ngắn hạn (23.000 tỷ đồng); dự phòng ngân sách trung ương cho phòng chống dịch Covid-19 (14.620 tỷ đồng); miễn giảm lãi suất với quy mô dự kiến 20.000 tỷ đồng.
Nhóm phân tích của BVSC dự tính, từ nay đến cuối năm sẽ còn 3 gói kích thích kinh tế |
Cũng theo nhóm phân tích, nền kinh tế được mở cửa trở lại trong quý IV là yếu tố tích cực mở ra triển vọng bắt nhịp trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặt khác, dư địa để có một gói kích thích kinh tế lớn sẽ là kỳ vọng lớn nhất đối với các nhà đầu tư.
"Theo quan điểm của chúng tôi, bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, các cơ quan điều hành sẽ có thêm chính sách để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân. Cùng đó, có thể sẽ có thêm một số ưu đãi để tạo ra sự cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI", nhóm phân tích của BVSC nhận định.
Nhóm phân tích cũng kỳ vọng vào việc khơi thông và thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tư nhân - đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh đó, với gói kích thích kinh tế lớn, các doanh nghiệp sẽ dần hoạt động trở lại và giảm bớt lo ngại về rủi ro nợ xấu.
Ngoài ra, với việc thúc đẩy đầu tư công, những doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, các doanh nghiệp xây dựng sẽ thu hút được nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư. Với nhóm bất động sản khu công nghiệp không chỉ hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công, mà nhóm ngành này còn có thể hưởng lợi từ khi dòng vốn FDI trở lại sau quá trình giãn cách, siết chặt thời gian vừa qua.
Hơn nữa, nhóm phân tích cũng dự báo khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành trong các tháng tới nhưng sẽ đưa thêm các giải pháp để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư tư nhân.