Vietnam Airlines báo tin vui từ Mỹ
Cổ đông Nhà nước rót gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu Vietnam Airlines Nguy cơ phá sản, cổ phiếu Vietnam Airlines vẫn “bay cao” |
Ngày 21/9, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) xem xét phê chuẩn, trên cơ sở đó Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Với sự kiện này, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ - quốc gia có hàng rào, thủ tục pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới.
Theo Vietnam Airlines, các chuyến bay thường lệ khác biệt hoàn toàn với các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế (International Special Charter) mà một số hãng hàng không Việt đang được nhà chức trách Mỹ cấp phép.
Theo đó, chuyến bay thường lệ được thực hiện đều đặn theo lịch bay mà hãng hàng không công bố, không hạn chế mọi đối tượng hành khách và mở bán vé rộng rãi tại website, ứng dụng di động, phòng vé,... của hãng bay. Tất cả hành khách đều có thể tự tra cứu lịch bay, tùy chọn đặt chỗ, mua vé với mức giá phù hợp theo nhu cầu cá nhân trên các chuyến bay thường lệ.
Tàu bay của Vietnam Airlines tại Mỹ. (Ảnh: VNA) |
Trong khi đó, các chuyến bay thuê chuyến đặc biệt quốc tế bị giới hạn về lịch bay, đối tượng, mục đích như đưa công dân Việt về nước. Các chuyến bay này chỉ được phép khai thác trong khoảng thời gian quy định, sau khi kết thúc hãng hàng không phải xin phép lại từ đầu.
Hiện tại, Vietnam Airlines đã hoàn tất mọi thủ tục mà phía hãng hàng không cần chuẩn bị để đáp ứng điều kiện được nhà chức trách Mỹ cấp phép bay thẳng thường lệ. Trong đó, việc đáp ứng các yều cầu về công tác bảo đảm an ninh của TSA là bước cuối cùng và quan trọng nhất.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Vietnam Airlines, song song với việc xem xét phê chuẩn năng lực bảo đảm an ninh của hãng hàng không, TSA sẽ cử đại diện sang Việt Nam để khảo sát trực tiếp và đánh giá năng lực bảo đảm an ninh của sân bay xuất phát từ Việt Nam.
Việc cử đại diện sang khảo sát không phụ thuộc vào việc TSA sẽ thông qua và phê duyệt giấy phép cho Vietnam Airlines. Giấy phép của TSA sẽ là cơ sở để FAA cấp phép cho hãng cũng như các hãng hàng không Việt khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ. (Ảnh: VNA) |
Ngày 13/9 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước đó, năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines trong đó 4.000 tỷ đồng là vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng còn 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu.
Với gói 8.000 tỷ đồng, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm này được chia cho các cổ động hiện hữu. Trong đó, với cổ đông nhà nước, Chính phủ giao SCIC thực hiện mua số cố phần thuộc quyền của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines (tương đương giá trị cổ phiếu khoảng 6.880 tỷ đồng).
Với khoản tiền thu được, Vietnam Airlines sẽ dùng thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết không dùng số tiền vốn này cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tháng 7 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines diễn biến trồi sụt. Chốt phiên giao dịch 21/9, cổ phiếu của HVN hãng hàng không quốc gia ở mức 25.400 đồng/đơn vị, giảm 11% so với thời điểm cách đây một tuần.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần Vietnam Airlines giảm gần 44%, chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng; lỗ sau thuế 8.585 tỷ đồng, tăng lỗ 63% so với mức lỗ 5.262 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cộng thêm khoản lỗ 8.585 tỷ đồng đã nâng tổng mức lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2021 của Vietnam Airlines ở mức 17.771 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines ở mức 61.255 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.
Đặc biệt, nợ phải trả của Vietnam Airlines ở mức 64.005 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 56.489 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Như vậy, nợ phải trả đã vượt tổng tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng; đáng chú ý vốn chủ sở hữu của hãng bay lần đầu bị âm với mức âm tới 2.750 tỷ đồng.
Ngày 7/9 vừa qua, Bamboo Airways cũng đã được Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) cấp phép thực hiện 12 chuyến bay thẳng 2 chiều Việt Nam - Mỹ có lịch trình từ tháng 9 đến tháng 11/2021, với điểm xuất phát và hạ cánh là các sân bay quốc tế trọng điểm sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Đà Nẵng tại Việt Nam; sân bay San Francisco (California), sân bay Los Angeles (California) và Seattle-Tacoma (Washington) tại Mỹ. Dự kiến, chuyến bay thẳng kiểm chứng đầu tiên được Bamboo Airways tiến hành ngay từ ngày 23/9, mở đường cho chuỗi hoạt động tại Mỹ bao gồm: ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với sân bay quốc tế San Francisco; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với sân bay quốc tế Los Angeles, khai trương văn phòng đại diện chính thức của Bamboo Airways tại Mỹ, làm việc với nhà sản xuất máy bay Boeing, các đối tác đại lý… |