Vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười - người Cộng sản mẫu mực và trung kiên
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gặp gỡ thiếu nhi Hà Nội và Thái Bình nhân dịp các cháu vào viếng lăng Bác và thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1990. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Bài liên quan
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần
Quá trình công tác của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Trưởng thành trong thực tiễn cách mạng
Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân.
Năm 1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.
Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (1/5/1990). (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN) |
Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu một số bộ, ngành, nhiều năm tham gia lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng.
Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX.
Trưởng thành từ một công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại chịu khó tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cùng với sự mẫn cảm chính trị đã tạo cho đồng chí Đỗ Mười sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực với một tư duy sắc sảo, nhạy bén và khả năng hùng biện, cuốn hút mọi người cùng hành động.
Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Hội Phụ nữ khóa VI, kỳ họp thứ 7 tại Hà Nội (14-17/10/1991). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, cùng với những thăng trầm trong tiến trình phát triển của đất nước đã tôi luyện đồng chí Đỗ Mười thành một nhà lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán và gắn bó máu thịt với nhân dân.
Từ cuối thập niên 70 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, nền kinh tế nước ta trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong nhiều vấn đề cụ thể còn là cuộc đấu tranh về quan điểm phát triển đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao.
Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Nhờ đó, những khó khăn của nền kinh tế dần được tháo gỡ, sản xuất và đời sống nhân dân được từng bước cải thiện. Trên cơ sở phát huy nội lực, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992.
Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Đồng chí Đỗ Mười là một lãnh đạo cầu thị. Đồng chí đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và tạo ra không khí tranh luận sôi nổi ở các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở.
Đồng chí cũng chính là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở.
Dù ở cương vị nào và ngay cả lúc đã nghỉ công tác, đồng chí vẫn luôn giữ cho mình thói quen đọc sách, nghe tin tức để cập nhật kiến thức và nắm tình hình.
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Trong thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào định hướng phát triển phương thức lãnh đạo, quản lý đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…
Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển.
Đối với công tác xây dựng Đảng, đồng chí Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, nhưng cũng rất lắng nghe và cầu thị.
Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Đồng chí là người luôn chăm lo đến công tác đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Đối với đồng chí, cán bộ phải được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn của cách mạng để thể hiện năng lực cũng như bản lĩnh chính trị.
Với tình cảm chân thành và trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo đi trước, đồng chí luôn tận tình giúp đỡ, truyền đạt những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cho các thế hệ đi sau.
Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười.
Với tác phong sâu sát cơ sở, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng và lắng nghe ý kiến cấp dưới, đồng chí luôn giữ được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, phát huy được trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Tổng Bí thư Đỗ Mười đặt vòng hoa viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị (5/3/1993). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù rất bận nhưng đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền.
Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội.
Trong những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và Nhà nước. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe, vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân.
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Học viện Quốc phòng, ngày 21/12/1997. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN) |
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười trong tám thập kỷ hoạt động cách mạng liên tục, ngày 28/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc mừng và trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đỗ Mười.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đây vừa là vinh dự lớn lao của bản thân đồng chí và gia đình, vừa là niềm tự hào của Đảng đã tôi luyện nên những chiến sỹ cộng sản kiên trung mà đồng chí Đỗ Mười là tấm gương mẫu mực, sáng ngời để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.”
Vĩnh biệt Tổng Bí thư Đỗ Mười! Tổ quốc và nhân dân mãi nhớ tới hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, gần gũi, trung kiên, nhiệt huyệt cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân.
Theo tin từ Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 01 tháng 10 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thành phố Hà Nội.