Hải Phòng gắn biển đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình |
Tuyến đường Đỗ Mười được đầu tư từ năm 2019, nằm trong tổng thể dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, với chiều dài khoảng 1,6km từ cầu Hoàng Văn Thụ đến hết dự án, chiều rộng mặt cắt đường là 66 m; với 10 làn xe, vỉa hè, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tổng mức đầu tư dự án 1.066 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.
Đây là tuyến trục chính của khu vực, kết nối vùng lõi đô thị cũ của Hải Phòng với Trung tâm Chính trị - Hành chính mới của thành phố. Tuyến đường có điểm đầu từ chân cầu Hoàng Văn Thụ kéo dài đến đường trục Khu công nghiệp VSIP có hạ tầng đẹp, đồng bộ, hiện đại và ở trung tâm của Khu trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ |
Trong không khí tưng bừng của những ngày tháng 5 lịch sử - chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - 2025 và đón nhận Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Thành phố Anh hùng", phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định: “Lễ gắn biển tên đường Đỗ Mười nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025) để ghi nhớ sự kiện năm 1955, đồng chí Đỗ Mười được giao chỉ đạo tiếp quản khu 300 ngày, làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng (tháng 3/1955).
Đồng thời, đây là dịp vinh danh, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười - người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và xây dựng thành phố Hải Phòng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ”.
Với sự chỉ đạo linh hoạt của Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng khi đó, tiểu thủ, công nghiệp, nông nghiệp và Hải Cảng nhanh chóng được phục hồi. Đặc biệt, thành phố quan tâm, chỉ đạo các xí nghiệp lợi ích công cộng như điện, nước, xe lửa, bưu điện, vệ sinh đảm bảo hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của Nhân dân. Nhiều nhà máy được khôi phục trở lại.
Hơn 6 tháng sau ngày giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và sự nỗ lực của quân và dân thành phố, mọi công tác, lĩnh vực trọng tâm ở Hải Phòng dần ổn định. Kinh tế quốc doanh lớn dần, kinh tế tư nhân bắt đầu được điều chỉnh.
Văn hóa - xã hội được ổn định, cán bộ giáo dục vào tiếp quản Hải Phòng cùng các thầy giáo, học sinh ở vùng tạm chiếm cũ đã phục hồi. Trường sở được sửa chữa, bộ máy quản lý được củng cố để chuẩn bị cho việc khai giảng năm học hoà bình đầu tiên.
![]() |
Các đại biểu làm thủ tục gắn biển công trình |
Cuộc cải cách ruộng đất ở Hải Phòng được tiến hành từ tháng 1 - 5/1956 theo các bước: Bắt rễ, xâu chuỗi, phát động quần chúng, vạch thành phần, truy thu thuế, thoái tô, chia ruộng đất, xác định diện tích, sản lượng để lập sổ bộ thuế nông nghiệp, chỉnh đốn tổ chức, bồi dưỡng cán bộ... Kết quả, ngoại thành Hải Phòng đã xóa bỏ quan hệ bóc lột phong kiến ở nông thôn, đem lại ruộng đất, uy thế chính trị và quyền làm chủ của Nhân dân, tạo tiền đề đưa nông thôn tiến vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp.
Ông còn quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng cảng, hình thành các khu vực cảng 1, cảng 2, khu chuyển tải ở Chùa Vẽ, Vật Cách... Năm 1956, đầu tư xây dựng nạo vét cảng và luồng lạch đảm bảo tàu 8.000 tấn ra vào dễ dàng.
Với trình độ, năng lực và uy tín, tháng 10/1956, Bí thư Thành ủy Đỗ Mười được Trung ương điều về công tác ở Hà Nội. Có thể khẳng định, trong thời gian trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhất là thời gian đầu tiếp quản thành phố, trong bối cảnh hết sức khó khăn song ông đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề ra sách lược khôn khéo, lãnh đạo tài tình phong trào, vừa xây dựng đời sống mới cho Nhân dân, vừa đối phó với thù trong giặc ngoài.
Nhờ vậy, Hải Phòng giữ vững được chính quyền Nhân dân, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng được lực lượng vũ trang đông đảo, mạnh mẽ. Nhân dân Hải Phòng đã đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Trong thắng lợi chung đó, có phần đóng góp rất quan trọng của Bí thư Thành ủy Đỗ Mười.
Sau này, dù giữ nhiều trọng trách cao hơn, song, ông vẫn dành cho Hải Phòng một tình cảm đặc biệt, qua mỗi lần về thăm và làm việc với thành phố cảng, đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng cán bộ, quân và dân Hải Phòng.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, con cố Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu tại buổi lễ |
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, con cố Tổng Bí thư Đỗ Mười xúc động chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi được chứng kiến Lễ gắn biển tuyến đường mang tên Đỗ Mười - người cha, người ông của chúng tôi - người đồng chí thân thiết đã gắn bó với quân và dân thành phố Hải Phòng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cũng như công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này”.
Sau 70 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã ghi được những dấu ấn lịch sử, Hải Phòng hôm nay đã có bước phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, đời sống vật chất tinh thần của người dân cải thiện rõ nét. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 10 năm liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số và lần đầu tiên dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.
Trước vận hội lớn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với những thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức, Hải Phòng tiếp tục xác định các mục tiêu: Mở rộng không gian kinh tế đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tiên phong trong sáng tạo, đột phá, làm chủ khoa học công nghệ để sớm trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; thành phố học tập, điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

EVN điều chỉnh giá điện tăng 4,8% từ ngày 10/5

Thành phố Hà Nội bổ sung thêm 49 trạm xe đạp công cộng

TP Hồ Chí Minh thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, phát triển metro

Hải Phòng: 70 năm thành phố anh hùng “Trung dũng - Quyết thắng”

Tên 168 phường, xã của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập

Bà Rịa - Vũng Tàu vào top 5 chỉ số PCI 2024

Hải Phòng dẫn đầu cả nước 3 chỉ số PCI, PAR Index và SIPAS

Hà Nội: Không để phát sinh "điểm nóng" khi thực hiện thu hồi đất

“Kiên quyết, kiên trì, sẻ chia” tạo sự đồng thuận của Nhân dân
