Vinh danh những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế
Vinh danh nhà giáo tiêu biểu quận Tây Hồ Vinh danh truyền thống tôn sư trọng đạo tại Văn Từ Thượng Phúc PNJ được vinh danh 2 giải thưởng tại Dragons of Asia 2024 |
Sân khấu hóa lễ thiết triều dâng biểu mừng hoàn thành điện Thái Hòa và ban thưởng của triều đình (Ảnh: Đ.Minh) |
Địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy di sản
Tối 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh”.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003).
Cho đến nay, Thừa Thiên - Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất cố đô.
Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đón nhận bằng UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” |
Ngày 8/5/2024 tại kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng phát huy hiệu quả, đưa Huế phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng |
“Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định.
Theo ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh đã lưu giữ các giá trị giao thoa và tương tác giữa các nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á.
Sự công nhận của UNESCO đối với “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên con số mười, trong đó có ba di sản tư liệu thế giới và bảy di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương.
“Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, với UNESCO và Việt Nam, chính là công tác bảo tồn, trùng tu và tôn tạo, bảo vệ nguyên trạng di sản thế giới.
Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng chính là các vấn đề của thế giới hiện đại khiến chúng ta phải tích cực hơn, như tăng cường sự chuẩn bị để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, giúp các di sản thế giới của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn trước các thảm họa do con người gây ra hoặc trước các thiên tai, tối ưu hóa phúc lợi cho người dân.
Để làm được những điều này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng, bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ sống trong và xung quanh di sản này”, ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ.
Sau 3 năm tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa đã chính thức đón du khách tham quan trở lại (Ảnh: Đ.Minh) |
Điện Thái Hòa mở cửa đón du khách sau 3 năm trùng tu
Cũng trong sự kiện ngày hôm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan và công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”. Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị hoàng đế triều Nguyễn, nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình.
Hình rồng trên mái điện Thái Hòa đẹp và thanh thoát, với những dáng vẻ kiêu hãnh vươn lên trời xanh (Ảnh: Đ.Minh) |
Sau hàng trăm năm tồn tại, điện Thái Hòa đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc (Ảnh: Đ.Minh) |
Điện Thái Hòa có ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời hoàng đế triều Nguyễn (Ảnh: Đ.Minh) |
Ngôi điện này được xây dựng từ mùa xuân 1805 thời Gia Long. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832, đến năm 1833 thì hoàn thành. Sau hàng trăm năm tồn tại, điện Thái Hòa đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Trước đó, ngày 23/11/2021, lễ khởi công Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” được thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng. Dự án bao gồm nhiều hạng mục như: bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống kết cấu chịu lực bằng gỗ, hệ mái, tường và nền; bảo quản, tu bổ, phục hồi chi tiết các trang trí ngoại thất và nội thất công trình…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu tham quan bên trong điện Thái Hòa |
Sau 3 năm thi công, với nỗ lực lớn của tập thể đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản, dự án đã về đích trước thời hạn 9 tháng. Điện Thái Hòa được khôi phục đúng giá trị nguyên bản và sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của vùng đất Cố đô.
Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804 là nơi vua làm việc hàng ngày và là nơi tổ chức Lễ Thiết Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 Âm lịch hàng tháng; nơi tổ chức các lễ Nguyên Đán, Vạn Thọ Đại khánh cũng như yến tiệc vào các dịp khánh hỷ.
Các đại biểu động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh” |
Tháng 2 năm 1947, ngôi điện bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại phần nền móng. Trải qua hơn 60 năm nghiên cứu, đặc biệt từ giai đoạn từ năm 2000 đến 2024, công cuộc nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tư liệu có giá trị từ các thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, các chuyên gia của UNESCO và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, công cuộc nghiên cứu đã có đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai dự án phục hồi ngôi điện quan trọng này.
Được biết, dự án sẽ nỗ lực tu bổ, phục dựng lại tổng thể kiến trúc nội ngoại thất và cảnh quan của điện Cần Chánh với tính chất tiệm cận với nguyên bản. Dự án có kinh phí gần 200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong 4 năm. Sau công trình phục dựng điện Kiến Trung, đây sẽ là cung điện thứ hai trong khu vực Tử Cấm Thành hứa hẹn sẽ đạt được những thành quả tích cực.