Vinh danh, truyền cảm hứng cho em gái, phụ nữ theo đuổi ngành STEM
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án STEMherVN - Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Đây là một trong những nỗ lực nhằm truyền cảm hứng cho các bạn nữ sinh theo đuổi ước mơ nghề nghiệp STEM, hướng tới phá bỏ các rào, định kiến và phân biệt đối xử trên cơ sở giới cản trợ sự phát triển của nữ giới; Khẳng định tầm quan trọng của nữ giới và những đóng góp của họ trong lĩnh vực STEM.
Bà Trần Vân Anh - Giám đốc Chương trình Viện MSD - United Way Việt Nam phát biểu |
Phát biểu khai mạc, bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình Viện MSD - United Way Việt Nam chia sẻ: “Những năm gần đây, giáo dục STEM dần trở nên phổ biến và có sự quan tâm nhiều hơn của các nhà trường, gia đình. Ngày càng có nhiều bạn nữ mạnh dạn theo đuổi đam mê lĩnh vực STEM.
Các em gái hoàn toàn có thể tự tin theo đuổi đam mê, sở thích và thế mạnh của mình trong lĩnh vực STEM. Tôi tin rằng sự nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo của mỗi bạn trẻ sẽ là tiền đề để tạo nên và dẫn dắt sự thay đổi. Hy vọng các bạn sẽ đồng hành cùng chúng tôi trên hành trình STEMherVN: Truyền cảm hứng để xóa bỏ định kiến, thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận nghề nghiệp”.
TS Thạch Minh Quân, đại diện trường Đại học Giao thông vận tải phát biểu tại chương trình |
Đại diện trường Đại học Giao thông vận tải, TS Thạch Minh Quân, Phó trưởng Phòng Công tác chính trị và Sinh viên phát biểu: “Trường Đại học Giao thông Vận tải rất trân trọng đồng hành cùng Viện MSD trong rất nhiều hoạt động dành cho các sinh viên, đặc biệt là các hoạt động, dự án thúc đẩy bình đẳng giới, mang lại những giá trị tích cực”.
Chương trình được tiếp nối với phần thi “Ai là đại sứ STEM thông thái” với những câu hỏi thú vị nhưng không kèm phần “khó nhằn” giúp các bạn sinh viên có cơ hội tìm hiểu những thông tin hữu ích về lĩnh vực STEM, đặc biệt là vai trò và thành tựu của phụ nữ trong lĩnh vực STEM.
Rapper Rica giao lưu cùng các sinh viên tại chương trình |
Không khí của chương trình càng trở nên sôi động hơn với phần biểu diễn và giao lưu cùng rapper, ca sĩ Rica. Chàng Rapper tài năng chia sẻ: “Đối với mình, nghề nghiệp không mang đặc thù giới, nghĩa là không có một quy chuẩn nào về việc đàn ông phải làm nghề gì hay phụ nữ phải làm nghề nào.
Những định kiến, quan niệm về giới có thể là rào cản khiến các bạn nữ tự ti, e ngại. Tuy nhiên, phụ nữ hãy làm những gì khiến mình hạnh phúc, thoải mái và tự tin nhất. Mình tin rằng khi các bạn thật sự mong muốn và nỗ lực, thành công sẽ đến”.
Các bạn sinh viên tham gia chương trình |
Trong khuôn khổ dự án STEMherVN, Viện MSD - United Way Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “Em yêu STEM” với mong muốn là sân chơi để các bạn trẻ yêu thích STEM, đặc biệt các bạn nữ có thể sáng tạo và nộp ý tưởng, dự án ứng dụng STEM vào giải quyết các vấn đề của xã hội. Sau hơn một tháng phát động và triển khai, cuộc thi đã tìm ra 6 đội thi xuất sắc nhất để trao giải.
Tại lễ trao giải, bạn Diệp Linh, sinh viên Học viện Tài chính - đồng tác giả sáng kiến đoạt giải Nhất đã hào hứng chia sẻ về cách thức ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người điếc: “Đa số những người điếc gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và vấn đề việc làm do ngôn ngữ kí hiệu chưa được phổ biến rộng rãi.
Bạn Diệp Linh - đồng tác giả sáng kiến Just Sign |
Chúng em đã nhận ra những vấn đề như vậy và muốn có một giải pháp để giúp người điếc giao tiếp thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Công nghệ sẽ rút ngắn khoảng cách, giúp cho người điếc dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Chúng em rất vui khi đạt được giải thưởng. Điều này khiến chúng em tự tin rằng phụ nữ cũng có thể theo đuổi ngành nghề STEM”.
Các sáng kiến đạt giải cuộc thi Em yêu STEMGiải Nhất: Just Sign - Giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người điếc
Dự án được đề xuất bởi hai bạn Vũ Diệp Linh, sinh viên Học viện Tài chính và Lều Thị Hằng, sinh viên Đại học Ngoại thương. JUST SIGN là một giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người điếc với tính năng cốt lõi là phiên dịch từ ngôn ngữ ký hiệu qua ngôn ngữ của người nghe và ngược lại. JUST SIGN hy vọng có thể xóa bỏ rào cản giao tiếp giúp người điếc hòa nhập cộng đồng thông qua giải pháp công nghệ hiện đại nhất. 2 giải Nhì: Máy tích điểm đổi quà tự động bằng chai nhựa Dự án được đề xuất bởi nhóm các bạn: Nguyễn Bùi Minh Thư, Quan Thanh Nghiệp và Lương Ngọc Long - học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, Đắk Lắk. Sáng kiến hướng tới hình thành thói quen thu gom chai nhựa của người dân thông qua thiết bị đổi chai nhựa - tích điểm - đổi quà. Thiết bị được thiết kế đơn giản với cảm biến hồng ngoại. Máy được kết nối với ứng dụng trên điện thoại. Khi bỏ 1 chai nhựa vào máy thu gom - tích điểm thì người dùng sẽ nhận được điểm thưởng để đổi lấy các phần quà hay tiền mặt, thay vì phải tích nhiều chai nhựa thì mới có thể mang đi đổi hoặc bán được. Đây là một giải pháp hiệu quả trong việc thu gom chai nhựa, tái chế và góp phần cải thiện chất lượng môi trường. Ứng dụng OMHA (Our Mental Health Assistance) - Hỗ trợ sức khỏe tâm thần Dự án được đề xuất bởi các bạn: Hoàng Tuấn Tú, Phí Vũ Trung Kiên và Vũ Thị Yến Chi, học sinh trường THPT Chuyên Thái Bình. OMHA là ứng dụng giúp chăm sóc sức khỏe về mặt tinh thần cho người dùng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Ứng dụng có thể giúp cải thiện được đời sống tâm lý học sinh và phụ huynh thông qua đây cũng sẽ có góc nhìn khác về tâm lý con trẻ. 3 giải Ba: Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú Dự án được đề xuất bởi các bạn: Hoàng Thị An, Lê Tố Uyên và Đỗ Quốc Huy, học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, Đắk Lắk. Dự án hướng tới các trường học nội trú và nhằm quản lý học sinh tốt hơn trong những giờ tự học buổi tối (19-22h). Nhóm xây dựng một thiết bị đo độ ồn, thống kê lại những lớp bị nhắc nhở sau mỗi buổi học. Thiết bị sẽ có hình chữ nhật với bên ngoài là một chiếc loa và màn hình LCD dùng để thông báo nhắc nhở khi tiếng ồn quá mức quy định. Nhà chờ xe buýt an toàn - thông minh - thân thiện Dự án được đề xuất bởi các bạn: Vũ Thúy Hằng, Nguyễn Hoàng Lan, Trương Bùi Kim Ngân - thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (COC), trường Đại học Giao thông vận tải. Dự án hướng tới nhóm đối tượng sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Sáng kiến sẽ cải tạo thiết kế của nhà chờ như: Tạo không gian thoáng, tầm nhìn không bị hạn chế từ tất cả các phía, góc bo tròn, an toàn cho trẻ em, có vị trí dành riêng cho xe lăn và gạch xúc giác dẫn đường cho người khiếm thị, lắp đặt camera an ninh, chuông báo động, bảng tra cứu cảm ứng, sạc điện thoại, wifi miễn phí, thiết bị đo thân nhiệt, loa thông báo, đèn led cung cấp đủ ánh sáng nhằm đảm bảo an toàn cho những người sử dụng dịch vụ giao thông công cộng... Thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động Dự án được đề xuất bởi nhóm học sinh: Lưu Thị Thu Huệ, Hoàng Thị Lê Vy và Lương Chiều Vỹ, học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, Đắk Lắk. Xuất phát từ thực tế khí hậu tại Tây Nguyên, nhóm đã đưa ra sáng kiến xây dụng thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động. Thiết bị sử dụng cảm biến nhiệt độ và độ ẩm để đo không gian trong phòng, cảm biến cập nhật nhiệt độ và độ ẩm liên tục và hiện lên màn hình LCD và tự động điều khiển bình phun sương nhằm giúp cho không gian có không khí thoải mái cho mọi người. |
20 nữ sinh được nhận học bổng Em yêu STEM |
Các sinh viên chụp ảnh giao lưu tại chương trình |