Virus SARS-CoV-2 đột biến nhạy cảm với vắc-xin
Virus SARS-CoV-2 đột biến lây nhiễm nhanh hơn
Dòng virus SARS-CoV-2 mới, được gọi là D614G, đã xuất hiện ở Châu Âu và trở nên phổ biến nhất trên thế giới. Nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina (UNC) và Đại học Wisconsin - Madison cho thấy chủng D614G sao chép nhanh và dễ lây nhiễm hơn so với virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, lây lan vào đầu đại dịch.
Họ phát hiện ra rằng virus đột biến không chỉ sao chép nhanh hơn khoảng 10 lần mà còn có khả năng lây nhiễm nhanh hơn rất nhiều.
“Virus D614G phát triển mạnh hơn chủng gốc của nó khoảng 10 lần và sao chép cực kỳ hiệu quả trong các tế bào biểu mô mũi chính. Đây là vị trí quan trọng có khả năng lây truyền từ người sang người”, Ralph Baric, giáo sư dịch tễ học tại UNC, cho biết.
Ông Baric là người đã nghiên cứu virus Corona trong hơn ba thập kỷ và đóng góp một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển thuốc remdesivir, phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên được FDA chấp thuận.
Thế giới hiện ghi nhận hơn 54 triệu ca mắc Covid-19 và trên 1,3 triệu ca tử vong (Ảnh: NYT) |
Những chú chuột Hamster được cấy một trong hai chủng virus SARS-CoV-2. Ngày hôm sau, 8 con chuột Hamster không bị nhiễm bệnh được đặt vào lồng bên cạnh những con chuột bị nhiễm bệnh. Các nhà khoa học đặt một dải phân cách để chúng không thể chạm vào nhau nhưng không khí có thể đi qua các lồng.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu phát hiện sự nhân lên của virus ở những con chuột chưa bị nhiễm vào ngày thứ hai. Cả hai loại virus này đều lây truyền giữa các con chuột qua không khí nhưng thời gian khác nhau.
Với loại virus đột biến, các nhà nghiên cứu đã thấy nó lây truyền cho 6 trong số 8 con chuột trong vòng hai ngày và lây tất cả vào ngày thứ tư. Còn virus nguyên bản không thấy lây truyền vào ngày thứ hai, mặc dù tất cả những con chuột tiếp xúc đều bị nhiễm bệnh vào ngày thứ tư.
Giáo sư Kawaoka cho biết: “Chúng tôi thấy virus đột biến truyền trong không khí nhanh hơn virus nguyên bản. Điều này có thể giải thích tại sao loại virus này chiếm ưu thế trong các trường hợp mắc Covid-19 ở người”.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra bệnh lý của hai chủng virus. Một khi chuột đồng bị nhiễm bệnh, chúng có cùng một lượng virus và các triệu chứng. Điều này cho thấy mặc dù virus đột biến lây nhiễm vật chủ tốt hơn nhưng nó không gây ra bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, kết quả nghiên cứu trên động vật có thể không đúng trong các nghiên cứu trên người.
“Virua SARS-CoV-2 là một tác nhân gây bệnh hoàn toàn mới cho con người. Sự tiến hóa của nó trong quần thể người là điều khó dự đoán”, Giáo sư Baric chia sẻ.
Các biến thể mới liên tục xuất hiện, như biến thể virus SARS-CoV-2 mang tên Cluster 5 từ chồn được phát hiện gần đây ở Đan Mạch cũng mã hóa D614G.
Do đó, Giáo sư Baric nhấn mạnh, để bảo vệ tối đa sức khỏe cộng đồng, con người cần phải tiếp tục theo dõi và hiểu rõ hậu quả của những đột biến mới này đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh; Sự lây truyền, phạm vi vật chủ và tính dễ bị tổn thương đối với khả năng miễn dịch do vắc-xin gây ra.
Tuy nhiên có một điểm sáng là khi chủng D614G lây lan nhanh hơn thì trong các nghiên cứu trên động vật, nó không khiến bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, chủng này nhạy cảm hơn với vắc-xin.
Cuộc chạy đua vắc-xin vẫn đang tiếp tục
Hiện trên thế giới có 193 loại vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng đang được phát triển. Trong đó, 42 vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Sự tiến hóa của virus SARS-Cov-2 trong quần thể người là điều khó dự đoán (Ảnh: Getty) |
Vắc-xin Sputnik V ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê chuẩn hiện đã có hiệu quả lên tới 90% theo Bộ Y tế Nga. Tuyên bố trên được đưa ra dựa trên dữ liệu tổng hợp từ các hoạt động tiêm chủng trên diện rộng.
Ngoài ra, Nga cũng vừa phê chuẩn vắc-xin thứ 2 mang tên EpiVacCorona. Vắc-xin này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Lô vắc-xin EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu sản xuất từ tháng 11.
Hai hãng dược Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức vừa công bố loại vắc-xin ngừa Covid-19 của họ được gọi là BNT162b2. Vắc-xin này đã được chứng minh là có hiệu quả 90% sau khi được thử nghiệm trên gần 44.000 người tham gia trong nghiên cứu giai đoạn 3.
Một trong những ứng cử viên được đánh giá là tiềm năng trong cuộc đua tìm ra vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay là sản phẩm của công ty dược phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford nghiên cứu sản xuất. Vắc-xin đã tạo ra phản ứng miễn dịch ở cả người trẻ và người già cũng như ít có phản ứng phụ đối với người cao tuổi.
Trung Quốc cũng có một số loại vắc-xin đang được thử nghiệm giai đoạn 3. Trong đó phải kể đến vắc-xin của Sinovac Biotech và Sinopharm. Vắc-xin CoronaVac của Sinovac đã được thử nghiệm trên quy mô lớn từ giữa tháng 7 ở Brazil, sau đó là Indonesia. Tuy nhiên, mới đây, Cơ quan Giám sát y tế Brazil tuyên bố buộc phải dừng các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin CoronaVac sau sự cố nguy hại liên quan đến một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.