Vụ thua kiện khách hàng vì làm mất tài sản thế chấp: Eximbank Quận 7 “né” trách nhiệm?
Chỉ bồi thường khi làm mất giấy tờ?
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, liên quan việc hơn 451.359m³ gỗ căm xe của Công ty NTC (gọi tắt theo đề nghị của công ty - PV) đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Chi nhánh Quận 7, TP HCM (gọi tắt là Eximbank Quận 7) bỗng dưng bị “bốc hơi”, vụ việc sau đó đã được Công ty NTC khởi kiện Eximbank Quận 7 ra tòa.
Ngày 19/11/2019, TAND Quận 7, TP HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Công ty NTC và bị đơn là Eximbank Quận 7, tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Công ty NTC), buộc Eximbank Quận 7 trả lại cho Công ty NTC số tiền 8.350.141.500 đồng.
Đồng thời, bản án cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn (Eximbank Quận 7), buộc Công ty NTC thanh toán cho ngân hàng này số tiền còn nợ tính đến ngày 26/9/2019 là 8.586.849.267 đồng.
Ngoài ra, kể từ ngày 20/11/2019, Công ty NTC còn phải thanh toán cho Eximbank Quận 7 tiền lãi phát sinh theo mức lãi suất theo Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200091 ngày 20/1/2012 đã ký kết cho đến khi thanh toán hết nợ.
Tuy nhiên, không đồng tình với bản án nêu trên, cả Công ty NTC và Eximbank Quận 7 đều có đơn kháng cáo 1 phần của bản án. Trong đó, Công ty NTC kháng cáo đối với phần lãi suất phải trả.
Ngày 17/8 vừa qua, TAND TP HCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Phiên tòa phúc thẩm ngày 17/8 vừa qua |
Tại phiên tòa, đại diện Eximbank Quận 7 đã chủ động xin rút lại một phần lãi phạt quá hạn đối với Công ty NTC với số tiền hơn 2 tỷ đồng, lý do trước đó có nhầm lẫn trong cách tính lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và đã được Công ty NTC đồng ý.
Tuy nhiên, xuyên suốt phiên tòa, Eximbank Quận 7 vẫn khẳng định việc mất hàng hóa thế chấp nêu trên hoàn toàn không phải do lỗi của ngân hàng. Eximbank Quận 7 cho rằng chỉ có trách nhiệm giữ và bảo quản giấy tờ tài sản đảm bảo, không có trách nhiệm bảo quản lô gỗ trên thực tế. Do đó, Eximbank Quận 7 chỉ có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bảo quản giấy tờ tài sản không tốt.
Eximbank Quận 7 viện dẫn: Căn cứ Điều 3 của Hợp đồng thế chấp tài sản số 11/12/EIBQ7-KHDN/TSTC ngày 19/01/2012, quy định: “Bên A (Eximbank Quận 7) lưu giữ toàn bộ giấy tờ gốc (bản chính) về quyền sử dụng/quyền sử dụng tài sản bảo đảm. Về tài sản bảo đảm bên A giao cho bên thứ 3 được chỉ định bảo quản theo sự thỏa thuận là cảng Mê Kông, Quận 9 bảo quản theo hợp đồng thuê bảo quản tài sản đảm bảo số 01/2012/HĐTK ngày 19/1/2012”.
Còn về quyền và nghĩa vụ, ximbank Quận 7 có trách nhiệm bồi thường cho Công ty NTC nếu do quá trình bảo quản không tốt, àm mất hoặc hư hỏng nếu do lỗi của ngân hàng. Tuy nhiên, trong vụ việc này Eximbank Quận 7 cho rằng, phía ngân hàng đã thực hiện đầy đủ các quy định trong hợp đồng, không để mất giấy tờ, nên không thuộc trách nhiệm của Eximbank Quận 7.
Eximbank Quận 7 cũng khẳng định, hợp đồng thuê kho là do tự nguyện thỏa thuận của 3 bên, không phải sự chủ định đơn phương do Eximbank Quận 7 chỉ định như TAND cấp sơ thẩm đã nhận định. Hơn nữa, chính Công ty NTC trước đây đã ký Biên bản thỏa thuận 5 bên gồm Công ty Trường Sao, Công ty Hùng Hưng, Công ty NTC, Công ty TPL và Công ty Mê Kông để giải quyết cho việc thiếu hụt hàng hóa… Do đó, theo Eximbank Quận 7 thì việc Công ty NTC khởi kiện đơn vị này là không có căn cứ.
Nguyên đơn phản pháo
Trong khi Eximbank Quận 7 một mực khẳng định không có lỗi trong việc để mất hàng hóa thế chấp thì đại diện nguyên đơn lại cho rằng, lỗi trực tiếp để xảy ra sự cố mất tài sản thế chấp là do đơn vị bảo quản (tức là Công ty Cổ phần Đầu tư và Tiếp vận Mê Kông - gọi tắt là Công ty Mê Kông), nhưng trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho Công ty NTC lại là ngân hàng.
Bởi theo lý giải của Công ty NTC, trong hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp được ký giữa 3 bên vào ngày 19/01/2012, gồm: Bên A (Công ty NTC); Bên B (Eximbank); Bên C (Công ty Mê Kông), đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của bên C là: "Có trách nhiệm bồi thường cho bên B (ngân hàng) nếu để xảy ra hư hỏng, mất mát, thiếu hụt; Hoặc trong quá trình bảo quản nếu phát hiện những hiện tượng khác thường nghi vấn là thiếu số lượng, hư hỏng bao bì phải kịp thời báo cho bên B để kịp thời phối hợp có biện pháp xử lý…”.
Qua đó, đại diện Công ty NTC cho rằng, trong trường hợp này Công ty Mê Kông mới là đơn vị có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng, chứ không phải bồi thường cho Công ty NTC, nên việc Công ty NTC khởi kiện ngân hàng để yêu cầu Công ty Mê Kông bồi thường là đúng thẩm quyền.
Cảng Công ty Mê Kông tại Quận 9 |
Ngoài ra, căn cứ biên bản bàn giao tài sản thế chấp ngày 20/1/2012 cũng thể hiện việc giao tài sản thế chấp cho Công ty Mê Kông là theo chỉ định của ngân hàng. Nội dung biên bản này nêu rõ: “Bên A (Eximbank) và Bên C (Công ty NTC) tiến hàng bàn giao tài sản của bên C thế chấp cho bên A theo Hợp đồng thế chấp số 11/12/EIBQ7-KHDN/TSTC ngày 19/1/2012, để bên A giao cho bên B (Công ty Mê Kông) quản lý theo Hợp đồng thuê kho số 01/2012/HĐTK ngày 19/1/2012”.
Theo nguyên đơn, để giải quyết quyền lợi cho Công ty NTC thì phía ngân hàng phải có trách nhiệm khởi kiện Công ty Mê Kông, buộc trả lại tài sản hoặc bồi thường giá trị tương ứng cho Công ty NTC theo quy định.
Đặc biệt, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn có đề cập tới Công văn số 68/2012/CV-MK ngày 21/6/2012 mà trước đó Công ty Mê Kông gửi cho Eximbank Quận 7 với cam kết sẽ xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan trong nội bộ công ty và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước ngân hàng trong việc giải quyết hậu quả.
Công văn nêu rõ: “Công ty chúng tôi xin hứa sẽ tích cực phối hợp với quý ngân hàng trong việc giải quyết sự việc khi có yêu cầu từ phía ngân hàng và chủ động trong việc tìm kiếm các biện pháp giải quyết tốt nhất để hạn chế thiệt hại nhất cho các bên. Đồng thời, công ty chúng tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ từ phía ngân hàng giúp chúng tôi duy trì được khách hàng và đảm bảo cho việc kinh doanh diễn ra bình thường, ổn định”.
Trong khi đó, tại phiên tòa, phía ngân hàng lại bất ngờ phủ nhận công văn này vì cho rằng không liên quan đến lô hàng của Công ty NTC bị mất mà là một lô hàng khác.
Về việc này, chia sẻ với phóng viên sau phiên tòa, đại diện nguyên đơn đặt vấn đề: Nếu công văn này không liên quan đến vụ việc thì tại sao ngân hàng gửi cho tòa và trở thành hồ sơ trong vụ án? Trong khi ở phiên tòa sơ thẩm trước đó, chính đại diện Công ty Mê Kông đã thừa nhận công văn này có liên quan đến lô hàng của Công ty NTC bị mất nhưng Eximbank Quận 7 vẫn khẳng định không liên quan và không nhận trách nhiệm liên đới trong việc mất tài sản thế chấp của khách hàng.
Vụ kiện sẽ được TAND TP HCM tiếp tục đưa ra xét xử vào ngày 17/9 tới.
Theo hồ sơ thể hiện, ngày 19/1/2012, Công ty NTC và Eximbank Quận 7 cùng ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản số 1/12/EIBQ7-KHDN/TSTC để thế chấp 455 lóng gỗ căm xe (tương đương 546.192m³), nhập khẩu từ Myanmar. Giá trị hàng hóa thế chấp được xác định theo biên bản ngày 19/1/2012 là hơn 5,7 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng thế chấp tài sản này được dùng để đảm bảo cho Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200091 ngày 20/1/2012, với khoản vay 4 tỷ đồng, lãi suất vay là 20,8%/năm, lãi suất vay quá hạn là 150% lãi suất vay. Để thực hiện hợp đồng thế chấp, Eximbank Quận 7 đã chỉ định Công ty Mê Kông làm đơn vị bảo quản số tài sản thế chấp trên. Ngày 5/7/2012, Công ty NTC cùng Eximbank Quận 7 và Công ty Mê Kông tiến hành kiểm tra tình trạng hàng và phát hiện số lượng hàng bị thiếu hụt là 376 lóng, tương đương 451.359m³ gỗ. Quá trình kiểm tra đã xác định được Công ty TNHH Trường Sao là đơn vị lấy số hàng trên. Do các bên không thực hiện được phương án giải quyết, Công ty NTC đã khởi kiện Eximbank Quận 7 ra tòa. |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.