Vui Tết Trung thu “Cùng nhau ở nhà - tránh xa Covid”
Muôn cách đón Trung thu mùa dịch của giới trẻ Tết Trung thu đặc biệt mùa Covid-19 Đón trăng vui là đón trăng an toàn |
Không hội vẫn vui
Tết Trung thu năm nay, do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên nhiều trường tại Hà Nội đã tổ chức cùng học sinh phá cỗ online.
Chương trình “Vầng trăng tuổi thơ” của chi đội 7A7 |
Tại trường THCS Thành Công, cô Thái Thanh, giáo viên lớp 7A7, đã cùng các học trò chuẩn bị một buổi lễ thật ý nghĩa và trọn vẹn. Sáng 20/9, cô giáo đã cùng các bạn nhỏ tổ chức chương trình “Vầng trăng tuổi thơ”.
Các bạn nhỏ bắt đầu hóa thân thành chị Hằng, chú Cuội dẫn dắt buổi liên hoan. Mở đầu chương trình là clip TikTok “Chiếc đèn ông sao” do cô và trò lớp 7A7 đã cùng nhau thực hiện quay, chỉnh sửa; Tiếp theo là một clip hướng dẫn cho cả lớp cách làm món bánh nướng tại nhà. Tại chương trình, các bạn học sinh còn giới thiệu cách bày mâm ngũ quả thông qua màn ảnh nhỏ…
Bạn Nguyễn Vũ Hà Linh lớp 7A7 giới thiệu làm bánh nướng |
Bên cạnh đó, cô giáo và học trò còn cùng nhau giới thiệu những chiếc đèn trung thu handmade, được hướng dẫn vào tiết trước. Học sinh cả lớp đã vô cùng hào hứng, xung phong phát biểu về sản phẩm của mình, không khí trở nên vui vẻ và đầm ấm hơn dù trên nền tảng trực tuyến.
Cuối chương trình, cô Thái Thanh đã đưa ra những câu đố để cả lớp cùng nhau giải đáp và nhận quà. Các bạn học sinh đã tham gia rất sôi nổi. Nhiều bạn còn bày tỏ sự tiếc nuối khi không kịp giơ tay, khiến cô giáo, phụ huynh và cả lớp có những tràng cười vui vẻ.
Những chiếc đèn lồng handmade của học sinh lớp 7A7 |
“Khi đưa ra ý tưởng xây dựng lễ hội "Vầng trăng yêu thương" cho lớp 7A7, tôi mong muốn tất cả các con đều được hưởng trọn vẹn những giây phút bên nhau. "Cùng nhau ở nhà - Tránh xa Covid" là khẩu hiệu mà tôi rất tâm đắc. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì hoàn thành trách nhiệm của một người thầy. Nụ cười và hạnh phúc của trẻ thơ mãi là điều chúng ta phấn đấu”, cô Thanh chia sẻ khi nói về ý nghĩa của lễ Trung thu năm nay.
Háo hức làm đèn lồng, phá cỗ cùng cả lớp
Tết Trung thu năm nay, trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình) đã tổ chức Hội thi thiết kế thiệp và làm đèn lồng Trung thu cho học sinh tham gia. Hội thi đã tạo ý nghĩa nhân vân sâu sắc đối với các em nhỏ. Theo đó, học sinh đã tận dụng những đồ tái chế như: Chai nhựa, vỏ lon bia hay giỏ hoa để tạo nên những chiếc đèn lồng bắt mắt. Điều này cũng đồng thời giáo dục các học sinh về việc bảo vệ môi trường nhưng vẫn đem lại không khí vui vẻ, hào hứng.
Tác phẩm của bạn Lý Ngọc Diệp lớp 5A Trường Tiểu học Thủ Lệ |
Trong vòng một tuần (từ ngày 8/9 - 15/9), cuộc thi đã nhận được sự tham gia của 100% học sinh các lớp. Với tinh thần hăng hái và sáng tạo đã có rất nhiều những tấm thiệp, đèn lồng ấn tượng ra mắt, mang đến cho các bạn nhỏ không khí Trung thu đầy màu sắc.
Thầy Tiến Thành, Tổng phụ trách trường Tiểu học Thủ Lệ chia sẻ: “Năm nay tình hình dịch bệnh căng thẳng nên nhiều hoạt động học sinh không tham gia được. Nhà trường đã phát động cuộc thi này giúp các con phát huy tinh thần sáng tạo. Hoạt động cũng là ý nghĩa tinh thần rất lớn, các bạn nhỏ cũng giảm bớt căng thẳng sau những giờ học trực tuyến”.
Hội thi đã góp phần rèn sự khéo léo, khiếu thẩm mỹ và sáng tạo của các em học sinh. Thông qua những sản phẩm này, các bạn sẽ được giáo dục về tình yêu quê hương đất nước, hiểu thêm ý nghĩa của ngày Tết Trung thu.
Học sinh Vũ Ngọc Tuyết Anh lớp 2A với chiếc đèn handmade của mình |
Không khí đón Tết Trung thu cũng rộn ràng đối với học sinh ở huyện ngoại thành. Các em cũng đón Trung thu cùng cả lớp và cô giáo chính là chị Hằng, dẫn chương trình, kể những câu chuyện sống động về ý nghĩa của ngày Tết đoàn viên.
Từ vài ngày nay, các bạn nhỏ lớp 4D, trường Tiểu học Dương Quang, Gia Lâm rất háo hức, mong chờ đến ngày cô giáo tổ chức Tết Trung thu. Hôm nào các bạn cũng giơ tay hỏi cô: “Nhà con mới có bánh Trung thu, con phải mua thêm gì mới đủ cho mâm cỗ? Thưa cô trung thu có chị Hằng không? Chú Cuội ở cung trăng có xuống không?”.
Cô Nguyễn Thị Nhãn, giáo viên chủ nhiệm lớp 4D cho biết: “Tôi phối hợp với phụ huynh, nhờ bố mẹ chuẩn bị cho các con có đủ mâm cỗ, hoa quả, bánh kẹo cùng các vật liệu để làm đèn lồng, đồ chơi. Học sinh sẽ được hướng dẫn trình bày mâm ngũ quả
Còn các hoạt động của lớp, tôi sẽ cho học sinh xem video về sự tích của ngày Trung thu, chơi trò đuổi hình bắt chữ, cho các con cùng làm đèn lồng. Ngoài ra, tôi còn tổ chức cuộc thi online, bạn nào làm được đèn lồng xinh xắn nhất sẽ nhận được quà của cô giáo.
Học sinh rất vui, háo hức mong chờ được đến ngày để được phá cỗ cùng cô và cả lớp. Ban đầu tôi định cho một bạn học sinh đóng chú Cuội, còn cô giáo đóng chị Hằng nhưng vì là lớp mới, lại chưa gặp mặt trực tiếp nên tôi thay đổi kịch bản, chỉ có cô giáo đóng chị Hằng thôi.
Khi đóng chị Hằng, tôi phải chuẩn bị một bộ váy màu trắng thật đẹp, đứng trước camera và diễn như chị Hằng rồi kiêm luôn MC để giới thiệu từng tiết mục, hô hào, phát động cho học sinh cùng vui phá cỗ...”.