Vương quốc Anh tìm kiếm nhân sự y tế châu Á
Các y tá đến từ châu Á phải vượt qua bài test tiếng Anh trước khi có thể làm việc tại Xứ sở sương mù. Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Những hình ảnh thế giới ấn tượng tuần qua
Ngôi làng dành riêng cho phụ nữ Syria
Bí mật nhà hoang và tiền vô chủ tại Nhật
Giá đất trên trời cho… người đã khuất
Zaira Paz, một y tá đến từ Philippines, đã tới Anh hơn một năm trước để làm việc và có điều kiện giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Lần đầu tiên Zaira Paz nộp đơn xin làm việc tại Singapore nhưng sau đó đã nhắm đến Xứ sở sương mù khi quốc gia này đang tạo cơ hội cho những người như cô nộp đơn xin việc làm. Chi phí kiểm tra đầu vào sẽ được chi trả bởi bệnh viện tiếp nhận. Bệnh viện nơi cô làm việc hiện đang chào đón 3, 4 y tá mới mỗi tháng từ quê nhà Philipines của Zaira Paz.
Thiếu hụt y tá trầm trọng
Theo một báo cáo gần đây, Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế trầm trọng. Ước tính, quốc gia này sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 y tá làm việc trong Hệ thống Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) - hệ thống chăm sóc sức khỏe được nhà nước trợ cấp, trong 5 năm nữa nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn. Báo cáo cũng cho biết, NHS cần tuyển trung bình 5.000 y tá nước ngoài mỗi năm. Bên cạnh các điều chỉnh chính sách khác, với con số trên cũng chỉ đạt khoảng 5% tỷ lệ trống vào năm 2023 - 2024.
Sự kết hợp của các yếu tố bao gồm sự không chắc chắn về viễn cảnh Anh rời EU (Brexit) ảnh hưởng đến các y tá đến từ châu Âu; thay đổi nhân khẩu và sự thiếu hụt nhân viên được đào tạo trong nước đã khiến các y tá từ ngoài châu Âu trở thành một phần quan trọng của lực lượng lao động tại Anh.
Các y tá từ Ấn Độ, Philippines và các quốc gia khác đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Oxford. Ảnh: OUH |
Từ khoảng năm 2012 - 2016, Vương quốc Anh đã tuyển dụng y tá trên quy mô lớn từ các quốc gia khác trong EU, đặc biệt là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Việc này dễ dàng hơn vì sự công nhận đủ điều kiện trong liên minh EU và bởi suy thoái kinh tế ở Nam Âu nên nguồn lực y tế ở các quốc gia này dồi dào hơn.
Tuy nhiên, với Brexit hỗn loạn kéo dài gần 3 năm qua đã tạo ra sự không chắc chắn về việc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu. Cùng với nền kinh tế tăng trưởng trở lại ở các quốc gia Nam Âu, các y tá đến từ EU đang chọn rời khỏi Vương quốc Anh hoặc không nộp đơn xin chuyển đến Anh.
Kể từ năm 2016, khi người dân bỏ phiếu rời khỏi EU, nước Anh đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng lực lượng nhân lực y tá Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) đến đăng ký tại Hội đồng Điều dưỡng và Hộ sinh, nơi mà các y tá mới phải tham gia để được cấp chứng chỉ hành nghề tại Vương quốc Anh.
Tính đến tháng 9/ 2016, đã có 10.178 y tá và nữ hộ sinh đăng ký đến từ EEA nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 1.107 vào năm sau và chỉ còn 888 người vào tháng 9/2018. Ngoài ra, nhiều y tá và nữ hộ sinh từ các nước EU đang làm việc tại Anh đã rời đi.
Trên thực tế, không chỉ Vương quốc Anh mà các nền kinh tế phát triển trên toàn cầu cũng đang tìm kiếm nguồn nhân lực y tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có thể thiếu 50.000 nữ hộ sinh, 1,1 triệu y tá và 750.000 bác sĩ trong số 31 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2030.
“Đặc biệt là trong ngành điều dưỡng, hầu hết các quốc gia có thu nhập cao đang phải nỗ lực để ít nhất là duy trì hoặc tăng lực lượng điều dưỡng của họ. Thực tế, hầu hết các quốc gia đó cần nhân lực điều dưỡng lớn do vấn đến nhân khẩu học. Đó chính là tỷ lệ dân số già hóa cao”, giáo sư James Buchan, thỉnh giảng tại Tổ chức Y tế (Health Foundation) ở London phân tích.
Đến châu Á tìm giải pháp
Uớc tính chỉ riêng tại Xứ sở sương mù đã có hơn 30.000 vị trí tuyển dụng cho các y tá đăng ký. Philippines và Ấn Độ hiện chiếm số lượng lớn nhất các y tá nước ngoài làm việc tại Anh.
“Nếu chúng tôi không có sự hỗ trợ của các y tá đến từ Ấn Độ và Philippines thì để có đủ số lượng nhân lực cần thiết là điều rất khó”, ông Andrew Carter, công tác tại Bệnh viện Đại học Oxford (OUH) cho biết.
Đại diện ủy thác tuyển dụng (có trụ sở tại Oxfordshire, Anh) đã đến Ấn Độ ba lần và Philippines một lần kể từ cuối năm 2017, khi Anh bắt đầu chiến dịch tuyển dụng quốc tế tập trung bên ngoài Liên minh châu Âu. Đơn vị này đã đưa 300 y tá của hai nước trên đến làm việc tại bốn bệnh viện tại Anh, nơi đã ủy thác cho các đại diện này tìm kiếm nguồn nhân lực.
Sam Foster, Y tá trưởng của OUH nói rằng, những y tá mới tuyển dụng này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực mà Vương quốc Anh không chú trọng đào tạo, chẳng hạn như các y tá làm việc trong các phòng mổ.
Theo ông Carter, mặc dù các đại diện ủy thác vẫn tìm kiếm nguồn nhân lực ngay tại Anh hoặc EU nhưng con số này không đủ. Còn thiếu khoảng 14% cho các y tá đăng ký và những y tá mới được tuyển dụng được kỳ vọng sẽ là mấu chốt để cải thiện con số còn thiếu hụt đó.
Tuy việc tuyển dụng rất tốn kém nhưng các y tá với năng lực cao cùng với trình độ tiếng Anh vào top đầu châu Á đã khiến hai nước Ấn Độ và Philippines trở thành những quốc gia hàng đầu trong việc cung cấp nhân lực ngành Y chất lượng cao.
“Không chỉ có duy nhất nước Anh, mà rất nhiều quốc gia khác cũng tin tưởng vào nguồn nhân lực chất lượng của Ấn Độ, Vì vậy, bây giờ Vương quốc Anh phải tiếp thị tốt nhằm thu hút được nguồn nhân lực đó”, ông Carter nói.
Đối với Zaira Paz, nữ y tá người Philipines, cô đang nghĩ đến việc gia hạn hợp đồng ba năm và ở lại Anh càng lâu càng tốt. “Đến Vương quốc Anh làm việc, bây giờ tôi có thể gửi tiền về nhà giúp đỡ gia đình. Tôi có thể đi du lịch. Trên tất cả, tôi nghĩ rằng đã làm cho mẹ tự hào về mình”, cô Paz cho biết.