World Bank hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cho 600.000 giáo viên và hiệu trưởng tại Việt Nam
(TTTĐ) Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt Chương trình Tăng cường đào tạo giáo viên nhằm hỗ trợ nỗ lực đổi mới giáo dục Việt Nam qua việc đào tạo nghiệp vụ thường xuyên cho giáo viên và hiệu trưởng. Chương trình sẽ giúp các giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông nắm rõ các giáo trình và các phương pháp sư phạm mới, đồng thời điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu của từng học sinh.
“Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, tạo điều kiện học tập tốt hơn trong trường học và đạt nhiều tiến bộ trong việc mở rộng mạng lưới giáo dục,” ông Achim Fock, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. “Việt Nam đang nâng cấp hệ thống giáo dục để trang bị kỹ năng và trình độ cần thiết nhẳm tạo ra nhiều giá trị hơn trong nền kinh tế tương lai. Với chương trình này, chúng tôi tự hào góp phần giúp Việt Nam vượt qua những thách thức mới trong quá trình phát triển giáo dục.”
WBsẽ hỗ trợ trên 600.000 giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Chương trình sẽ hỗ trợ trên 600.000 giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông, chiếm khoảng 80% tổng số giáo viên trong cả nước. Các giáo viên sẽ được đào tạo theo nhu cầu và đúng thời điểm, trực tiếp tại trường hoặc qua các khóa học từ xa qua internet hoặc mạng lưới hỗ trợ.
Hệ thống quản lý học tập sẽ không chỉ hỗ trợ học tập từ xa mà còn thực hiện vai trò như là một cổng giao tiếp với một thư viện lớn, một nền tảng mạng xã hội cho giáo viên và hiệu trưởng, một lớp học dựa trên nền web, và một bộ phận hỗ trợ. Chương trình cũng giúp thành lập một hệ thống đánh giá nhu cầu học tập nhằm điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của giáo viên.
Chương trình sẽ giúp đào tạo một đội ngũ gồm 28.000 giáo viên nòng cốt và 4.000 cố vấn hiệu trưởng. Những người này sẽ làm việc tại cấp trường nhằm hỗ trợ và đào tạo cho cán bộ trong trường theo đúng nhu cầu. Đưa chuyên gia vào trường học và hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên và hiệu trưởng được coi là thông lệ quốc tế tốt nhất. Chương trình sẽ khuyến khích giáo viên và hiệu trưởng người dân tộc thiểu số và nữ giới tham gia đội ngũ giáo viên nòng cốt và cố vấn hiệu trưởng.
Chương trình sẽ lựa chọn tài trợ nâng cấp một số trường đào tạo giáo viên hàng đầu làm nòng cốt cho hệ thống nâng cao nghiệp vụ thường xuyên. Các trường này sẽ đào tạo đội ngũ giáo viên và hiệu trưởng nòng cốt, thực hiện nghiên cứu ứng dụng, phân tích các đánh giá về nhu cầu giáo viên và tác động của các biện pháp can thiệp phát triển nghiệp vụ.
Chương trình được hỗ trợ bởi một khoản tín dụng trị giá 95 triệu USD do Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) cấp. Đây là nhánh cho vay các nước nghèo nhất của Nhóm Ngân hàng thế giới.
Linh Đan