Xao nhãng học tập vì sử dụng điện thoại trong giờ học
Hội Phụ nữ huyện Quốc Oai tặng điện thoại thông minh cho học sinh nghèo UNESCO kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong trường học |
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, điện thoại di động không chỉ là một công cụ giải trí mà còn trở thành một công cụ hỗ trợ cho việc học tập. Tuy nhiên, việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng điện thoại di động làm xao nhãng tinh thần của học sinh và làm giảm hiệu quả học tập, trong khi một số khác cho rằng điện thoại di động có thể là công cụ học tập hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách.
Mất tập trung trong giờ học
Nhiều nhà giáo dục và chuyên gia công nghệ cho rằng, điện thoại di động có thể là một công cụ học tập hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Theo một số nghiên cứu, việc sử dụng điện thoại di động trong quá trình học tập có thể giúp nâng cao khả năng tư duy, tìm kiếm thông tin và ghi nhớ của học sinh. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại trong lớp cũng có thể tạo điều kiện cho học sinh tự học và khám phá kiến thức theo sở thích cá nhân.
Tuy nhiên, đa số phụ huynh lại cho rằng, việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp có thể gây xao nhãng tinh thần của học sinh và làm giảm sự tập trung vào bài giảng. Việc sử dụng điện thoại trong lớp cũng có thể dẫn đến việc sao chép khi làm bài tập hoặc trao đổi thông tin không đúng với mục đích học tập.
Đừng để điện thoại trở thành "kẻ phá bĩnh" trong lớp học. (Ảnh: Internet) |
Cũng có người cho rằng, điện thoại di động có thể trở thành rào cản trong việc tương tác giữa học sinh và giáo viên. Thay vì chủ động đặt câu hỏi và tham gia thảo luận, học sinh có thể bị cuốn vào thế giới ảo trong chiếc điện thoại của mình. Điều này làm giảm sự gắn kết trong lớp học và hạn chế cơ hội học hỏi qua việc trao đổi ý kiến.
Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại trong lớp cũng tiềm ẩn nhiều hành động khó kiểm soát như: học sinh có thể dễ dàng sao chép bài làm, trao đổi thông tin sai lệch hoặc sử dụng điện thoại cho các mục đích không liên quan đến học tập như chơi game, xem phim. Điều này không chỉ vi phạm quy định của nhà trường mà còn làm giảm tính công bằng trong quá trình đánh giá. Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại quá nhiều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh.
Sử dụng có sự quản lý của giáo viên
Tại điểm 4, Điều 37, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT ngày 15/9/2020, quy định: Các hành vi học sinh không được làm ghi: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vây, có thể hiểu học sinh có thể sử dụng điên thoại di đông để phục vụ học tập và khi được giáo viên cho phép.
Cô Đinh Thị Vân Hồng, hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trường chúng tôi quy định, học sinh đến lớp sẽ để điện thoại vào 1 cái hộp và hết giờ học thì lấy lại. Trong quá trình học tại trường học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại di động khi được sự đồng ý của giáo viên trong việc tra cứu các thông tin liên quan đến bài học”.
Các bạn học sinh trường THCS Bế Văn Đàn xếp điện thoại của cả lớp vào 1 chiếc hòm tôn trước giờ vào lớp |
Vị hiệu trường này nói thêm: “Không thể phủ nhận được vai trò của mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin cho học sinh, các em có thể tham khảo khi học 1 đơn vị kiến thức nào đó. Việc sử dụng ứng dụng và tài liệu trên điện thoại di động có thể giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và tiện lợi. Đồng thời, điện thoại di động cũng giúp các em nắm bắt thông tin nhanh chóng và tương tác với nguồn thông tin phong phú trên internet.
Tuy nhiên học sinh không biết cách lựa chọn các thông tin, trong quá trình tra cứu thông tin thì rất dễ bị dẫn dắt bởi những nội dung không mong muốn. Vì thế mang điện thoại vào lớp ảnh hưởng đến việc học, khiến các em khó tập trung”.
Cũng theo cô Vân Hồng, hiện nay, học sinh sử dụng điện thoại di động chủ yếu để liên hệ với bố mẹ, bạn bè, vào mạng xã hội phục vụ cho học tập chiếm tỉ lệ thấp...
Điện thoại sẽ được khoá cẩn thận và trả lại cho học sinh sau giờ học |
Chỉ sử dụng cuối buổi để liên lạc cha mẹ
Tại trường THPT Lý Thường Kiệt, để hạn chế học sinh mang điện thoại vào lớp gây xao nhãng việc học tập, nhà trường đã quy định sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử. Theo quy định này của trường, học sinh nộp điện thoại, thiết bị điện tử theo tổ, các tổ trưởng nộp về cán bộ lớp quản lý điện thoại (được giáo viên chủ nhiệm và lớp tin tưởng, đề nghị), cán bộ lớp cất điện thoại và khóa tủ có sự chứng kiến của cả lớp. Kết thúc môn học cuối của buổi học, cán bộ lớp mở khóa và trả điện thoại cho các bạn.
Học sinh cũng phải cam kết không được phép sử dụng điện thoại vào bất kỳ thời gian nào trong trường học. Ngoại trừ những trường hợp được giáo viên chỉ định để phục vụ mục đích học tập.
Quy định của của trường THPT Lý Thường Kiệt đã nhận được nhiều sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Theo anh Nguyễn Đình Thi: “Con tôi thường xuyên cắm cúi vào điện thoại chơi game, vì thế tôi lo lắng khi con đến trường sẽ không tập trung học tập. Khi nhận được bản cam kết từ giáo viên chủ nhiệm, tôi thấy quy định của nhà trường rất chặt chẽ. Tôi nghĩ như thế rất tốt bởi phần lớn các con chơi điện thoại nhưng chưa biết sử dụng đúng cách trong việc học tập”.
Không cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học được nhiều cha mẹ đồng thuận |
Sử dụng điện thoại thông minh rất có lợi, tuy nhiên hầu hết học sinh lại bị sa đà vào những mục đích khác dẫn đến không tập trung trong học tập. Có ý kiến cho rằng, cần hướng dẫn các em sử dụng điện thoại thông minh một cách có trách nhiệm để không gây xao nhãng trong khi học tập bởi ở thời đại này, học sinh cần biết rõ về các ứng dụng và tài liệu học tập trên mạng, từ đó sử dụng chúng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đa số các phụ huynh đều đồng ý nên thu điện thoại khi ở trong giờ học. Các em có thể sử dụng điện thoại để học tập và giải trí vào một thời điểm nhất định trong ngày, bởi trên mạng có quá nhiều thông tin khiến trẻ không tập trung được vào việc học tập ở trên lớp.