Xây dựng văn hoá giao thông từ xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn
“Mạnh tay” xử lý các lỗi vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn Để Nghị định 100 thành nếp văn hóa trong mỗi công dân khi tham gia giao thông Vi phạm lỗi nồng độ cồn phần lớn là giới trẻ |
Xử phạt kết hợp tuyên truyền pháp luật
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng TP Thái Nguyên, quanh các vụ tai nạn giao thông (TNGT), dù có nhiều nguyên nhân song tai nạn liên quan đến rượu bia vẫn chiếm tỉ lệ cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một người sức khỏe bình thường uống 1 lon bia khoảng 330ml thì nguy cơ vi phạm đã tăng lên 3 lần, uống 6 chai thì nguy cơ vi phạm lại tăng lên khoảng 15 lần, rất nguy hiểm.
Thực tế, nạn nhân là người đi mô tô, xe máy bị thương vong do TNGT chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số nạn nhân TNGT đường bộ.
Góp phần tích cực vào việc hạn chế TNGT, xây dựng văn hoá giao thông “đã uống rượu bia – không lái xe”, Nghị định 100 của Chính phủ tăng mức phạt rất cao đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, một phần vì điều kiện vị trí, thiết bị, dịch bệnh chưa cho phép lực lượng chức năng triển khai kiểm soát nồng độ cồn trên diện rộng một cách triệt để, do đó vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng bia, rượu. Vì vậy, lực lượng chức năng đã kết hợp việc tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung của Nghị định 100 đến các đối tượng vi phạm.
Lực lượng CSGT, Công an T.P Thái Nguyên lập biên bản một trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô. Với mức vượt quá 0,4mg/l khí thở, người vi phạm bị phạt 30-40 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 22-24 tháng (ảnh BTN) |
Ghi nhận trong buổi ra quân xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Công an TP Thái Nguyên có tín hiệu khả quan. Đa số người dân đều hợp tác, chấp hành nghiêm những quy định của lực lượng chức năng về kiểm tra nồng độ cồn. Trong số gần 100 trường hợp được kiểm tra, chỉ có vài trường hợp bị xử lý vi phạm. Ý thức và nhận thức của đa số người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Anh Bùi Hữu Hùng (ở xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) cho biết: “Nghị định 100 người lái xe như tôi hoàn toàn chấp hành. Mức phạt nặng, có tính chất răn đe lớn. Vì vậy, bản thân tôi luôn chấp hành, khi uống rượu thì không điều khiển xe”.
Thời gian qua, việc lập chốt thường xuyên, nhất là ở những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông cao trên địa bàn thành phố, đồng thời tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi hành vi khi tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đối với những người đã sử dụng rượu bia, không làm chủ được hành vi của bản thân và gây rối, không hợp tác với lực lượng chức năng.
Thiếu tá Nguyễn Đình Huệ, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - tuần tra cơ động, Công an TP Thái Nguyên thông tin: “Trong quá trình kiểm tra chúng tôi vừa chỉ rõ lỗi vi phạm theo các quy định của Nghị định 100, vừa tuyên truyền mức xử lý vi phạm, hậu quả sau khi uống rượu bia rồi tham gia giao thông. Cơ bản người dân ở địa bàn TP trình độ dân trí đồng đều, nên họ đều nắm được sử dụng rượu bia rồi ra đường là vi phạm pháp luật, song lại có nhiều lý do để biện minh cho hành động này”.
Vẫn còn tình trạng chống đối, né tránh khi sử dụng rượu bia
Bất chấp gây nguy hiểm cho chính mình và những người tham gia giao thông, nhiều người đã cố tính né chốt cảnh sát giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn.
Nếu để ý quan sát sẽ thấy không ít trường hợp sau khi sử dụng rượu, bia, nhìn từ xa thoáng thấy bóng “áo vàng” là chuyển hướng vào ngõ nhỏ để “né” kiểm tra. Không ít trường hợp trì hoãn kiểm tra và ký vào biên bản. Họ ngồi lỳ trên xe ô tô, có trường hợp khi vừa bước xuống đã lôi ngay điện thoại ra quay clip rồi lớn tiếng hoạnh họe CSGT, có lái xe “nổ” đủ mọi quan hệ “khủng” nhằm tránh không cho CSGT kiểm tra nồng độ cồn.
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Phường Quang Trung, TP Thái Nguyên phản ánh: “Tham gia giao thông mình thấy đến gần điểm chốt kiểm soát của lực lượng chức năng đo nồng độ cồn thì nhiều xe quay đầu, trốn tránh. Nhiều xe đi sau phản ứng không kịp vì họ quay xe bất ngờ rất nguy hiểm”.
CSGT - trật tự cơ động, Công an TP Thái Nguyên triển khai phương án tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông (ảnh BTN) |
Theo nhiều chuyên gia giao thông, để công tác thực thi pháp luật có hiệu quả, vấn đề mấu chốt là phải quản lý được hành vi tái phạm và xử phạt lũy tiến với các vi phạm tái phạm, cưỡng chế thực thi nếu cần thiết;
Cần tăng mạnh, áp dụng các mức phạt mang tính răn đe hơn cũng như bổ sung các hình phạt mang tính giáo dưỡng như lao động công ích hay tham gia điều tiết giao thông. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên cũng cần tiếp tục được tăng cường và triển khai rộng rãi;
Hoạt động cưỡng chế lái xe vi phạm nồng độ cồn cần phải được thực hiện nghiêm. Mọi lái xe bị dừng phải được kiểm tra, không có ngoại lệ.
Đối với công chúng, nhất là các bạn trẻ, để thay đổi hành vi, điều quan trọng là cần tuyên truyền liên tục để làm nổi bật hoạt động cưỡng chế, trong đó việc đưa tin trên các báo địa phương sẽ hỗ trợ hoạt động cưỡng chế. Chiến dịch tuyên truyền phải lan tỏa đến tất cả các “loại hình giáo dục” và các nhóm tuổi trong cộng đồng có nguy cơ.
Công an TP Thái Nguyên đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi có dấu hiệu vi phạm (ảnh BTN) |
Để những đề xuất, kiến nghị, hay những thay đổi trong chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp tham gia giao thông có sử dụng chất kích thích, có nồng độ cồn trong hơi thở đi vào cuộc sống thì cần phải có một thời gian nhất định, trong khi đó vi phạm vẫn hằng ngày diễn biến phức tạp.
Vì vậy, nhận định thời gian tới là cao điểm các hoạt động cuối năm, đây cũng là thời điểm dự báo sẽ có nhiều người sử dụng rượu bia rồi bất chấp nguy hiểm để tham gia giao thông, nên lực lượng chức năng Công an TP Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai các chốt, tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý đối với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Thiếu tá Nguyễn Đình Huệ, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - tuần tra cơ động, Công an TP Thái Nguyên thông tin thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Chỉ huy Công an thành phố xây dựng kế hoạch tập trung lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề nồng độ cồn. Tập trung vào tất cả các khung giờ trong ngày trên tất cả các tuyến đường. Áp dụng tất cả các hình thức kiểm soát công khai, kết hợp kiểm soát tại một điểm để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông”.
Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, người dân cũng cần nâng cao ý thức, hợp tác với lực lượng chức năng để giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mang lại sự bình yên cho cuộc sống.