Để Nghị định 100 thành nếp văn hóa trong mỗi công dân khi tham gia giao thông
Sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100) ngày 30/12/2019 của Chính phủ, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia đã có chuyển biến tích cực. Nhiều nơi đã bỏ được tục lệ xấu mời, ép uống rượu, bia khi có lễ hội, đình đám… Tuy nhiên theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tình trạng vi phạm nồng độ cồn của các lái xe trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu gia tăng.
Lực lượng CSGT phối hợp kiểm tra, tuyên truyền phòng chống sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Riêng trong 2 ngày đầu tháng 11 này, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 242 lái xe vi phạm nồng độ cồn. Nguyên nhân bởi hiện các địa phương nới lỏng gian giãn cách xã hội, cũng là những tháng cuối năm 2021, hoạt động kinh tế - xã hội, giao lưu, gặp gỡ… gia tăng. Vì vậy, nhiều lái xe bất chấp nguy hiểm, tai nạn, uống rượu bia vượt quá quy định cho phép. Trong quá trình xử lý, nhiều lái xe vi phạm tìm đủ mọi cách né kiểm tra, xử phạt, thậm chí chống đối bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hiện, Cảnh sát giao thông ở các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đang tăng cường xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn. Từ nay đến cuối năm 2021, hoạt động này tiếp tục được Cảnh sát giao thông triển khai quyết liệt, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe uống bia, rượu.
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tham gia giao thông khi trong người có nồng độ cồn cũng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường, vi phạm nồng độ cồn là từ 6 đến 40 triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm; Phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi trên đường vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 8 triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm. Phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường |
Theo luật sư Cường, mức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100 đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong người có nồng độ cồn là tương đối nghiêm khắc, ngoài ra còn có hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 24 tháng. Đây là những chế tài cần thiết áp dụng để ngăn chặn những vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
“Nhiều trường hợp khi bị kiểm tra nồng độ cồn thì không chấp hành, thậm chí cản trở, chống đối thực hiện thi hành nhiệm vụ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, và căn cứ vào những hậu quả cụ thể mà người vi phạm chống đối có thể bị phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn thì người vi phạm sẽ được xác định là vi phạm ở mức cao nhất và sẽ bị lập biên bản và áp dụng mức cao nhất để xử phạt. Trường hợp cản trở lực lượng thi hành công vụ khiến lực lượng thi hành công vụ không thể thực hiện được hoặc có hành vi dùng vũ lực để chống đối người thi hành công vụ thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ”, luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng cũng cần phải tập huấn kỹ về nghiệp vụ, phải có sự phối hợp chặt chẽ để tránh trường hợp những người vi phạm chống đối, tấn công lại lực lượng chức năng. Những trường hợp có hành vi vi phạm nhưng không nhận thức được hành vi của mình, tấn công, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật
“Trong thời điểm cuối năm, các đơn vị, doanh nghiệp tổng kết, triển khai kế hoạch năm mới và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới việc sử dụng rượu bia sẽ gia tăng. Bởi vậy cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, vi phạm nồng độ cồn để kéo giảm, hạn chế tai nạn giao thông, và Nghị định 100 sẽ thành nếp văn hoá trong mỗi công dân khi tham gia giao thông”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.