“Mạnh tay” xử lý các lỗi vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn
Gia tăng vi phạm sau giãn cách
Mới đây, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội thông tin, trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều Tổ công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên đường phố đã được chính người dân chủ động thông báo về các trường hợp vi phạm, qua đó lực lượng chắc năng đã ngăn chặn, xử lý kịp thời. Ngoài ra, các Tổ công tác còn bám sát địa bàn, xử lý nghiêm “ma men” cầm lại trong các khung giờ “nóng” về vi phạm.
Đại úy Lương Văn Quý (Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, ca trực đêm 27/10 của tổ công tác đã phát hiện nhiều lái xe mô tô, ô tô vi phạm nồng độ cồn. Điển hình là anh Vũ Ngọc T (tỉnh Hưng Yên) khi kiểm tra có nồng độ cồn 0,651mg/lít khí thở. Trước đó, anh T có uống rượu mừng sinh nhật bạn. Với mức này anh T bị phạt 7,5 triệu đồng.
Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông |
Trước đó, vào chiều 22/10, trên tuyến Quốc lộ 3, đoạn qua địa bàn thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), vào thời điểm Tổ công tác của Đội Cảnh sát Giao thông số 15 - Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP Hà Nội đang xử lý vi phạm thuộc chuyên đề nồng độ cồn sau giãn cách xã hội, đã tiến hành dừng xe máy Honda Wave mang BKS 29S4-474x do anh Hoàng Văn P (ở xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển trong tình trạng mặt đỏ gay. Tổ công tác sau đó đã thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn và yêu cầu anh P thổi vào máy đo. Kết quả, anh P vi phạm nồng độ cồn mức 0,280 miligam/1 lít khí thở.
Dù chấp hành yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn nhưng khi Cảnh sát Giao thông cho xem kết quả vi phạm và bắt đầu lập biên bản, anh P liền năn nỉ xin bỏ qua vi phạm với đủ lý do.
Đại uý Nguyễn Văn Chung, Tổ trưởng Tổ công tác giải thích với anh P, việc xử phạt sẽ giúp anh nhớ "không vui quá đà, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông". Việc tạm giữ phương tiện còn “ngăn” anh P không tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tránh gây nguy hiểm cho bản thân cũng như người đi đường.
Cùng thời điểm, Tổ công tác Đội Cảnh sát Giao thông số 10 cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý chuyên đề nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy lưu thông trên đường Cienco 5 thuộc địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội).
Phát hiện người điều khiển xe ô tô BKS 30E-419.1x có nhiều biểu hiện nghi vấn, Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe đồng thời yêu cầu nam tài xế đo nồng độ cồn. Kết quả, tài xế Lê Thanh T (ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) vi phạm mức 0,221 miligam/1 lít khí thở.
Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã và đang tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm |
Khi thấy Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm, tài xế T liền thanh minh, khi thấy hết giãn cách xã hội, bản thân có đưa vợ con đến nhà ban chơi và do vui vẻ nên có cụng ly, uống với bạn một ít... Anh T mong Cảnh sát Giao thông linh động bỏ qua lỗi vi phạm, không tạm giữ xe để anh có phương tiện đưa vợ và con nhỏ về nhà.
Tổ công tác đã tuyên truyền với anh T về việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất nguy hiểm, đồng thời yêu cầu anh T kí vào biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện. Trước sự cương quyết và nội dung tuyên truyền của Tổ công tác, anh T đành chấp hành, lấy các đồ cá nhân trên xe xuống và bắt xe taxi đưa vợ con về.
Xử lý nghiêm các lỗi vi phạm liên quan đến rượu bia
Thiếu tá Hoàng Văn Bình, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 15 cho biết, sau khi thành phố Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, trở về với cuộc sống “bình thường mới”, người dân trên địa bàn tham gia giao thông đông, lượng người từ các tỉnh qua địa bàn huyện Sóc Sơn cũng tăng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm, mất trật tự an toàn giao thông.
Đáng chú ý, tại khu vực ngoại thành dễ gia tăng các lỗi vi phạm về nồng độ cồn vì nơi đây tập trung đông hàng quán, người dân có tâm lý "xả hơi", đi ra các quán xá ngoại thành gặp gỡ, “cụng ly” sau thời gian dài giãn cách xã hội.
“Đội Cảnh sát Giao thông số 15 đã bố trí các Tổ công tác tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông như: Sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, đi quá tốc độ quy định, sai làn đường...", Thiếu tá Bình cho biết.
Còn Đại uý Nghiêm Đình Cẩn, Tổ trưởng Tổ công tác Đội Cảnh sát Giao thông số 10 cũng cho biết, sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người lâu ngày gặp nhau tại nhà hoặc mua rượu bia về nhà uống rồi tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thời gian tới, lực lượng chức năng cần“mạnh tay” xử lý các lỗi vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn |
Trước thực trạng trên, nhằm đẩy lùi vi phạm và những nguy cơ tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn xảy ra, đơn vị đã bố trí các Tổ tuần công tác tăng cường tuần tra kiểm soát, kiểm tra chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Từ nay đến cuối năm 2021, nhận định nhiều người điều khiển phương tiện còn chủ quan, sử dụng bia rượu… nên các Đội Cảnh sát Giao thông phụ trách địa bàn, bên cạnh công tác tuyên truyền sẽ tăng cường xử lý nghiêm các lỗi vi phạm trong đó tập trung các vi phạm liên quan đến rượu bia; Kịp thời phát hiện, biểu dương các cá nhân, tổ chức đã chủ động thông báo các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2021, các Đội Cảnh sát giao thông một mặt tăng cường xử lý nghiêm, một mặt chủ động tuyên truyền tác hại bia, rượu. Ngoài ra, các tổ công tác đều bám sát địa bàn xử lý nghiêm “ma men” khép kín các khung giờ. Hy vọng với việc vừa xử lý nghiêm, vừa tăng cường tuyên truyền sẽ giúp hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.