Xe dù, bến cóc hoành hành cướp cả khách xe buýt ở Đắk Lắk
Vài lần bị các “cò” xe dù dụ ép lên xe 16 chỗ khi đang đứng đón xe buýt từ Buôn Ma Thuật đi thị xã Ea Kar, ông Trần Văn Chung cho biết: "Các loại xe dù hoạt động rất ranh ma. Họ vẽ ra đủ lý do nào là đi xe buýt chậm, nào là đi xe buýt chật chội… khi khách đang do dự liền bị “cò” hoặc lơ xe lôi lên xe dù ngay".
Các xe dù thường chạy rất ẩu vì họ vừa chạy vừa ngó ngiêng để coi có lực lượng chức năng có đi tuần tra không. Có những điểm dừng xe buýt, xe dù cứ đậu chình ình ở đó nên khi xe buýt đến cũng không có chỗ để tấp vào bắt khách nữa. Khách phải cắn răng đi xe dù, vừa đi vừa lo. Ở những tình huống này, hành khách thiệt thòi đủ đường vì không được đi hãng xe uy tín, làm ăn lành mạnh.
Giành giật cả khách đón xe buýt
Hiện nay trên toàn tuyến Quốc lộ 26 tình trạng một số xe được cấp phép chạy tuyến cố định, xe taxi của một số nhà xe và đơn vị kinh doanh vận tải có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, liên tục vào các điểm xe buýt đón trả khách để lôi kéo và bắt khách. Các doanh nghiệp trên do hoạt động theo kiểu xe dù, bến cóc, không tuân thủ theo việc quản lý của loại hình kinh doanh đặc thù như ngành vận tải hành khách quy định, không xuất vé cho hành khách, giá cả tùy thích.
Nhiều xe dù chạy loạn xạ bắt khách sai quy định trước cổng Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk
Cụ thể các xe chạy tuyến cố định như nhà xe Việt Th, Thế V, Nhật Gi được Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cấp phù hiệu chạy tuyến cố định từ Bến xe Ea Kar – TP Buôn Ma Thuột nhưng lại đón trả khách mọi lúc, mọi nơi và hoạt động sai tuyến được cấp phép. Nhiều xe dù khác cũng không có phù hiệu chạy xe (xe 16 – 24 chỗ, xe 7 chỗ hiệu Innova, 09 chỗ chưa có phù hiệu chạy xe). Các xe này chạy liên tục quay vòng, đón khách mọi nơi và vào các điểm đón khách của xe buýt để bắt khách.
Bà Nguyễn Thị Nhung ở thị trấn Ea Kar cho biết: "Đi xe buýt của các hãng uy tín như hãng Quyết Thắng thì họ làm ăn đàng hoàng, giá cả đã niêm yết và ghi rõ ràng trong vé chứ đi xe dù thì nguy hiểm lắm. Nhưng khổ nỗi, nhiều bến xe buýt bị xe dù lấn át, giành giật khách trước. Có xe gắn biển cố định nhưng thực chất chỉ lòng vòng trong tỉnh thôi".
Dễ dàng nhận thấy ở các điểm nóng về hoạt động xe dù, bến cóc ở Đắk Lắk như; Tại cây xăng số 18 (cạnh bến xe Đắk Lắk), bên hông bến xe liên tỉnh, trước cổng Bệnh viện Thiện Hạnh, khu vực Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk, nhiều nhà xe còn ngang nhiên đậu đỗ ở các khoảng đất trống, thậm chí cả lòng, lề đường và xem đó như điểm đón khách của nhà xe mình.
Theo lãnh đạo Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk thì; Xe dù, bến cóc hoạt động náo loạn từ rất sớm. Khoảng 4 giờ sáng là họ đã hoạt động. Các nhà xe này thường cấu kết với “cò” mồi để dụ khách đi xe của họ. Đây là điều nhiều người rất bức xúc và mong muốn cần phải được xử lí dứt điểm càng sớm, càng tốt.
Trước phản ánh về nạn xe dù, bến cóc hoạt động náo loạn trong suốt thời gian dài, ông Trần Thủ-Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk) cho biết; Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường kết hợp với lực lượng CSGT để xứ lí vấn đề này. Ngay trong tháng 6/2018, lực lượng chức năng cũng đã bắt được và xử lí nhà xe Văn Được, BKS 51B- 245.05 đón, trả khách vô tội vạ.Việc nhiều nhà xe khách hoạt động liều lĩnh, giành cả khách ở các bến xe buýt sẽ có kế hoạch xử lí sớm.
Cẩn trọng để tránh hậu họa
Các nhà xe uy tín ở Đắk Lắk cho biết: Để tránh những rắc rối, thậm chí là hậu họa cho mình thì hành khách nên cẩn trọng lựa chọn những nhà xe có đăng kí bến đỗ, giờ xuất bến cố định, đàng hoàng. Nếu đi xe buýt trong tỉnh thì cũng nên chọn những nhà xe đã có thương hiệu và làm ăn đàng hoàng, không giành giật khách.
Nhiều khoảng đất trồng quanh bến xe liên tỉnh Đắk Lắk còn bị chiếm dụng làm bến cóc
Ông Nguyễn Đình Bé, GĐ Công ty CP vận tải ổ tô Đắk Lắk cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ hơn tình trạng xe dù, bến cóc chứ hoạt động rầm rộ như hiện nay thì rất nguy hiểm. Các chiến dịch xử lí xe vi phạm cần phải được duy trì thường xuyên chứ chỉ làm theo phong trào thì rồi đâu lại vào đó, sẽ rất thiệt thòi cho hành khách. Có những loại xe dù còn liều lĩnh hoạt động cạnh cả nhà cán bộ quản lý giao thông. Điều đó cho thấy, xe dù đã có dấu hiệu nhờn luật, không coi an toàn của hành khách cũng như trật tự an toàn giao thông ra gì cả.
Theo Sở GTVT Đắk Lắk thì; Tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có đến 110 trường hợp xe khách bị bắt lập biên bản và xử lí vi phạm. Số tiền xử phạt các nhà xe không hoạt động đúng với luật an toàn giao thông là gần 200 triệu đồng. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, lực lượng chức năng còn tước giấy phép lái xe của hơn 40 trường hợp. Nhiều xe dù còn bị thu hồi phù hiệu.
Phòng CSGT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết; Đã nắm được thông tin về nhiều loại xe dù hoạt động không đúng luật giao thông, CSGT sẽ tăng cường tuần tra, xử phạt các nhà xe đưa, đón khách không đúng quy định, đặc biệt các xe dù vòng vèo đón khách vô tội vạ, giành khách xe buýt trong thành phố cũng sẽ bị xử lí.
Số trường hợp vi phạm đã bị xử lí tuy cao nhưng so với thực tế, nạn xe dù, bến cóc ở Đắk Lắk lớn hơn gấp nhiều lần. Nhiều người dân sinh sống quanh Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết; Có thời điểm như sáng sớm hay chiều muộn có đến hàng chục xe dù đánh võng liên tục nhưng hiếm khi thấy lực lượng chức năng đến xử lí. Nếu được tuần tra, xử lí ráo riết hơn thì đã không có vấn nạn này tồn tại.
Từ các điểm nóng về hoạt động xe dù, bến cóc hoặc các điểm dừng xe buýt thường xuyên bị các xe dù chèn ép, nhiều người dân chung một mong muốn UBND tỉnh Đắk Lắk nên thiết kế và lắp đặt camera giám sát ở các điểm đó để theo dõi các xe vi phạm. Có như vậy mới góp phần kéo giảm thực trạng xe dù, bến cóc đang hoạt động rầm rộ như hiện nay.