Xem xét bổ sung nhà thầu phụ thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá
Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công tháo dỡ, thu hẹp rào chắn, mở rộng mặt đường cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này; Chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực rào chắn (biển báo, đèn cảnh báo ban đêm, người trực bảo đảm giao thông).
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp, vào ngày 26/10/2022, Thanh tra Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng kiểm tra thực tế tại 9 vị trí thi công gói thầu số 4 Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trên đường Vũ Trọng Khánh do Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại An Xuân Thịnh và Công ty Cổ phần Sông Đà 9 thực hiện.
Thực tế tại hiện trường không có máy móc và lực lượng thi công (ngừng hoạt động). Toàn bộ các giếng thi công vẫn dựng rào tôn, nửa trên có lưới B40 (theo giấy phép thi công). Đơn vị thi công có trang bị đèn chiếu sáng ban đêm nhưng không bảo đảm an toàn.
Đối với gói thầu số 4 trên đường Vũ Trọng Khánh, đơn vị chủ đầu tư thừa nhận, liên danh nhà thầu không đủ năng lực về nhân sự, thiết bị, tài chính dẫn đến một loạt các nội dung, hạng mục thi công đang bị chậm trễ |
Cũng theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện khu vực rào chắn không có người trực nên người dân đã tập kết rác tại khu vực thi công, gây ô nhiễm môi trường trên tuyến đường Vũ Trọng Khánh.
Tại tất cả vị trí quây tôn bên trong công trường đều đã được đào thành hố sâu, nhưng không có công nhân thi công. Giờ cao điểm hằng ngày, hàng nghìn phương tiện từ đường Trần Phú (quận Hà Đông) ùn ùn đổ về đường Vũ Trọng Khánh. Để qua các lô cốt đang án ngữ tại đây, dòng phương tiện phải xếp hàng dài, nhích từng chút một. Để qua được tuyến đường dài hơn 200m này, người tham gia giao thông phải mất tới 25-30 phút.
Liên quan đến gói thầu số 4, trong văn bản báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đại diện đơn vị chủ đầu tư (Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp) thừa nhận: Liên danh nhà thầu không đủ năng lực về nhân sự, thiết bị, tài chính dẫn đến một loạt các nội dung, hạng mục thi công đang bị chậm trễ hiện nay. Ban Quản lý dự án đã có 12 văn bản nhắc nhở, cảnh báo, đôn đốc và yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuy nhiên, nhà thầu vẫn cố tình chây ì, không thực hiện, tiến độ thi công chưa được cải thiện và rất đáng báo động, có nguy cơ phải kéo dài gói thầu.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét thu hồi giấy phép thi công công trình Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trên tuyến đường Vũ Trọng Khánh |
Tại gói thầu số 2, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công để tránh ùn tắc.
Về phương án khắc phục ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển, chủ đầu tư cho biết đã lập biên bản với nhà thầu và yêu cầu thu gọn rào, bảo đảm an toàn và tăng diện tích lưu thông, giảm ùn tắc giao thông.
Hiện, nhà thầu đang triển khai công tác xén hè, thu hẹp một phần rào chắn giúp giảm ùn tắc tại khu vực triển khai các giếng 13/2.3 đến 13/2.7 trên đường Nguyễn Xiển. Tuy nhiên, một số vị trí xén hè do vướng công trình ngầm tiện ích (đường điện, ống cấp nước, hộp kỹ thuật, cây xanh...) nên qua khảo sát sơ bộ, chiều rộng mặt đường còn lại chỉ đạt 5,7m so với con số 7m như yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Đối với các vị trí rào chắn trên đường Vũ Trọng Khánh, Ban Quản lý dự án đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA xem xét chấp thuận chủ trương cho phép bổ sung nhà thầu phụ để tăng cường năng lực thực hiện của nhà thầu số 4 theo đúng quy định tài trợ vốn ODA và pháp luật Việt Nam. Hiện, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận chủ trương và Ban đang chờ các ý kiến của JICA để đủ điều kiện triển khai các bước tiếp theo của gói thầu bảo đảm tiến độ của dự án.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm của thành phố, có tổng vốn đầu tư 16.300 tỷ đồng với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ xử lý phần lớn nước thải đổ ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Công trình được khởi công xây dựng năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2022, tuy nhiên hiện đang bị chậm tiến độ.