Xử lý nghiêm tình trạng hàng rong "chặt chém" khách du lịch
Không xảy ra tình trạng chặt chém khách du lịch dịp Tết TP HCM: Thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý các hành vi “chặt chém” khách du lịch Hà Nội: Xử lý nghiêm tài xế taxi "chặt chém” khách du lịch |
Những người làm xấu hình ảnh du lịch Hà Nội
UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa xử lý, nhắc nhở người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng.
Trước đó, vào ngày 15/3, mạng xã hội lan truyền clip về việc du khách nước ngoài mua táo của một xe hàng rong trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) sắp bị "chặt chém" 200.000 đồng cho một túi táo nhỏ.
Cụ thể, nội dung đoạn clip ghi lại cảnh hai du khách được một người phụ nữ bán hoa quả mời ăn thử táo. Sau đó, vị du khách hỏi người bán: "How much?" (Giá bao nhiêu?).
Vì không hiểu tiếng Anh, nên người bán hoa quả chỉ gật đầu, gói túi táo nhỏ đưa cho du khách, đồng thời, cầm tờ 200.000 đồng từ tay nữ du khách người nước ngoài. Vì thấy số lượng táo ít, nên hai du khách trên không đồng ý với số tiền 200.000 đồng và yêu cầu người bán hàng rong trả lại tiền thừa nhưng người này không đồng ý trả lại.
Người phụ nữ định lấy 200 nghìn đồng của du khách nước ngoài cho một túi táo nhỏ. Ảnh cắt từ clip |
Sau đó, người bán hàng rong định rời đi thì nữ du khách trả lại túi táo và liên tục nói: No, no (không được, không được- PV). Người bán hàng rong lập tức đưa thêm xoài, ổi cho vị khách nhưng nữ du khách lắc đầu từ chối và nói muốn nhận lại số tiền ban đầu.
Tuy nhiên, người bán hàng rong vẫn quyết giữ 200.000 đồng, khiến hai bên giằng co nhau. Chứng kiến câu chuyện, một nam bảo vệ gần đó đã khuyên người bán hàng trả lại tiền cho vị du khách.
Sau khi clip lan truyền trên mạng đã gây xôn xao dư luận, nhiều người đã lên án hành động của người phụ nữ bán hoa quả, gây ra hình ảnh không đẹp cho du lịch Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Minh Hoài, Quyền Chủ tịch UBND phường Bưởi, ngay sau khi vụ việc người bán hàng rong có ý định bán túi táo với mức giá 200.000 đồng cho hai người khách nước ngoài gây nên hình ảnh không đẹp cho du lịch Hà Nội, ngày 18/3, UBND phường đã mời người bán hàng rong này đến làm việc để làm rõ hành vi, cũng như nhắc nhở, tuyên truyền về văn hóa ứng xử.
Tại buổi làm việc, người phụ nữ bán hàng tên là B.T.L (hiện tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã vô tình tạo hình ảnh không đẹp về Hà Nội đối với du khách nước ngoài. Chị L cho biết, ngay tại thời điểm bán hàng, sau khi nhận thấy việc bán cho khách với mức giá 200.000 đồng là không đúng, chị đã trả lại tiền cho hai vị khách. Chị L cam kết sẽ không tái phạm.
Sau khi xác định rõ các lỗi vi phạm, UBND phường Bưởi đã xử phạt hành chính đối với chị B.T.L về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá. "Qua vụ việc này, chúng tôi cũng nhắc nhở, tuyên truyền người lao động cần tuân thủ đúng quy định trong kinh doanh, bán hàng, không được bán hàng rong tại nơi không đúng quy định. Mỗi người bán hàng cần có thái độ, ứng xử văn minh, thanh lịch để góp phần làm đẹp hình ảnh Thủ đô Hà Nội", ông Nguyễn Minh Hoài cho biết.
Công khai, niêm yết giá dịch vụ
Nhằm hạn chế nạn “chặt chém” khách du lịch, nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã đồng loạt công khai, niêm yết giá dịch vụ khi ngành du lịch Thủ đô đang trên đà tăng trưởng trở lại đầu năm 2024.
Chị Vũ Hoài Phương (kinh doanh cửa hàng ăn uống trên phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách du lịch quốc tế, nội địa đã liên tục đổ về Thủ đô Hà Nội. Nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, xóa nạn chặt chém, hét giá, cửa hàng cũng đã chủ động công khai, niêm yết giá thành trên các biển hiệu để khách du lịch an tâm hơn.
Theo chị Phương, việc nhiều cửa hàng kinh doanh tại phố cổ Hà Nội gần đây đồng loạt công khai chi phí, giá dịch vụ để khách du lịch thoải mái lựa chọn là một hành động rất văn minh, giữ hình ảnh Thủ đô đẹp trong mắt du khách. Những năm về trước, do không công khai giá cả nên có không ít cửa hàng, gánh hàng rong trên phố đã lợi dụng điều này để nâng giá, chặt chém khách du lịch gây bức xúc trong dư luận.
UBND phường Bưởi làm việc với người bán hàng rong để làm rõ hành vi bán hàng không đúng quy định (ảnh chụp chiều 18/3) |
Là khách du lịch thường xuyên ghé thăm Hà Nội vào các dịp lễ, tết, anh Đào Thế Anh (Đà Nẵng) chia sẻ: Việc công khai mức giá dịch vụ tại các hàng quán là điều nên làm ở phố cổ Hà Nội.
Anh Quang phân tích, khu vực phố cổ Hà Nội là nơi tập trung rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế, hoạt động kinh doanh sầm uất quanh năm. Từ cách công khai giá dịch vụ đã ngăn chặn tư duy làm du lịch theo kiểu “chộp giật”, chèo kéo, khiến du khách ức chế, nhất là những đoàn khách nước ngoài đi lẻ từ 3-5 người...
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023). Trong đó, gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỉ đồng.
Để hạn chế việc kinh doanh chộp giật, làm xấu hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt du khách, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc quản lý điểm đến. Bởi, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, việc xử phạt liên quan đến giá cả cần sự vào cuộc của liên ngành như công khai giá niêm yết, xử lý phát sinh khi có kiến nghị của du khách, qua đó, tạo dựng văn hoá du lịch chuyên nghiệp, khiến du khách muốn quay trở lại những lần tiếp theo.
Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần có các quy chế, quy định cụ thể về giá niêm yết, kiểm soát chất lượng dịch vụ, có các chế tài và quy trình xử lý vụ việc vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, lập các đường dây nóng, có tổ phản ứng nhanh, túc trực trong mùa du lịch cao điểm để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời.