10 giải pháp chống hàng giả, hàng gian, bảo vệ người tiêu dùng
TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả Mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... |
Sáng 2/7, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh và các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp…
Các đại biểu đã cùng nhau góp thêm ý kiến, giải pháp để đẩy lùi nạn hàng giả, góp phần mang lại sự minh bạch cho thị trường.
Trước đó, ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; trong đó khẳng định rõ phương châm: "Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm truy quét hàng giả trên toàn quốc, từ ngày 15/5 đến 15/6. Đợt cao điểm đã bước đầu phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm trong sản xuất, buôn bán thuốc, sữa, thực phẩm giả... |
![]() |
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Chính quyền mạnh tay
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) thông tin, từ ngày 15/5 - 15/6, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 3.891 vụ; phát hiện, xử lý 3.114 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử lý trên 63 tỷ đồng.
Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 32 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 31 tỷ đồng (gồm trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hoặc buộc tiêu hủy gần 21 tỷ đồng, hàng hóa chờ xử lý gần 10 tỷ đồng); thu nộp ngân sách gần 36 tỷ đồng. Đáng chú ý, các đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra 26 vụ có dấu hiệu hình sự, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Nam nhận định, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, nhất là trên môi trường trực tuyến. Các đối tượng không chỉ sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá, bán hàng giả mà còn thường xuyên thay đổi tên, địa chỉ, dùng công nghệ tạo bao bì, tem nhãn rất giống hàng thật, khiến người tiêu dùng khó phân biệt…
Trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT thực hiện quyết liệt; đồng thời, xây dựng và triển khai các chuyên đề kiểm tra, xử lý triệt để hành vi bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường.
Cùng với đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ đối với Nhà nước, tuân thủ pháp luật; không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác, đặc biệt đối với các đối tượng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
![]() |
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương, phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: BTC) |
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có lợi thế lớn so với nhiều địa phương khác khi đã thống nhất quản lý an toàn thực phẩm từ các ngành: Nông nghiệp, Công Thương và Y tế về một đầu mối. Nhờ vậy, khi xảy ra sự cố không còn tình trạng “đổ thừa” trách nhiệm. Thành phố cũng có điều kiện xây dựng các chương trình dài hạn để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn thực phẩm.
Theo bà Lan, hiện nay thành phố đã bố trí các đội quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra trên địa bàn để thường xuyên theo dõi, xử lý. Tuy nhiên thực tế, các quy định hiện hành vẫn còn nặng về hình thức, dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả bằng các nước.
“Chúng tôi đã tăng cường hình thức thanh tra đột xuất, dựa trên các nguồn tin đáng tin cậy. Tuy vậy, quy trình thực hiện thanh tra đột xuất hiện nay rất khó khăn; sau khi kiểm tra xong, phải giải trình lên cấp trên lý do tại sao tiến hành kiểm tra đột xuất… bởi lực lượng Công an có nghiệp vụ chuyên sâu và có quyền khám xét, điều tra, còn thanh tra chuyên ngành chỉ được kiểm tra trong phạm vi được cấp phép”, bà Lan nói.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh hy vọng các hệ thống siêu thị sẽ đóng vai trò là “nút chặn” hàng gian, hàng giả, đặt chất lượng lên hàng đầu thay vì chỉ quan tâm đến chiết khấu, vì đây là nơi người tiêu dùng đặt niềm tin.
“Hiện nay, người tiêu dùng vẫn có tâm lý “du di” với hàng giả, nhất là hàng thời trang gắn mác “hàng hiệu”. Điều này cần thay đổi. Đừng chạy theo phù phiếm, để cùng bảo vệ niềm tin thị trường, tránh thất thu thuế”, bà Lan bày tỏ thêm.
![]() |
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh |
Bà Đàm Vân, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương nhấn mạnh, công tác kiểm soát, ngăn chặn hàng gian, hàng giả luôn được Ban Quản lý chợ đặt lên hàng đầu. Chợ luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa ngay từ khâu tiểu thương nhập hàng. Ban Quản lý cũng thường xuyên vận động tiểu thương chấp hành nghiêm các quy định; nếu phát hiện vi phạm, sẽ lập biên bản, tạm giữ sản phẩm để xử lý, xử phạt theo quy định. |
Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho hay, đơn vị chú trọng phát triển thị trường theo hướng bền vững, không chỉ dừng lại ở khuyến khích "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" mà tiến tới "phải dùng hàng Việt Nam" nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
“Về thương mại điện tử, Cục đã mời các sàn như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát. Phía Chính phủ hiện đã áp dụng AI để theo dõi các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử và phối hợp cơ quan thuế giám sát. Khi người tiêu dùng bị thiệt hại, cần chủ động phản ánh với sàn thương mại điện tử để xử lý, sau đó liên hệ cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi”, ông Nam nói.
![]() |
Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân chủ trì buổi tọa đàm |
Doanh nghiệp góp sức
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn Nguyễn Ngọc Tý mong muốn chính quyền địa phương 2 cấp mới sẽ có sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Tý mong người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp; Nhà nước cần có chế tài quản lý đủ mạnh đối với tình trạng hàng giả bùng phát mạnh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt có yếu tố nước ngoài.
“Không thể có sản phẩm chất lượng cao mà giá rẻ bất thường. Hàng chính hãng luôn minh bạch thông tin, các chương trình khuyến mãi được đăng ký rõ ràng, không tràn lan vô tội vạ như hàng giả…”, ông Tý nói.
![]() |
Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn Nguyễn Ngọc Tý |
Ông Lương Trọng Khoa, sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax), Phó Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ) khẳng định, hiện nay, khi người tiêu dùng tìm kiếm từ khóa "sâm Ngọc Linh" trên mạng, thì có đến 90% kết quả hiện ra không phải là sâm Ngọc Linh thật.
“Tình trạng doanh nghiệp tự làm giả, tự pha trộn là một vấn đề nghiêm trọng. Trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh, một số doanh nghiệp có thể trộn lẫn các loại sâm khác như sâm Lai Châu, tam thất… mà người tiêu dùng hoàn toàn không thể nhận biết, vì quy định hiện tại chỉ bắt buộc kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và hàm lượng saponin - trong khi saponin không phải là hoạt chất riêng có của sâm Ngọc Linh”, ông Khoa chia sẻ.
Tình trạng tương tự, Võng xếp Duy Lợi, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam suốt hơn 20 năm qua, hiện đang lâm vào tình thế khó khăn do liên tục bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại tọa đàm, đại diện công ty kiến nghị cơ quan chức năng sớm thiết lập các kênh tiếp nhận tin tố cáo nhanh chóng, thuận tiện; đồng thời áp dụng những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đưa sản phẩm thật, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
![]() |
Ông Lương Trọng Khoa, sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax), Phó Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ) |
Còn đại diện Saigon Co.op, bà Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh cam kết làm cầu nối giữa các doanh nghiệp sản xuất chân chính với người tiêu dùng. Thông qua hoạt động truyền thông, quảng bá trên nhiều kênh, Saigon Co.op sẽ đưa thông tin về những sản phẩm đạt chuẩn, chất lượng cao đến khách hàng.
Với nhà thuốc Long Châu, bà Trần Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Kinh doanh vùng Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng Long Châu cam kết xây dựng một hệ thống y tế an toàn, công bằng và bền vững với sự chung tay, đồng hành của cả cộng đồng.
Nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tổng kết, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, nhằm từng bước đẩy lùi vấn nạn này.
"Thị trường hiện nay đang bị "nhiễm bẩn", đã đến lúc cần làm sạch, "gạn đục khơi trong" để loại bỏ hàng giả, tôn vinh hàng thật, qua đó tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm chính hãng, đồng thời bảo vệ niềm tin của người tiêu dùng", nhà báo Tô Đình Tuân phát biểu.
Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, theo nhà báo Tô Đình Tuân cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, ban ngành, trong đó vai trò của báo chí, truyền thông là không thể thiếu.
10 nhóm giải pháp kéo giảm nạn hàng giả, hàng nhái: Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao động đề xuất 10 nhóm giải pháp để giải quyết vấn đề "Chống hàng gian, hàng giả, làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin": Thứ nhất, tăng cường chế tài pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan hàng gian, hàng giả. Thứ hai, siết chặt kiểm soát biên giới, kiểm tra các kho vận, chợ đầu mối. Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và số hóa, bao gồm việc sử dụng tem chống giả, mã QR và phần mềm truy xuất nguồn gốc… Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ. Thứ năm, triển khai các đội kiểm tra chuyên ngành thường xuyên, bất ngờ để phát hiện và xử lý vi phạm. Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát các giao dịch thương mại điện tử. Thứ bảy, quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, chịu trách nhiệm gỡ bỏ các sản phẩm giả, yêu cầu đăng ký thông tin người bán đầy đủ và xử phạt các sàn thương mại điện tử nếu vi phạm. Thứ tám, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng; bảo vệ thương hiệu thông qua hỗ trợ pháp lý để kiện doanh nghiệp làm hàng gian, hàng giả; quyền sở hữu trí tuệ, dán tem chống giả và triển khai mã QR… Thứ chín, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các nước, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới để phối hợp, ngăn chặn hàng giả từ các nước; học tập mô hình chống hàng giả của các nước. Thứ mười, khuyến khích người tiêu dùng báo tin về hàng gian, hàng giả thông qua đường dây nóng hoặc app báo hàng giả, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng nói không với hàng giả. |
Tin liên quan
Đọc thêm

HĐND tỉnh Vĩnh Long khai mạc kỳ họp đầu tiên sau hợp nhất

Danh sách lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh Vĩnh Long

TP Hồ Chí Minh công bố danh sách các trụ sở của công an xã, đặc khu, đồn công an

HĐND tỉnh An Giang nâng cao vai trò, trách nhiệm, kiến tạo phát triển

HĐND phường Tam Thắng thông qua nhiều quyết sách quan trọng

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh làm việc với phường Dĩ An

Người dân đến chùa nghe 3 hồi chuông trống bát nhã trong ngày lịch sử

Cà Mau kiện toàn nhân sự sau hợp nhất

Danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang mới
