3 nhóm nghề Hà Nội tập trung đào tạo trong 5 năm tới
Phản ánh, kiến nghị về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm Tỷ lệ học sinh học nghề thấp do tâm lý trọng bằng cấp Hà Nội: Tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% |
Chiều 3/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội, các đại biểu đã chất vấn nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Không thể chỉ đào tạo dựa theo xu hướng
Trả lời ý kiến đại biểu về công tác phân tích, dự báo thị trường lao động, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có 6 phòng chuyên môn, trong đó có 1 phòng phân tích, dự báo về thị trường lao động. Hàng tháng, đơn vị có bảng tin đánh giá về nội dung này thông qua website, Zalo, bản tin chuyên đề.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trả lời chất vấn |
Theo đánh giá, phân tích thị trường lao động xu hướng hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực tập trung ở 2 lĩnh vực lớn: dịch vụ và du lịch; công nghiệp sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Về chiến lược phát triển thị trường lao động trong 5-10 năm tới của Hà Nội dựa trên 3 nguyên tắc: Cơ cấu kinh tế xã hội và chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 5 năm làm căn cứ để đào tạo nguồn nhân lực; dựa trên nhu cầu của thị trường; dựa trên nền tảng, thế mạnh mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong 5 năm tới, 3 nhóm nghề mà thành phố tập trung đào tạo theo xu hướng, nhu cầu là: Công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, trong Đề án về nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có đưa ra 6 nhóm ngành nghề, ngoài 3 nhóm ngành nêu trên, thành phố bổ sung thêm các ngành nghề liên quan đến phát triển văn hoá, nghệ thuật; công nghiệp văn hoá; y tế chăm sóc sức khoẻ.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ Thường Tín) nêu ý kiến, TP Hà Nội đã ban hành danh mục đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đạo tạo dưới 3 tháng, tuy nhiên chưa có một số nghề đào tạo theo xu hướng thị trường mới, chưa có nghề truyền thống, cũng như có một số nghề không còn phù hợp thời đại. Vì vậy, đại biểu đặt vấn đề về giải pháp để công tác giáo dục nghề gắn chặt hơn với thị trường lao động thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội Hà Nội cho biết, về danh mục đào tạo nghề trình độ sơ cấp 3 tháng được rà soát, cập nhật hàng năm.
Để đảm bảo danh mục đào tạo nghề gắn với thực tiễn thị trường, năm 2023, Sở đã tiếp tục rà soát, tham mưu TP điều chỉnh rút 14 nghề, bổ sung 15 nghề mới, trong đó có cả nghề livetream bán hàng, giúp việc gia đình, công nghệ mới. Trong 77 nghề tại danh mục đào tạo nghề, có 24 nghề nông nghiệp với 9 nghề liên quan đến làng nghề truyền thống.
Về giải pháp gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố tập trung gắn kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo phù hợp với nhu cầu. Từ nay đến cuối năm, Sở trình TP tiếp tục ban hành đơn giá 37 nghề còn lại trong tổng số 77 nghề, để triển khai thực hiện.
Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh) nêu ý kiến, sự phát triển của khoa học công nghệ rất nhanh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Vậy thành phố có giải pháp tổng thể gì để đảm bảo việc làm cho lao động Thủ đô, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ?
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh) nêu ý kiến |
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh, Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng, đây là nội dung rất hay. Trong xu hướng phát triển nghề thuộc Đề án phát triển đào tạo nghề, thành phố cũng đã tham mưu ngành nghề, mã ngành nghề liên quan đến công nghệ AI khi đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.
Về giải pháp tổng thể, thời gian tới thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chất lượng các trường công lập trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xác định tiếp tục đầu tư cho các chương trình, giáo trình, giáo án, đặc biệt là các ngành nghề mới, ngành nghề liên quan đến AI và các lĩnh vực liên quan đến xu hướng phát triển ngành nghề hiện nay.
Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục gắn kết với yêu cầu của doanh nghiệp; cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thể chỉ đào tạo dựa theo xu hướng bởi nếu doanh nghiệp trên địa bàn không có nhu cầu thì việc đào tạo cũng không hiệu quả.
Phát biểu tiếp thu, giải trình về nhóm nội dung chất vấn công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trước kỳ họp này, ngày 19/6/2024, Thường trực HĐND TP cũng đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về nội dung này. TP đã nhận được rất nhiều nội dung, thông tin đa chiều. Ngay sau buổi tiếp xúc cử tri, thành phố đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tổng hợp, phân loại các nhóm nội dung. Các nhóm nội dung này, TP đã chỉ đạo, cập nhật vào các đề án, kế hoạch thời gian tới.
Tại phiên chất vấn chiều nay, TP nhận được 9 ý kiến phát biểu về nội dung này tại hội trường và có 4 lãnh đạo Sở, ngành trực tiếp làm rõ các nội dung đại biểu nêu. TP tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thời gian tới. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành, các địa phương và mỗi người dân để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố đạt được kết quả tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân Thủ đô.