Hà Nội: Tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14%
Phản ánh, kiến nghị về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm Sẽ có cơ chế đào tạo nghề đặc thù cho từng nhóm đối tượng Đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo |
Chiều 3/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đã báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố từ năm 2020 đến nay.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP được thực hiện chủ động, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương đã ban hành.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà báo cáo tại kỳ họp |
Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, công tác tuyên tuyền các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP được triển khai mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Hiện nay, mức hỗ trợ tối đa theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ thấp hơn rất nhiều so với quy định giá dịch vụ đào tạo đã được HĐND TP Hà Nội ban hành tại Nghị quyết số 12/2023/NQ- HĐND ngày 6/12/2023. Trường hợp thành phố thực hiện mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương, phần chênh lệch giữa mức giá dịch vụ đào tạo và mức hỗ trợ sẽ rất cao, người học phải tự bù phần chênh lệch này, gây nhiều khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai thực hiện.
Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...
Hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, đôi khi chưa kịp thời.
Cơ sở dữ liệu lao động còn thiếu, chưa đồng bộ
Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trên, xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh tại các trường THCS, THPT còn nhiều bất cập do nhu cầu và mong muốn của đa số các gia đình và học sinh lựa chọn vào đại học. Bên cạnh đó, để thay đổi tâm lý coi trọng bằng cấp, lựa chọn học nghề của đại đa số người dân và học sinh trong thời gian ngắn không phải việc dễ dàng.
Quang cảnh kỳ họp |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm chủ yếu tuyển lao động phổ thông, trong khi nhu cầu của người lao động trên địa bàn lại có nguyện vọng ứng tuyển các vị trí việc làm có trình độ cao hơn. Lao động là người khuyết tật, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động sau cai nghiện ma túy còn chưa xác định rõ tư tưởng, nguyện vọng tìm việc phần nào gây khó khăn cho công tác định hướng, tư vấn giới thiệu việc làm.
Cơ sở dữ liệu ngành lao động còn thiếu, chưa đồng bộ. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phân tích, dự báo và tổng hợp nhu cầu lao động còn hạn chế; chưa có phần mềm quản lý điều hành phục vụ công tác phỏng vấn online, lưu trữ cơ sở dữ liệu, kết nối tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp... do vậy chưa có công cụ đánh giá kịp thời, chính xác nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động.
Về giải pháp đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn TP trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, đối với công tác đào tạo nghề, TP tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các Kế hoạch, Chương trình, Đề án về phát triển nguồn nhân lực Thủ đô của TP và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 sau khi được ban hành.
TP cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của thành phố về phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng tin, bài, chuyên mục trên báo chí; tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở của các quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, TP tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để chủ động tham mưu với HĐND, UBND TP ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của Thủ đô.