84 triệu trẻ em vẫn không được đến trường vào năm 2030
UNESCO cảnh báo, nếu chúng ta không tăng cường hành động thì chỉ có một trong 6 quốc gia đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 4, bảo đảm phổ cập tiếp cận giáo dục vào năm 2030.
Một lớp học ở Châu Phi (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo, dự kiến các quốc gia sẽ tăng tỷ lệ học sinh có kỹ năng đọc cơ bản ở cuối cấp tiểu học từ 51% năm 2015 lên 67% năm 2030. Mặc dù các quốc gia đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục nhưng ước tính vẫn có gần 300 triệu trẻ em và thanh thiếu niên thiếu các kỹ năng đọc và tính toán cơ bản.
Thậm chí, ở Châu Phi và cận Sahara, chỉ 4/10 thanh niên sẽ hoàn thành bậc trung học cơ sở. Dữ liệu thống kê của Chính phủ các nước chỉ ra rằng ngay cả khi các mục tiêu quốc gia đạt được thì vẫn không đủ. Như vậy, theo ước tính của UNESCO, khoảng 84 triệu trẻ em và thanh thiếu niên sẽ phải nghỉ học vào cuối thập kỷ này là hoàn toàn có cơ sở.
Ở Châu Phi và cận Sahara, chỉ 4/10 thanh niên sẽ hoàn thành bậc trung học cơ sở (Ảnh minh họa) |
Báo cáo của UNESCO là một kiểm chứng thực tế rõ ràng đối với các nhà lãnh đạo chính trị và đại diện cộng đồng xã hội dân sự. Để giải quyết vấn đề này, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO đã đưa ra lời kêu gọi hành động đối với các quốc gia trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục được tổ chức tại Paris (Pháp) với sự tham gia của hơn 150 Bộ trưởng.
Theo bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về giáo dục: “Phần lớn các Chính phủ đều có những tiêu chuẩn quốc gia để đo lường sự tiến bộ. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm tăng cường nỗ lực của mình bằng cách thu hẹp khoảng cách còn lại và ưu tiên tài trợ cho giáo dục. Đây là cách duy nhất để thực sự tạo ra tính chuyển đổi”.
Khi các quốc gia đều có những nỗ lực riêng để đảm bảo việc giáo dục, thì hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để chia sẻ các phương pháp hiệu quả nhất và hỗ trợ học sinh sinh viên, giáo viên và gia đình. UNESCO đang tăng cường hỗ trợ để cuộc khủng hoảng này có thể thúc đẩy sự đổi mới và hòa nhập, chứ không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng lãnh thổ.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục. Đến năm 2030, vẫn còn quá nhiều trẻ em không có mặt trong lớp học. Trong bối cảnh đó, UNESCO kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để mỗi quốc gia có thể lấy cảm hứng từ các nước bạn phát triển và thực hiện các giải pháp.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi sự hợp tác với các quốc gia để cùng tìm kiếm những giải pháp công nghệ cao, cũng như những giải pháp công nghệ thấp và không sử dụng công nghệ để đảm bảo sự liên tục của việc học |
Để thúc đẩy phản ứng toàn cầu, UNESCO đã tuyên bố thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Khẩn cấp UNESCO-COVID19, với nhiệm vụ hỗ trợ phản ứng quốc gia và chia sẻ các giải pháp chính sách hiệu quả, tập trung vào các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Một cộng đồng thực hành rộng lớn hơn sẽ được thành lập để tăng cường chia sẻ kiến thức, học hỏi và nâng cao năng lực về việc học tập từ xa. UNESCO đề mục tiêu huy động tất cả các chủ thể tham gia, bao gồm cả khu vực tư nhân. Các đối tác như Microsoft đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng đặc nhiệm này.
UNESCO cam kết hỗ trợ đối thoại giữa các quốc gia thành viên và sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn để giúp cải thiện việc giám sát và báo cáo quốc gia về SDG 4 khi Trái Đất dần tiến tới năm 2030.
Đại diện Chính phủ từ các quốc gia đã chia sẻ các cách tiếp cận và thực hành tốt nhất để đảm bảo việc học tập của trẻ em. Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc của UNESCO về lĩnh vực giáo dục nhận định thế giới đang phải đối mặt với một tình huống bất thường với một số lượng lớn các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cùng một vấn đề, cùng một thời điểm. Các quốc gia cần phải hợp tác với nhau không chỉ để giải quyết hậu quả giáo dục trước mắt của cuộc khủng hoảng chưa từng có này, mà còn để xây dựng khả năng phục hồi lâu dài của các hệ thống giáo dục
UNESCO khuyến nghị các quốc gia nên đặt hòa nhập và công bằng làm nguyên tắc chỉ đạo khi lập kế hoạch giáo dục của mình (Ảnh minh họa) |
Ngoài việc theo dõi tác động của COVID-19 đối với giáo dục, UNESCO đã công bố danh sách các ứng dụng và nền tảng học tập có thể truy cập tự do để phụ huynh, giáo viên và học sinh, sinh viên cũng như nhà trường có thể sử dụng. UNESCO khuyến nghị các quốc gia nên đặt hòa nhập và công bằng làm nguyên tắc chỉ đạo khi lập kế hoạch giáo dục của mình.
UNESCO tập trung phần nhiều vào cách thức đào tạo từ xa, thiết kế mô hình trường học điện tử, cộng đồng thực hành trực tuyến và phát triển công nghệ thông tin quốc gia trong các chính sách giáo dục, trong đó ưu tiên tập trung vào Châu Phi.