An ninh nguồn nước thách thức sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Khô hạn đi kèm với mưa lũ
Vàng Ma Chải là xã khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trong nhiều cái khó của xã, thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt là bức bách nhất; tập trung ở 2 bản Tả Phùng và Tả Ô, nơi sinh sống của gần 200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Do nằm trên núi cao, xa nguồn nước nên dù đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người nhưng đến nay, người dân ở 2 bản Tả Phùng và Tả Ô vẫn “khát”. Một năm có 12 tháng, thì người dân ở 2 bản này chỉ có nước sinh hoạt trong khoảng 3 tháng, ấy là vào mùa mưa.
Nước sinh hoạt đang là nhu cầu bức thiết ở nhiều địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh minh họa |
Theo ông Chẻo Lao U, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải, trước đây, xã đầu tư đường ống dẫn nước từ bản Nhóm 1 về bản Tả Phùng, nhưng nước về không thường xuyên. Nước chỉ về một lượng rất nhỏ ở đầu bản, còn từ giữa bản đến cuối bản là không còn nước.
Ngoài xã Vàng Ma Chải, trên địa bàn huyện Phong Thổ còn có xã Mù Sang, cũng được đánh giá là địa bàn khó khăn về nước sinh hoạt. Mặc dù đã được đầu tư các công trình nước sinh hoạt, cả tập trung lẫn phân tán, nhưng tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Không chỉ có Lai Châu, Hà Giang cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: Mưa lớn, ngập lụt, mưa đá, lốc, sét, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất... Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 trận thiên tai làm 5 người chết; 3 người bị thương; 892 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại hơn 69,4 tỷ đồng.
Diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên tất cả mọi phương diện. Đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra trên diện rộng làm đảo lộn cuộc sống của trăm nghìn hộ dân trên dải đất miền Trung.
Lên huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) mùa khô mới thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân khi thiếu nước sinh hoạt. Những khe suối xa nhất đã được bà con lần tìm để lấy nước cũng chẳng thể đáp ứng cho hơn 3.000 hộ dân trên địa bàn huyện trong cơn nắng hạn.
Không chỉ vào mùa khô hạn mà sau mưa lũ, tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt lại càng trầm trọng hơn. Hệ thống sông suối sau mưa lũ bị ô nhiễm nặng do rác từ thượng nguồn theo nước tràn vào, trong khi đây vẫn là nguồn cấp nước tự nhiên cho người dân miền núi.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Trong khi đó, chỉ sau một lần nắng hạn hoặc mưa lũ, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt (tập trung và phân tán) được xây dựng ở miền núi sẽ bị phá hủy hoặc không còn khả năng cấp nước.
Thách thức từ biến đổi khí hậu
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, đến năm 2030, dưới tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có 05 lưu vực sông lớn của Việt Nam phải đối mặt với mức độ căng thẳng về nước, 02 lưu vực rơi vào tình trạng căng thẳng nước trầm trọng.
Nước sinh hoạt không hợp vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân vùng đồng bào DTTS, nhất là trẻ nhỏ |
Bên cạnh đó, nguồn nước phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước rất khó khăn.
Trong khi đó, mặc dù có hệ thống sông suối dày đặc nhưng Việt Nam không phải là một quốc gia dồi dào về nước; hơn nữa nguồn nước phân bố không đều theo thời gian và không gian. Đáng chú ý, ở khu vực miền núi thường xuyên không có nguồn nước dự trữ, nhất là nguồn nước ngầm. Đây là một phần nguyên cớ dẫn đến các loại hình thiên tai đặc thù như lũ quét, sạt lở đất,… ở khu vực này.
Làm thế nào để đưa nước sạch về với từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trăn trở trong suốt thời gian qua.
Thực tiễn, các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước chủ yếu là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn và yếu kém. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các vùng này đã được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án với quyết tâm cao.
Mặc dù, nhiều chương trình hỗ trợ nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn nhưng vấn đề cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân ở các vùng còn chưa được giải quyết triệt để và gặp rất nhiều khó khăn, người dân vẫn phải đi hàng chục km để lấy nước.
Được biết, năm 2020, xã Mù Sang đã được huyện Phong Thổ đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt cho 5 bản (cấp téc, xây dựng hệ thống nước sạch bằng đồng hồ để điều tiết, duy trì lượng nước). Dù vậy, dự án vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết của bà con; bởi từ tháng 3 – 5, nguồn nước trở nên khan hiếm.
Mới đây, tỉnh Lai Châu đã quyết định đầu tư công trình cấp nước tại xã Mù Sang (12,5 tỷ đồng) và xã Vàng Ma Chải (10,8 tỷ đồng) để cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ của 2 xã.
Năm 2022 và dự báo thời gian tới, biến đổi khí hậu, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phúc tạp, khó lường, nguy cơ lũ, ngập lụt trên các vùng miền cả nước; lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực phía bắc… Để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương và của tỉnh đã chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến, Ban chỉ đạo Trung ương và của tỉnh về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương rà soát phương án ứng phó bảo đảm phù hợp trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt là phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân.