An toàn cho trẻ nhỏ tại chung cư nhìn từ vụ bé 3 tuổi rơi từ tầng 12
Những nỗi đau từ các “tử huyệt” nhà chung cư
Chiều tối 28/2, vụ việc khiến nhiều người không khỏi hoảng sợ đến thót tim khi xem clip bé gái Nguyễn Phương H (3 tuổi) leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ở ban công một căn hộ ở tầng 12A ở chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Rất may mắn, bé gái sinh năm 2018 đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) nghe tiếng khóc, tiếng hô hoán của người dân đã kịp đỡ được khi bé tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Kết quả chụp X-quang, cháu bé bị trật khớp háng bên phải, các bác sĩ khoa Chỉnh hình Nhi đã nắn chỉnh và đặt máng bột cố định tạm thời. Hiện, tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định, tiếp xúc tốt, không khó thở nhưng còn quấy khóc. Hiện bé đang tiếp tục được các bác sĩ theo dõi.
Vụ việc em bé 3 tuổi trèo qua lan can ban công căn hộ rồi rơi xuống dưới xảy ra vào ngày 28/2 vừa qua |
Chứng kiến cảnh này qua clip của một cư dân tòa chung cư bên cạnh ghi lại bằng điện thoại đưa lên mạng xã hội, nhiều người không khỏi hoảng sợ đến thót tim. Ngay trong đoạn clip cũng thể hiện nhiều người chứng kiến đã không giữ được bình tĩnh, hét lớn mong có người cứu lấy bé gái đang trèo qua lan can ban công.
Đây chỉ là một trong rất nhiều những vụ trẻ nhỏ rơi từ chung cư xuống. Hầu hết những nạn nhân là trẻ em trong những vụ việc này đều không được may mắn như bé gái 3 tuổi kể trên.
Điển hình như vụ việc một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công tầng 3, tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội thì bất ngờ rơi xuống đất, bất tỉnh. Tuy đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trước khi nhập viện.
Hay như sự việc tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một cháu bé 6 tuổi rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tử vong. Gia đình của nạn nhân sống trên tầng 11, tiếp giáp với "giếng trời" không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị ngã.
Liệt kê những vụ việc trẻ nhỏ rơi từ các tòa nhà chung cư xuống để thấy, vụ việc ngày 28/2 mới đây không có gì mới và không phải cha, mẹ nào cũng may mắn như bố mẹ của cháu H. Rất nhiều gia đình đã phải chịu nỗi đau mất con vĩnh viễn chỉ vì một sự bất cẩn không đáng có của gia đình và người thân.
Cần đảm bảo an toàn cho trẻ tại các nhà chung cư
Thông thường, sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều gia đình trong các khu chung cư xảy ra sự việc liền gọi thợ lắp lưới chắn ban công, lô gia. Tuy nhiên, đáng nói là ở những tòa chung cư khác, rất nhiều gia đình vẫn chưa có ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, hầu như năm nào cũng có những vụ “thót tim” các em bé rơi từ các tòa chung cư xảy ra.
Anh Phan Văn Trình (34 tuổi, sống ở chung cư nhà ở xã hội CT6, khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ngay khi chuyển đến căn chung cư đang ở bây giờ từ năm 2015, việc đầu tiên anh làm đó chính là lắp các cửa lưới che chắn an toàn cho ban công, lô gia vì anh biết rất rõ mối nguy hiểm từ những vị trí này trong căn hộ gia đình của mình.
“Khi được bầu làm trưởng tầng, tôi đã đề nghị các hộ gia đình đóng quỹ để làm lưới che chắn ở 3 đầu hàng lang. Nhà tôi ở tầng 9, tuy không cao lắm nhưng đa số là các gia đình trẻ, mỗi nhà hầu hết là có 2 con, các con đều đang ở độ tuổi hiếu động và chưa ý thức hết được sự nguy hiểm nên điều này là cần thiết.
Tôi thấy ngoài các vị trí trong nhà, các bậc phụ huynh còn phải để ở bên ngoài nữa. Nếu không các con chạy ra ngoài chơi, bố mẹ không để ý thì cực kỳ nguy hiểm. Từ ngày làm lưới chắn an toàn ngoài hành lang, chúng tôi cảm thấy yên tâm thực sự khi cho các con ra ngoài chơi”, anh Trình chia sẻ thêm.
Lắp lưới an toàn ở ban công, lô gia, cửa sổ... là biện pháp che chắn giúp hạn chế nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi ở nhà chung cư |
Cùng quan điểm, anh Phạm Văn Điều (50 tuổi, cư dân khu chung cư Hapulico ở đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cách không xa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, chia sẻ kinh nghiệm từng chuyển qua ở 4 căn hộ chung cư cho biết, đã hơn 10 năm sống ở nhà chung cư, mỗi lần dọn đến căn hộ mới đều chú trọng đến các vị trí chung cư: Ban công, lô gia, cửa sổ…
“Lần đầu tiên mua được căn hộ chung ở khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính, cả nhà còn đang chuyển đồ vào thì tá hỏa phát hiện cậu con trai 4 tuổi đang gác chân định trèo qua lan can tầng 8, may mắn tôi kịp thời ngăn lại. Sau lần đó, trước khi chuyển đến căn hộ mới, tôi đều gọi thợ lắp đặt lưới an toàn phủ kín ban công, lô gia, cửa sổ… trong nhà, thậm chí cả cửa thông gió ngoài hành lang.
Những nơi nào thấy còn tiềm ẩn nguy cơ, tôi đều cố gắng tìm ra biện pháp giảm thiểu tai nạn. Đáng buồn là vẫn còn nhiều gia đình chưa ý thức hết được mức độ cần thiết của biện pháp che chắn các nơi nguy hiểm tại chung cư”, anh Điều nói.
Hiện nay nhiều tòa chung cư ở Hà Nội sau khi chủ đầu tư hoàn thiện bàn giao căn hộ cho khách hàng hầu hết cửa sổ hay lô gia đều để trống. Một số hộ gia đình tự thuê thợ về lắp lưới an toàn hay song sắt tại các khu vực này, tuy nhiên, một số gia đình vẫn chủ quan “bỏ qua”. Đây chính là “lỗ hổng” dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm như trên.
Các chuyên gia nhận định, có nhiều nguyên nhân gây ra sự mất an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, lỗi lớn nhất vẫn thuộc về các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có con nhỏ bởi không có một biện pháp nào thật sự an toàn cho trẻ nếu thiếu đi sự quan sát, bảo vệ của cha mẹ.
Cha mẹ không nên để con chơi một mình, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Ở độ tuổi này các con chưa có nhận thức về sự nguy hiểm và rất hiếu động hay leo trèo. Trong trường hợp phụ huynh quá bận không thể ở cạnh trông coi thì cần sớm huấn luyện trẻ về nhận biết nguy hiểm như không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia...
Kỹ sư Lê Quang Danh, Giám đốc Công ty Thiết kế xây dựng Nhà Việt cho biết, khi nhà có trẻ em, lan can ban công ở chung cư cao tầng phải có chiều cao tối thiểu 1,4m mới có thể an toàn. Đặc biệt ban công không nên làm thanh ngang mà phải làm thanh dọc có khoảng cách không quá 10cm.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần để ý đóng cửa ban công hoặc lắp các thiết bị kính chắn, lưới thép theo hướng dẫn vừa đảm bảo an toàn phòng cháy vừa an toàn cho trẻ… Việc lắp lưới an toàn sẽ giúp trẻ nhỏ thoải mái vui chơi, cha mẹ sẽ an tâm hơn.
Bên cạnh đó, ở dưới nền ban công không được để chậu hoa, máy giặt, ghế ngồi hay các đồ dùng giúp các bé leo trèo. Ở cửa ngăn cách giữa nhà với ban công thì nên đóng lại khi không có người lớn ở nhà. Với các gia đình có con nhỏ từ 2-3 tuổi thì nên làm song chắn để các bé không bò, chạy ra ngoài ban công.
Được biết, từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); Phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; Không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Quy định đã có nhưng việc sử dụng ban công, lô gia, đặc biệt ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi thành viên trong gia đình quan tâm hơn nữa để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.