Áng thơ về miền quê đầy ắp lịch sử - Văn hóa dân tộc
Nhà báo sáng tác ca khúc |
Tự hào cô giáo trẻ - Ca khúc hay về tuổi trẻ Việt Nam |
Lý Nhân quê mình |
Tôi bị... "ngợp" ngay bởi những câu thơ giàu hình tượng, chất chứa bao ký ức về lịch sử, văn hoá dân tộc từ buổi bình minh dựng nước của cha ông trên một miền quê lọt thỏm giữa ba sông*: "Nơi ngã ba sông còi tàu vang vọng/ Ba tỉnh từng nghe trống đồng Ngọc Lũ", "Chấp chới cánh cò bay từ cổ tích / Hương sen thơm ngát dâng Đức Thánh Trần/ Người xưa chung thủy cô gái Nam Xương", "Hương cá niêu kho thơm mùi tương quê/ Chuối ngự Đại Hoàng vườn xanh bát ngát"...
Miền quê vừa lịch sử vừa huyền sử này, chính là Lý Nhân - một huyện vùng chiêm trũng của vùng trũng nhất tỉnh Hà Nam, quê hương bà Nội tác giả Tào Khánh Hưng.
Hoá ra quê hương của vùng "đồng chua, nước mặn" vốn rất nghèo khó này, lại là "chủ nhân ông" đã ôm ấp trong lòng mình cả một nền văn hoá cổ xưa của dân tộc Việt cách đây đến 25-26 thế kỷ: "TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ"**: "Nơi ngã ba sông còi tàu vang vọng/ Ba tỉnh từng nghe trống đồng Ngọc Lũ"!
Trống đồng Ngọc Lũ có thể nói là một sản phẩm của thời kỳ cực thịnh của Nhà nước Văn Lang. Đó chính là bảo vật đã đi vào lịch sử nghề chế tác đồ đồng nước ta như một kỳ công tuyệt đỉnh (niên đại cách nay khoảng 2500 năm - thời điểm Đạo Phật khởi phát ở vùng Lumbini của nước Nepal cổ xưa).
Trống đồng Ngọc Lũ được xếp vào loại "H1 – Heger" (theo sự phân loại dựa trên 165 chiếc trống đồng được biết đến thời điểm ấy của học giả F.Héger – người Áo, vào năm 1902). H1 là “loại cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời”. Cùng với tuổi đời, loại trống này còn được biết đến bởi hình dáng cân đối, hài hoà, khoác trên mình những hoa văn tinh tuý nhất và đẹp nhất, không chỉ ở Việt Nam mà trống đồng Ngọc Lũ còn rất nổi tiếng trên thế giới.
Miền quê Lý Nhân hiển hiện qua những nét chấn phá của bài thơ là một khung cảnh thật thanh bình, trù phú; lại lấp lánh những sinh hoạt xã hội xa xưa: "Hương sen thơm ngát dâng Đức Thánh Trần/ Người xưa chung thủy cô gái Nam Xương".
Đó là tích "Nam Xương nữ tử truyện", được diễn Nôm thành "Chuyện người con gái Nam Xương", là câu chuyện thứ 16 trong 20 truyện được chép lại trong tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" bằng chữ Hán của danh sĩ Nguyễn Dữ, sống vào cuối thời nhà Lê Sơ, đầu thời nhà Mạc.
Dựa trên câu chuyện dân gian về nỗi oan khuất của một người thiếu phụ, Nguyễn Dữ đã viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến "trọng nam, khinh nữ", đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc đã không cho người phụ nữ tự bảo vệ mình. Truyện được đánh giá là một áng "thiên cổ kì bút", phản ánh sinh động về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Lý Nhân quê hương bà Nội, còn bao nét độc đáo khác nữa. Có thứ mãi mãi là dĩ vãng như thân phận của làng Vũ Đại, Chí Phèo, Thị Nở, Giáo Thứ, Lão Hạc, "con Vàng" (con chó của Lão Hạc); hoặc lũ đầu trâu mặt ngựa như Bá Kiến - không thể còn đất sống cho chúng... Có thứ chết thực sự rồi, nhưng lại bỗng hồi sinh thần kỳ: "Nuôi tằm dệt vải ơn nghĩa sinh thành/ Hương cá niêu kho thơm mùi tương quê/ Chuối ngự Đại Hoàng vườn xanh bát ngát...".
Cá kho của làng Nhân Hậu - Lý Nhân, là món cá kho cổ truyền đã có từ rất lâu đời. Với công thức “chém to, kho mặn”, người dân nơi đây đã "sáng chế" ra một món ăn có đặc trưng riêng, mang tên gọi của quê hương mình. Rồi Lý Nhân – Hà Nam không chỉ được biết đến bởi tài năng của nhà văn Nam Cao với các tác phẩm nổi tiếng “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Đôi mắt”… mà vùng quê chiêm trũng này còn được nhân dân xa gần nhớ đến bởi đặc sản chuối ngự Đại Hoàng thơm ngon, từng được đem tiến Vua...
Tôi không biết nói gì hơn được nữa, bởi mạch tình cảm của nhà thơ dù đến đoạn kết thúc rồi, vẫn tiếp tục bay bổng khó có thể kìm nén trong từng con chữ: "Đức Bản ta ơi cuộc đời đã khác /Ngược xuôi tấp nập áo thợ vào ca/ Bao người đi xa nhớ về nguồn cội/ Tháng tám nhớ cha, tháng ba lễ mẹ/ Sông Châu trong xanh kỷ niệm đầy vơi/ Lý Nhân quê tôi vang mãi lời ca"...
Cảm ơn nhà báo, nhà thơ Tào Khánh Hưng rất nhiều bởi một áng thơ hay về quê hương bà Nội của anh - miền quê Lý Nhân đang đổi thịt thay da hàng ngày trên nền lịch sử - văn hoá có một không hai so mọi quê hương khác trên đất nước Việt Nam ta.
AI VỀ QUÊ NỘI TÔI ƠI
Tào Khánh Hưng
Ai về quê quê Nội tôi ơi
Nơi ngã ba sông còi tàu vang vọng
Ba tỉnh từng nghe trống đồng Ngọc Lũ
Bài ca Bắc Lý đất học anh hùng
Nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng trước Khu tưởng niệm nhà văn Liệt sĩ Nam Cao |
Bãi ngô, đồng lúa xanh mướt chân trời
Chấp chới cánh cò bay từ cổ tích
Hương sen thơm ngát dâng Đức Thánh Trần
Người xưa chung thủy cô gái Nam Xương
Cô gái Lý Nhân với niêu cá kho thơm mùi tương quê |
Nuôi tằm dệt vải ơn nghĩa sinh thành
Hương cá niêu kho thơm mùi tương quê
Chuối ngự Đại Hoàng vườn xanh bát ngát
Đường về quê Nội nắng vàng thênh thang
Đức Bản ta ơi cuộc đời đã khác
Ngược xuôi tấp nập áo thợ vào ca
Bao người đi xa nhớ về nguồn cội
Tháng tám nhớ cha, tháng ba lễ mẹ
Sông Châu trong xanh kỷ niệm đầy vơi
Lý Nhân quê tôi vang mãi lời ca.