Bà mẹ trẻ khởi nghiệp vì chính con trai mình
Trước thực trạng ngày nay các bé thường xuyên tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ, smartphone gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và não bộ của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Sách vải Khasa ra đời phù hợp với trẻ em lứa tuổi từ 1 đến 6. Sách vải Khasa gồm các trang kỹ năng được cắt và may tỉ mỉ, chi tiết trên nền vải eco và chỉ bò, nên hoàn toàn an toàn cho trẻ nhỏ. Mỗi trang sách vải Khasa lại là một chủ đề khác nhau để các bé có thể thoả thích khám phá từ màu sắc, hình khối, số đếm hay cao hơn là nghề nghiệp, mùa màng hay thời tiết…
Trẻ tiếp xúc với sách vải Khasa còn được rèn luyện kỹ năng vận động tinh, cũng như sự khéo léo của đôi tay, tăng sự tập trung kiên nhẫn khi sử dụng, mở rộng thế giới quan qua từng trang sách thông qua các màu sắc, đồ vật, sự kiện hay hình khối
Khởi nghiệp từ chính nhu cầu của con trai
Founder của Dự án sách vải Khasa là cô gái trẻ Trần Thu Hà, sinh năm 1989, tốt nghiệp khoa ngôn ngữ học - trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn.
Như bao bạn trẻ sau khi ra trường, cô gái trẻ Thu Hà cũng đã từng nghĩ mình sẽ gắn bó với một công việc văn phòng ổn định, để có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình và con cái.
Nhưng chính trong giai đoạn tìm hiểu các loại đồ chơi cho con trai mình, Thu Hà tình cờ được một người bạn gái ở Đức giới thiệu về những quyển sách vải. Từ đó Hà bắt đầu tìm hiểu về mẫu mã, các kỹ năng cũng như các lợi ích tuyệt vời mà sách vải mang đến. Thậm chí cô cũng tự mày mò làm ra các quyển sách vải đơn giản cho đứa con bé bỏng của mình.
Sách vải vốn rất phổ biến tại các quốc gia phương tây, nhưng tại thời điểm đó, sách vải tại thị trường Việt Nam vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Một ý tưởng chợt loé lên trong suy nghĩ của bà mẹ trẻ. Tại sao mình lại không tạo ra những sản phẩm an toàn mà lại có tính giáo dục cao như vậy cho chính con trai của mình cũng như nhiều bạn nhỏ tại Việt Nam?
Nghĩ là làm tháng 2 năm 2016, Trần Thu Hà chính thức bước vào con đường khởi nghiệp với sản phẩm sách vải Khasa – một sản phẩm dành cho trẻ em mang tính giáo dục cao.
Khởi nghiệp không bao giờ là con đường dễ dàng
Thu Hà bắt tay vào dự án sách vải Khasa khi đang mang bầu em bé thứ hai. Thời gian, sức khoẻ lúc này đã là một rào cản rất lớn đối với bà mẹ trẻ lần đầu khởi nghiệp như Thu Hà.
Hơn thế nữa, đối với bất kỳ mộ sự án khởi nghiệp nào thì vốn luôn được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, “bà bầu” Thu Hà vừa phải song song làm công việc 8 tiếng/ngày tại văn phòng để lấy tiền nuôi dưỡng dự án, vừa phải tìm mẫu mã, thiết kế, nguyên liệu cho sản phẩm. “ Mặc dù mình muốn sản phẩm của mình là tốt nhất nhưng mình vẫn phải tính toán tỉ mỉ chi tiết xem nên đầu tư cái gì trước, thì mình vẫn phải ưu tiên theo thứ tự, từ đó dần dần hoàn thiện sản phẩm”, Hà cho biết.
Khởi nghiệp các sản phẩm liên quan đến giáo dục, nhất là lại liên quan đến trẻ em, đòi hỏi phải có những kiến thức và độ an toàn cao nên Thu Hà đã tìm đến kiên kết với Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm (VSK) chuyên về giáo dục, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, cũng như nhu cầu thưc tế tại các trường mầm non để từ đó đưa ra được sản phẩm sách vải Khasa có nội dung phong phú như hiện tại.
Vấn đề nữa được coi là một quyển sách vải thành công đó chính là nguyên liệu. Tại thị trường Việt Nam, sản phẩm vải Trung Quốc rất nhiều, không theo một tiêu chuẩn chất lượng nào hết. Nếu không cẩn thận đảm bảo nguồn đầu vào nguyên liệu, quyển sách sẽ khó đảm bảo độ an toàn cho các bé khi sử dụng.
Nhưng may mắn thay, thông qua các thành viên của câu lạc bộ sản xuất đồ chơi giáo dục tại Việt Nam, vừa qua Thu Hà cùng dự án của mình đã tiếp cận được với nguồn vốn của quỹ đầu tư của Hoa Kỳ - Thriive. Đây là quỹ chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về kỹ thuật và máy móc. Khi tham gia vào quỹ này, các nhà khởi nghiệp cũng sẽ được giúp đỡ đào tạo các kỹ năng để quản trị một doanh nghiệp. Trước khi tham gia vào Thriive, các sản phẩm của Khasa vốn đều làm hoàn thủ công, năng suất lao động rất thấp nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước, còn đâu chủ yếu vẫn là xuất khẩu. Khasa chủ yếu cung cấp theo đợt đặt hàng để xuất khẩu sang hai quốc gia là Đức và Úc.
Bên cạnh đó, gia đình cũng luôn là điểm tựa vững chắc giúp Trần Thu Hà tiếp tục đam mê của mình. Thời gian đầu, mới sinh xong mẹ đẻ chính là người mà cô yên tâm nhờ chăm sóc các bé, còn mình thì trực tiếp đi tìm nhà cung ứng hay gặp gỡ khách hàng.
Còn chồng của cô chính là người động viên, sát cánh cùng cô trong những lúc mà cô tưởng chừng như mình kiệt sức và muốn buông xuôi tất cả.
Những định hướng phát triển dự án trong tương lai
Hiện tại, sản phẩm sách vải Khasa nhận được các phản hồi rất tích cực từ các bậc phụ huynh cũng như các bé. Hầu như khách hàng mua sách vải của Khasa đều quay lại để mua những chủ đề tiếp theo.
Thực trạng đồ chơi Trung Quốc tràn lan, cùng với tư duy của người Việt vẫn muốn mua những đồ rẻ mà không quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm đồ chơi mang tính giáo dục mà có giá thành cao thường khó tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, doanh thu xuất khẩu đang là nguồn chính để Thu Hà duy trì và phát triển xưởng sản xuất của sách vải Khasa. Thu Hà cho biết mong muốn cuối cùng là có thể đem sản phẩm sách vải đến tay được nhiều bạn nhỏ Việt Nam hơn nữa chứ không đơn giản chỉ là xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Xa hơn nữa,Thu Hà chia sẻ: “Mình quan tâm nhiều đến đồ chơi giáo dục. Sách vải chỉ là một phần của đồ chơi giáo dục, nên trong tương lai khi mà được tổ chức Thriive đầu tư thêm thì mình hy vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đồ chơi có tính giáo dục cao cho các bạn nhỏ”.
Khởi nghiệp không phải là một điều gì đó qua xa vời. Đôi lúc chỉ là những ý tưởng đơn giản bắt nguồn từ chính cuộc sống của bản thân hay những người thân xung quanh mình. Chỉ cần có đủ đam mê và nhiệt huyết thành công sẽ luôn là đích đến cuối cùng của các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn.