Bà nội hiến gan cho cháu gái 15 tuổi
Ngày 30/10, ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thực hiện thành công. Đó là bệnh nhân nữ 15 tuổi, phát hiện xơ gan không rõ căn nguyên cách đây 6 năm.
Gần đây bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan.
Ca ghép gan bất đồng nhóm máu lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 |
PGS.TS.BS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Đối với trường hợp này, phẫu thuật cắt khối u không khả thi vì chức năng gan đã kém do xơ gan, lách to. Vì vậy, ghép gan là phương án tốt nhất dành cho bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân đã được nút mạch gan chuẩn bị cho ghép gan.
Mặc dù kỹ thuật ghép gan tại Việt Nam đã được thực hiện cách đây khá lâu. Tại các trung tâm ghép tạng trên toàn quốc đến nay đã ghép thành công cho hơn 500 trường hợp bệnh nhân. Riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ca ghép đầu tiên được thực hiện vào tháng 10/2017, đến nay đã thực hiện 200 ca và trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc".
Tuy nhiên, ca ghép gan thứ 200 này có điểm đặc biệt là bất đồng nhóm máu ABO. Người hiến gan là bà nội của bệnh nhân.
Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ em, nhưng chưa được thực hiện ở người trưởng thành, bởi miễn dịch của người lớn phức tạp hơn ở trẻ em.
Đối với ca ghép gan bất đồng nhóm máu ABO này mới 15 tuổi, vẫn là vị thành niên nhưng sự phát triển cơ thể thì đã có thể coi là tuổi trưởng thành.
Nói về sự khác biệt của ghép gan bất đồng nhóm máu, BS Lê Văn Thành chia sẻ: "Về mặt kỹ thuật thì quá trình ghép gan không có gì khác biệt, nhưng trước ghép 3 tuần, bệnh nhân ghép gan được đánh giá hiệu giá kháng thể nhóm máu của người hiến; sau đó sẽ điều chỉnh hiệu giá kháng thể, điều trị giải mẫn cảm bằng thuốc ức chế miễn dịch retuximab, kết hợp với lọc huyết tương để đưa nồng độ kháng thể nhóm máu của người hiến xuống 1/16 thì mới tiến hành ghép".
Đối với trường hợp bệnh nhân nêu trên, sau quá trình chuẩn bị trước ghép tích cực, kíp ghép gan đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho bệnh nhân. Sau 8 giờ, ca ghép gan được thực hiện thành công.
Sau 1 tuần ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Người hiến được ra viện sau 1 tuần ghép. Sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
Hiện nay, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan mỗi năm. Trong những năm tới phấn đấu đạt 100-150 ca/mỗi năm. Chính vì thế nguồn hiến gan là điều rất quan trọng.
Khi phương pháp ghép gan bất đồng nhóm máu cho kết quả tốt và triển khai rộng hơn, sẽ thêm nhiều cơ hội hơn cho người cần ghép. Sau sự thành công của ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên, bệnh viện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan.