Bắc Ninh: Có sự "ưu ái đáng ngờ" vụ cho Công ty Dabaco vay 100 tỷ đồng không tính lãi suất
Như chúng tôi đã thông tin về sự việc ngày 14/04/2016, tại kỳ họp thứ 18, khóa 17 của HĐND tỉnh Bắc Ninh, sau khi được các đại biểu thông qua thì Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh này là ông Nguyễn Nhân Chiến đã ký ban hành Nghị quyết số 221/2016/NQQ-HĐND17 về việc “Hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy ép dầu của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Công ty Dabaco) tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh".
Theo Nghị quyết này, Công ty Dabaco được giao đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng (đất sạch) để thực hiện dự án, diện tích khoảng 6 ha.Công ty Dabaco được cho vay từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bắc Ninh không quá 100 tỷ đồng, với mức lãi suất 0%. Thời gian cho vay không quá 5 năm.Tuy nhiên, để nhận được những ưu đãi cũng như hỗ trợ như vậy, Công ty Dabaco phải có văn bản cam kết về công ăn việc làm cho 200 lao động trở lên, đóng góp cho ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng trở lên…
Nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Ninh cho phép Công ty Dabaco vay 100 tỷ đồng với lãi suất 0% trong 5 năm từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh. |
Điều đáng nói, ngoài việc được hỗ trợ vay 100 tỷ đồng từ Qũy Đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Ninh thì Công ty Dabaco còn được tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng tạm ứng từ nguồn cải cách tiền lương cấp tỉnh chưa sử dụng để bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trước sự việc này, dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi, thậm chí cho rằng có sự ''bất thường'' trong vụ việc này. Để hiểu rõ hơn về tính pháp lý sự việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Theo đó, về việc HĐND tỉnh Bắc Ninh thông qua Nghị quyết số 221/2016/NQ-HĐND ngày 14/04/2016 cho Công ty Dabaco “Vay từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh không quá 100 tỷ, lãi suất 0% nếu thực hiện đúng cam kết", ông Hoàng cho rằng việc chủ trương cho một doanh nghiệp tư nhân vay với các “điều kiện” trên là sự “ưu đãi đến đáng … ngờ” của tỉnh Bắc Ninh.
Nhà máy ép dầu thực vật Dabaco tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. |
Lý giải cho nhận định của mình, Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho biết, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP quy định tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương thì để được vay từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh thì doanh nghiệp phải đảm bảo rất nhiều các điều kiện.
Cụ thể, để được vay, doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và phương án bảo đảm trả được nợ; có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam và chủ đầu tư phải là các tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
"Với dấu hiệu chưa hoàn thành ¾ điều kiện theo Nghị định 138/2007 nêu trên” thì chắc chắn việc thông qua Nghị quyết 221/2016 với chủ trương ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho Công ty Dabaco của HĐND tỉnh Bắc Ninh là có nhiều khuất tất và cần phải xem xét lại", Luật sư Lê Ngọc Hoàng nhận định.
Hơn nữa, đối chiếu với quy định của pháp luật về đầu tư quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16 (Phụ lục II) của Nghị định 118/2015 (Hướng dẫn Luật Đầu tư 2014) thì “Địa điểm thực hiện Dự án tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hoàn toàn không phải địa bàn được ưu đãi đầu tư. Vì vậy ở đây có dấu hiệu không tuân thủ quy định về “ưu đãi đầu tư” theo “Luật Đầu tư” của tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, việc cho vay với lãi suất vay 0% là vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 15, Nghị định 37/2013 (sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 /08/ 2007 về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương).
Luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
"Khi UBND tỉnh Bắc Ninh cho Công ty Dabaco vay 100 tỷ đồng với lãi suất 0% liệu có ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương hay không? Nếu Công ty Dabaco không chấp hành hoặc không đạt được việc tạo việc làm cho 200 lao đồng trở lên và phải sử dụng 50% lao động trong tỉnh và việc đóng góp cho Ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng trở lên sau 02 năm dự án hoàn thành và đi vào hoạt động thì sẽ xử lý trách nhiệm doanh nghiệp này như thế nào khi họ đã được ưu đãi vay như vậy", Luật sư Hoàng đặt câu hỏi.
Về việc Công ty Dabaco còn được tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng tạm ứng từ nguồn cải cách tiền lương cấp tỉnh chưa sử dụng để bồi thường giải phóng mặt bằng, Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho biết, Thông tư 132/2017/TT-BTC của Bộ Tài Chính có quy định “Điều chỉnh mức lương cơ sở đến mức 1,3 triệu đồng/tháng từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/06/2018 và mức 1,39 triệu đồng/tháng từ ngày 01/07/2018”.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2018 (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương) theo quy định để “tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao”.
Luật sư Hoàng cũng cho biết, theo hướng dẫn tại tiết b, Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 103/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính, việc xác định nguồn để đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương: “Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sau khi đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định tại Điều 2 Thông tư này mà nguồn thu dành để cải cách tiền lương vẫn còn lớn và có cam kết tự thu xếp trong nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện điều chỉnh tiền lương tăng thêm theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định, thì được sử dụng nguồn còn dư để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn, thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định hiện hành; kết thúc năm ngân sách, báo cáo cơ quan chủ quản để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính kết quả sử dụng nguồn kinh phí này”.
"Không rõ UBND tỉnh Bắc Ninh đã đáp ứng được điều kiện về nguồn vốn dành cho cải cách tiền lương theo quy định trên chưa mà đã dám hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu còn dư nguồn vốn này thì đã “để chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn” chưa mà lại mang ra hỗ trợ dự án của doanh nghiệp", Luật sư Hoàng đặt vấn đề.
"Qua diễn biến sự việc này cho thấy có nhiều dấu hiệu thực hiện sai áp dụng sai quy định pháp luật của HĐND và UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc cho vay, hỗ trợ dự án của Công ty Dabaco. Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần rà soát, xem xét kiểm tra các dấu hiệu vi phạm này nhằm nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương”, Luật sư Lê Ngọc Hoàng nhận định.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Bài liên quan
Bắc Ninh: Đem gần 19 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương hỗ trợ Công ty Dabaco
Bắc Ninh: Ngỡ ngàng câu chuyện Công ty Dabaco được vay 100 tỷ đồng với lãi suất 0%
Bắc Ninh: Chủ tịch Dabaco phủ nhận vụ "đổi 100 ha đất để làm 1,39 km đường"