Bách Hóa Xanh đối mặt “làn sóng” tẩy chay vì tăng giá bán hàng giữa tâm dịch
Cục QLTT TP HCM kiểm tra hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh Bán hàng hóa giá tăng cao giữa đại dịch, Bách Hóa Xanh nói gì? |
Trước đó, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP HCM đã tăng giá bán các mặt hàng rau củ quả, thịt cá tươi sống cao hơn so với ngày thường.
Đáng nói, việc tăng giá bán hàng hóa lại diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang nằm trong tâm dịch Covid-19, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Các cấp, ngành từ Trung ương đến TP HCM phải vào cuộc mạnh mẽ để đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân.
Trước sự việc trên, ngày 13/7, Tập đoàn Thế Giới Di Động (công ty mẹ của Bách Hóa Xanh) đã chính thức lên tiếng phản hồi.
Theo đó, Bách Hóa Xanh khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, song không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Lý giải việc tăng giá bán hàng hóa, Bách Hóa Xanh cho biết, thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng của hệ thống tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.
Bách Hóa Xanh đối mặt “làn sóng” tẩy chay trên mạng xã hội |
Đồng thời, chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.
Bên cạnh đó, chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng và nhân viên kho. Hơn nữa, chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa các tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa.
Ngoài ra, Bách Hóa Xanh cũng cho biết, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông.... hệ thống đã thực hiện giải pháp bán hạn chế số lượng cho mỗi khách hàng đối với một số mặt hàng để chống lại hiện tượng mua gom hàng về bán giá gấp 2-3 lần của nhiều đối tượng.
Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay của người tiêu dùng.
Lực lượng Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra việc kinh doanh của Bách Hóa Xanh. (Ảnh: QLTT) |
Theo đó, nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra dưới bài viết của fanpage facebook của Bách hóa Xanh.
"Bách Hóa Xanh tăng giá quá đà mùa dịch?! Một bước đi đầy lòng tham có thể kéo cả tập đoàn bao gồm Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Dộng vào chuỗi tẩy chay sau dịch của người dân...", một bạn bình luận trên fanpage facebook của Bách Hóa Xanh.
Một người khác cùng bình luận: "Bách Hoá Xanh nâng giá mùa dịch quá nhiều nên tẩy chay. Lúc đồng bào khó khăn mà chỉ nghĩ lợi ích của mình".
Bên cạnh đó, lý do khác khiến khách hàng phản ứng là việc Bách Hóa Xanh thông báo tăng giá bán hàng hóa thì một số siêu thị khác lại tuyên bố vẫn giữ nguyên giá, bình ổn để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.
Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.op Food thông báo luôn giữ bình ổn giá, kết nối đi chợ cho khách hàng trong mùa dịch.
"Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Co.op Food ngày đêm cố gắng phục vụ hết công suất để đảm bảo đầy đủ các thực phẩm thiết yếu và chủ động giữ bình ổn giá tại thị trường TP HCM...", Co.op Food thông báo.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), để làm rõ những thông tin phản ánh tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh vi phạm quy định về giá hàng hóa, nâng giá bất hợp lý, chiều 16/7, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM đã tiến hành kiểm tra, làm việc 75/641 cửa hàng đang kinh doanh tại quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng cung cấp cho lực lượng Quản lý thị trường thông tin về hóa đơn chứng từ đầu vào của hàng hóa được lưu trữ tại Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (địa chỉ số 128 Trần Quang Khải, Phường Tân Định, Quận 1, TP HCM).
Theo đó, giá cả hàng hóa mỗi ngày được thông báo qua phần mềm quản lý nội bộ QR code, không sử dụng hệ thống máy tính kế toán tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Tại buổi làm việc, lực lượng Quản lý thị trường đã đề nghị các cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá theo quy định và bán đúng giá, đảm bảo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.