Bài 1: Chưa nhiều tác phẩm lớn phản ánh đời sống, văn hóa người Hà Nội đương đại
Họa sĩ Nguyễn Hoàng Long và tình yêu Hà Nội qua triển lãm tranh “Hoa phố” |
Trong Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy đã nhận định: “Vẫn chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật của Thủ đô”. Bởi vậy, chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề là trong mấy năm gần đây vẫn thấy thiếu vắng những tác phẩm văn học lớn về đời sống đô thị hiện tại của Hà Nội với những vấn đề xoay quanh nó.
Phố Đồng Xuân (tranh sơn dầu, 2019) của họa sĩ Đỗ Phấn |
"Điểm trũng" của văn học Thủ đô
Trên thực tế, có nhiều hoạt động để phát triển văn học Hà Nội.
Thời gian trước, với mong muốn độc giả có thể dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu về văn hóa, đời sống, con người, thói quen ăn mặc, giọng nói và cả từng nếp sinh hoạt thường nhật... của Hà Nội vài thập kỷ gần đây, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ ra mắt “Tủ sách Hà Nội trong mắt một người”.
Ngay trong dịp ra mắt tủ sách, nhà văn Đỗ Phấn - người được coi là nặng lòng với Hà Nội cũng góp vào 4 tác phẩm mới của mình: “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Đi chơi Bờ Hồ”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”.
Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn |
Đúng như họa sĩ, nhà văn này từng nói: “Nếu coi cả đời tôi chỉ viết về một cuốn sách thôi, là cuốn sách về Hà Nội, thì cũng đúng”, ông miệt mài viết với một chủ đề duy nhất đó chính là thành phố nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt cả cuộc đời này. Đó là khoảng 30 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn như “Dằng dặc triền sông mưa”, “Mùi trần”, “Hát mãi một mình”, “Vắng mặt”…
Trò chuyện với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhà văn Đỗ Phấn cho biết nối tiếp dòng chảy ấy, năm nay NXB Trẻ sẽ tái bản cuốn tiểu thuyết “Mắt rỗng” và xuất bản cuốn tiểu thuyết mới cũng viết về Hà Nội của ông, đó là “Trần gian một chuyến”.
Rất tiếc, dù quy tụ rất nhiều tên tuổi với các cuốn sách nổi tiếng nhưng gần đây, “Tủ sách Hà Nội” cũng đã “đóng lại” bởi theo đại diện của đơn vị này thì do các đề tài không được đồng đều nên không thích hợp để đứng chung. Những cuốn sau này của NXB Trẻ in cũng về Hà Nội nhưng đứng độc lập.
Một số tác phẩm của nhà văn Đỗ Phấn |
Bên cạnh đó, các cuộc thi, các trại sáng tác văn học về Hà Nội cũng được mở ra, tiêu biểu là Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, trong giai đoạn ngắn hạn này, đây chỉ là "điểm trũng" tạm thời của văn chương viết về Thủ đô.
Trong sự vận động không ngừng của thế giới, hiện tại, các nhà phê bình nhận ra rằng mỗi tác giả đều chỉ có một nhóm độc giả của riêng mình; Sẽ không thể có những tác giả chinh phục được tuyệt đại đa số độc giả như thời trước. Trong bối cảnh đó, nhà văn càng phải vận động, nỗ lực không ngừng để tạo ra “từ trường” của riêng mình mà ở đó anh đóng vai trò là hạt nhân, thu hút tất cả những người quan tâm cùng một chủ đề về trung tâm. Vì thế, mỗi mảng đề tài chúng ta đều có những nhà văn xác lập được “vùng ảnh hưởng” của mình.
Với Hà Nội cũng vậy, ngày nay ta đã có những Đỗ Phấn, Trung Sỹ, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến và đặc biệt không thể không nhắc đến Nguyễn Trương Quý. Họ vẫn đang tâm huyết viết về Hà Nội của những ngày đã qua, trong ký ức và cả ngày hôm nay với góc nhìn rất riêng của mình.
Cuốn sách “Trẻ con có phải siêu nhân đâu (Và mẹ chúng cũng thế!)” của tác giả Hiền Nguyễn |
Nhà văn, PGS, TS lý luận phê bình Văn học Ngô Văn Giá cho biết văn chương ngoài ba giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ còn là để chúng ta giữ lại kí ức. Ông nhận định cũng đã có một số tác phẩm viết về Hà Nội trong thời đại dịch COVID-19 vừa qua nhưng thực sự chưa chưa đủ tầm để lưu giữ lại kí ức ấy. Bởi lẽ, mãi về sau này, dù ta có xem lại clip hay tiktok hay các phóng sự truyền hình với hình ảnh, âm thanh chân thực, sống động nhưng văn chương vẫn có cách kể câu chuyện theo đặc trưng của mình và khơi gợi rất nhiều cảm xúc của người đọc. |
Chẳng hạn, cuốn sách nhỏ “Trẻ con có phải siêu nhân đâu (Và mẹ chúng cũng thế!)” của tác giả Hiền Nguyễn viết về một gia đình (giống như bao gia đình khác) phải học, làm việc online tại nhà trong mùa dịch. Biết bao chuyện dở khóc, dở cười xảy ra nhưng đằng sau tất cả những bất tiện phát sinh ấy là sự thích ứng linh hoạt, là sự chấp hành nghiêm chỉnh, là sự tự điều chỉnh rất nhanh để an toàn và quan trọng nhất là gia đình có thêm những kỷ niệm, sự gắn bó bên nhau cùng vượt qua khó khăn chung.
Trong đó, có một câu chuyện vì mùa dịch nên không ai bán đèn Trung thu. Bố mẹ bọn trẻ nghĩ ra cách làm đèn bằng hộp xà phòng. Đó là một cách để chính bố mẹ chúng ôn lại tuổi thơ của mình thuở thiếu thốn khi xưa. Bọn trẻ con thì đương nhiên rất vui vì chiếc đèn lạ lẫm chúng chưa từng thấy bao giờ. Trong không khí rước đèn tưng bừng tại sân nhà ấy, có những đứa trẻ khác đi qua, thèm thuồng và “ăn vạ” mẹ vì không mua được đèn cho chúng. Thế là, những đứa trẻ trong nhà nhường đèn cho bạn. Đứa trẻ kia vội vàng cầm lấy chiếc đèn chạy nhanh vừa sợ tiếp xúc gần vừa sợ bạn đổi ý đòi lại.
Chỉ một chi tiết ấy thôi mà người đọc cay cay mắt. Có sự hồn nhiên của trẻ nhỏ, có sự nhường nhịn của người lớn, có cả sự chân thực và nét đẹp văn hóa rất Hà Nội trong những ngày rất nguy nan ấy. Có lẽ, chính bởi tinh thần lạc quan, luôn biết vượt lên nghịch cảnh, lan tỏa những giá trị nhân văn, khát vọng sống tốt đẹp mà người Hà Nội vững vàng qua chiến tranh khi xưa và dịch bệnh ngày nay. Vì lẽ đó, nhiều năm về sau này, những tác phẩm văn học vẫn có sức lay động và truyền tải những thông điệp vô cùng giản dị mà xúc động ấy.
Dù vậy, nhà văn Văn Giá vẫn mong muốn: “Cần phải có những tác phẩm dựng thành biên niên sử lớn về giai đoạn này của Hà Nội để người đời sau có cái nhìn tổng thể hơn về thành phố và con người trong biến cố lớn ấy”.
Ý thức, tài năng và khát vọng
Rõ ràng, văn học không phải là báo chí, văn học không chỉ vin vào hiện tượng mà lấy hiện tượng để nói về con người nên đừng cho rằng đề tài dịch bệnh là khô cứng, khó khăn. Nhà văn Văn Giá lấy ví dụ về tác phẩm nổi tiếng, gây kinh ngạc toàn văn đàn “Đinh Trang mộng” của nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc).
Trong cuốn tiểu thuyết tái hiện cảnh làng quê nhức nhối khi nạn dịch AIDS tràn qua, tác giả đưa vào đó biết bao vấn đề của thời cuộc. Đau đớn thế là thế, thời sự là thế nhưng cuốn tiểu thuyết cũng chất chứa đầy đủ những phẩm chất của tác phẩm văn chương lớn. Đứng trước sự rối reng của “án tử” khi cả làng chốc chốc lại có người chết vì lây nhiễm AIDS trong quá trình bán máu, bản chất con người với các mối quan hệ va đập vào nhau mang đến bao điều xót xa khiến độc giả rùng mình, căm phẫn.
PGS - TS Lý luận và nghiên cứu, phê bình Văn học Ngô Văn Giá |
Văn học là thế, đứng trước những hoàn cảnh điển hình sẽ có những nhân vật điển hình, mang đến giá trị, thông điệp điển hình. Việt Nam chúng ta cũng đã từng có những tác phẩm văn học nói về sự đổi thay của thời cuộc, của đổi mới như “Không có vua”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Ngõ lỗ thủng”…
Như vậy, không phải là thời sự không thể đưa vào văn chương mà vấn đề là ở chỗ nhà văn chọn cách khai thác như thế nào, góc nhìn như thế nào và có muốn viết hay không?
Nhà văn văn Giá cũng bày tỏ niềm tiếc nuối khi các nhà văn trong đó có cả ông không đủ tài năng, sức vóc để dựng nên những tác phẩm lớn bao quát một phần của đời sống thực đang diễn ra trong thế hệ mình.
“Đó là vấn đề thuộc về ý thức và tài năng, khát vọng”, nhà văn Văn Giá nhấn mạnh.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến lí giải việc chưa có những tác phẩm lớn tiêu biểu cho văn học viết về Hà Nội hiện nay là bởi giới trẻ đa phần quan tâm đến thế giới nhỏ, xoay quanh vấn đề nội tâm, những khúc mắc trong cuộc sống cá nhân, ít người đủ sức để phán ánh một cách rộng hơn, xây dựng nên những nhân vật có tính phổ quát, đại diện cho một thế hệ với những vấn đề của thành phố, của thế hệ.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến |
Theo đó, số lượng tác phẩm văn chương đã ít, nếu có thì lại chưa đạt được điều chính bản thân tác giả hay người trong giới văn chương kì vọng, do vậy, khó có những tác phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu của độc giả hay mang tính “để đời”, lưu truyền như những thế hệ trước đã đạt được.
“Hiện thực cuộc sống ở Hà Nội hiện nay có nhiều chất liệu để nhà văn viết tiểu thuyết, viết văn nhưng có nhiều vấn đề nên nhà văn chưa chọn hay nói cách thoái thác trách nhiệm xã hội của bản thân", Nguyễn Ngọc Tiến nhận định. Theo dõi tác phẩm của các bạn trẻ, ông nhận ra rằng họ chỉ mượn đô thị Hà Nội để kể về câu chuyện của bản thân, bạn bè chứ không đi vào lõi vào đời sống đô thị với những vấn đề mang tính thời đại của Hà Nội ngày hôm nay, vì thế không thể là một tác phẩm lớn được. "Làm được việc đó không dễ. Nên rất thiếu những tác phẩm biểu trưng cho đất Hà Nội, người Hà Nội hôm nay”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đúc kết. |
Trong khi đó, người viết báo, viết sách về Hà Nội khá nhiều nhưng thường là chắt lọc cảm xúc, chiêm nghiệm lại những gì đã qua chứ ít ai viết về ngày hôm nay. Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, đề tài, bối cảnh mới hay cũ, ngày hôm qua hay ngày hôm nay không quan trọng. Điều quan trọng là nhà văn dựa vào bối cảnh để nói cái gì trong tác phẩm ấy. Nhân lõi của tác phẩm vẫn phải là con người, tác động của xã hội với con người, con người ấy tiến bộ hay thụt lùi đi.
Ông cũng lấy ví dụ những tác phẩm lớn về Hà Nội như “Gặp gỡ cuối năm”, “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải và cho biết thập niên 70 - 80 của thế kỉ trước viết về Hà Nội với nhiều sự xung đột, đối chọi giữa thời bao cấp và đổi mới, tác phẩm dễ thành công hơn, dễ hay hơn.
Trong sự bộn bề của xã hội đô thị hiện đại ngày hôm nay cũng có vô vàn những vấn đề nổi cộm, có thể đi vào văn chương. “Tìm ra không khó nhưng quan trọng là tài năng, tâm huyết của nhà văn”, Nguyễn Ngọc Tiến thẳng thắn nhận định.
Dù vậy, theo ông, những tác phẩm nhỏ lẻ viết về Hà Nội có còn hơn không. Bởi nghìn cây thì mới tạo nên rừng, mỗi người mỗi giọng điệu riêng, góp chung cho sự nghiệp văn chương của mảnh đất này. Hơn nữa, trong rừng cũng phải có cây thấp, cây cao, cây đại thụ, cây ăn quả, cây làm bóng mát... Đừng chờ đợi tác phẩm đồ sộ hẳn thì mới viết. Trong quá trình viết chúng ta vẫn có thể tích lũy được vốn sống, kinh nghiệm và nuôi dưỡng đề tài để cho ra đời những tác phẩm lớn ở phía sau.
(Còn nữa)