Bài 1: Cô giáo truyền cảm hứng từ những bài giảng E - Learning
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta gọi đó là nghề trong sạch nhất…”
Đó là những câu ca người ta thường nói khi nhắc về nghề giáo. Trong thời đại công nghệ hiện nay, không chỉ có bảng đen, bụi phấn, các nhà giáo còn linh hoạt, sáng tạo ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong giảng dạy, kích thích sự sáng tạo của học trò và phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Chúng ta gọi đó là những nhà giáo 4.0.
Cô Nguyễn Thị Hồng cùng học sinh của mình trong tiết học STEM |
Biến hạn chế thành thời cơ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cụ, ông, bà, mẹ, các chị em đều làm nghề giáo, ngay từ nhỏ, ước mơ được đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen đã nhen nhóm trong suy nghĩ của cô Nguyễn Thị Hồng.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Giáo dục Tiểu học, cô Hồng về nhận công tác tại trường Tiểu học Tô Hiến Thành (huyện Đan Phượng, Hà Nội) rồi sau đó chuyển công tác sang Tiểu học Tân Lập. Tính đến nay, cô giáo trẻ đã có 14 năm tuổi nghề.
Chính vì đến với nghề bằng tình yêu, tâm huyết nên mỗi ngày đến trường của cô giáo trẻ thật sự là một ngày vui. Cô Hồng tâm sự: “Tôi tự thấy mình là người tâm huyết. Hết giờ làm hầu như không bao giờ tôi về nhà ngay. Trong các kỳ thi giáo viên giỏi hàng năm, hầu như năm nào tôi cũng thức đêm để hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng giáo án, thiết kế bài giảng PowerPoint, hướng dẫn cách truyền đạt, chốt kiến thức sao cho sâu, cho rõ”.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục, cô Nguyễn Thị Hồng nhận ra rằng, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp dạy học là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học và truyền cảm hứng học tập cho học sinh.
Luôn đam mê, không ngừng sáng tạo trong dạy học, cô Hồng đã khiến học sinh luôn hứng thú với mỗi giờ học |
Cô tâm sự: “Sinh ra từ làng, lại gắn bó từ những ngày ra trường với học sinh ở vùng nông thôn, tôi nhận thấy những thiệt thòi của các em so với bạn bè đồng trang lứa ở khu vực trung tâm thành phố. Ít có điện thoại thông minh, hạn chế hoặc không có máy tính để sử dụng, những thiết bị công nghệ hiện đại đối với nhiều học sinh là niềm ước mơ. Cũng vì sự không đủ đầy ấy khiến tôi nghĩ rằng, các em sẽ rất thích, đặc biệt đam mê nếu được truyền cảm hứng từ những bài học mới mẻ ấy”.
Thế là, từ cách đây rất nhiều năm, khi mà công nghệ thông tin chưa phổ biến và ứng dụng rộng rãi như hiện nay, cô Hồng đã nghĩ đến và thực hiện thiết kế bài giảng điện tử, bài giảng E - Learning, thành lập kho tư liệu gồm các bài giảng, kho clip quà tặng cuộc sống phục vụ cho các tiết học Đạo đức, Tiếng Việt, Kỹ năng sống... để truyền cảm hứng cho học trò và chia sẻ với đồng nghiệp.
Để khích lệ sự thi đua của học sinh, cô Hồng dùng phần mềm Classdojo trong quản lý, đánh giá. Những học sinh chăm chỉ, tích cực... sẽ được thưởng sao (điểm cộng: Chăm chỉ, tích cực, hăng hái phát biểu, giúp đỡ bạn...), điểm trừ (quên sách vở, nói chuyện, không làm bài...) Cuối tuần, cuối tháng những học sinh ngoan, học tốt, gương mẫu sẽ được cô giáo thưởng cho những món quà nhỏ để động viên.
Đặc biệt, trong thời điểm học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô giáo trẻ đã dùng các trò chơi hiện đại để tạo hứng thú cho học sinh bằng cách sử phần mềm kahoot.vn; nerpod.com; weel of name… Đáp lại sự nhiệt tình đổi mới của cô giáo, học sinh của cô Hồng vô cùng thích thú với những tiết học trực tuyến.
Không ngừng sáng tạo, đổi mới
Theo cô Hồng, một trong những hạn chế lớn nhất của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy là ngoại ngữ. “Do không biết nhiều về tiếng Anh mà các phần mềm sử dụng tiếng Anh nhiều khi tôi cứ vừa làm vừa nhờ Google dịch. Lúc đầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin để làm bài giảng E - Learning hoặc các phần mềm khác cũng mất nhiều thời gian”.
Để khắc phục những khó khăn này, sự chăm chỉ, chuyên cần là không thể thiếu. “Trăm hay không bằng tay quen”, cứ mỗi ngày nỗ lực hơn, tỉ mỉ hơn một chút, cô giáo trẻ dần dần đã trở nên thành thục các kỹ năng, thao tác trên máy tính và từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ.
Trong năm học 2019 - 2020, cô Hồng đã khai thác có hiệu quả các trang học tập trực tuyến: olm.vn; vio.edu.vn; hocmai.vn… Sử dụng có hiệu quả các tài nguyên của sách giáo khoa điện tử; Tạo bài giảng, phiếu bài tập online trên Google biểu mẫu giúp các tiết học trực tuyến trở nên sinh động, hấp dẫn đối với học sinh, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh.
Không chỉ vậy, cô Hồng cũng là người từng bước đưa giáo dục STEM vào giảng dạy tại lớp chủ nhiệm. Việc đưa giáo dục STEM vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học trò.
Các sản phẩm tái chế như: Sáng tạo tranh từ các loại hạt, làm nhà từ vỏ hộp sữa; Xây cầu, xây tháp từ ống hút, que tính; Thiết kế, chế tạo xe ô tô từ bìa cứng, bút chì, dây chun và vận hành xe chạy; Làm mô hình từ giấy, bìa để kể chuyện, học lịch sử, làm hệ thống tưới cây tự động bằng vỏ chai nhựa và dây truyền dịch; Thiết kế và biểu diễn thời trang từ giấy gói quà… đã giúp học sinh nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, giúp các em có được trải nghiệm thực tế, khám phá khoa học, phát triển ý tưởng sáng tạo của học sinh.
(Còn nữa)