Đưa học sinh dân tộc “chạm tay ra thế giới”, cô giáo Mường vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu
Cô giáo Hrê nặng lòng với các bé mầm non Bài 3: Cô giáo Nùng dạy trẻ câm điếc giữa lòng Hà Nội Bài 2: Hành trình 20 năm dành tình thương cho trẻ tự kỷ |
Ngày 11/11, tổ chức Varkey Foundation đã công bố danh sách top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Trong đó, Việt Nam lần đầu tiên có một giáo viên được xướng tên là cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Cô Hà Ánh Phượng |
Trước đó, tháng 3/2020, cô Hà Ánh Phượng đã được Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020. Cô Phượng là giáo viên thứ ba của Việt Nam lọt top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu, sau cô Trần Thị Thúy (giáo viên Trường Trung học phổ thông Đức Hợp, Hưng Yên). Từ top 50 giáo viên này, Varkey Foundation sẽ lựa chọn và vinh danh 10 giáo viên xuất sắc nhất.
Nhận được kết quả này ngay trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Phượng bật khóc, bởi “điều này không chỉ có ý nghĩa với bản thân tôi mà còn có ý nghĩa với rất nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là những người thầy ở vùng khó”.
Điều đặc biệt, cô Phượng là giáo viên ở một trường miền núi, nơi có 85% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Sinh ra từ vùng quê nghèo tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng rất thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ. Vì thế, ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho các em học sinh ngay tại chính quê hương mình đã được Phượng ấp ủ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để thực hiện ước mơ của mình, Phượng đã quyết định theo học tại Đại học Hà Nội. Tốt nghiệp thạc sỹ ngành sư phạm tiếng Anh với tấm bằng loại giỏi, Phượng được một công ty nước ngoài mời về làm với mức lương hấp dẫn nhưng cô đã từ chối để trở về quê hương thực hiện ước mơ của mình.
Cô Hà Ánh Phượng cùng học sinh của mình trong một tiết học "xuyên biên giới" |
Những ngày giảng dạy tại Trường THPT Hương Cần, cô Phượng thấy rõ hạn chế và thiệt thòi của học sinh miền núi quê mình với các học sinh ở vùng khác do ít có cơ hội luyện tập tiếng Anh với người nước ngoài. Không có điều kiện thực hành, các em rất yếu về kỹ năng nghe và nói, hiểu biết về văn hóa nước ngoài càng hạn chế. Sự tự ti vì thế càng lớn hơn và các em không có hứng thú với môn học ngày.
Với mong muốn giúp học sinh học ngoại ngữ, cô Phương đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế. Cô tìm mọi cách để kết nối học sinh mình với học sinh nước ngoài, để các em có cơ hội giao tiếp, nói tiếng Anh. Với mạng internet, cô Phượng đã ứng dụng công nghệ thông tin để mở ra những lớp học không biên giới, kết nối lớp học của mình với các lớp học ở nhiều trường trên toàn cầu qua skype.
Quan niệm “khi thầy cô thay đổi, học sinh sẽ thay đổi’, ngoài việc áp dụng công nghệ thông tin, cô Phượng còn sáng tạo cách dạy học mới qua phim ảnh, dự án. Cô cũng lập một kênh Youtube riêng để dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em.
Từ những học sinh nhút nhát, từng “cúi gằm mặt xuống khi nhìn thấy một thầy giáo Tây xuất hiện trên màn hình; đùn đẩy nhau nói chuyện và chỉ dám vẫy tay chào “Hello”, giờ đây đã có thể tự tin giao tiếp với những người bạn ngoại quốc. Điều quan trọng mà tôi nhận lại là khả năng ngoại ngữ, sự tự tin, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, sự phát triển tư duy và ứng dụng công nghệ thông tin của các em được tăng lên với những khao khát cháy bỏng được trở thành công dân toàn cầu,” cô Phượng chia sẻ.
Cô cũng trở thành người truyền cảm hứng về ứng dụng công nghệ thông tin khi thường xuyên đi giới thiệu mô hình “lớp học xuyên biên giới” để nhiều giáo viên khác tại các địa phương cũng có thể thực hiện được.
Với những thành tích nổi bật, cô Hà Ánh Phượng đã vinh dự là một trong 24 gương mặt điển hình được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục năm 2020.