Bài 1: Con thuyền đưa ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp cập bến
Anh Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
“OCOP là sân chơi dành cho cộng đồng kinh tế ở nông thôn, trong đó có thanh niên. Là đối tượng trẻ có trình độ văn hóa, tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm cùng với sự đa dạng của OCOP, thanh niên sẽ nhận diện rõ hơn về tiềm năng phát triển sản phẩm của địa phương”, anh Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhận định.
Hàng trăm sản phẩm nông sản được nâng tầm
Theo số liệu báo cáo (tháng 12/2017) của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương , hiện cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp, chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm 2.584 sản phẩm; đồ uống 1.041 sản phẩm; thảo dược 231 sản phẩm; vải may mặc 186 sản phẩm; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí 580 sản phẩm; dịch vụ du lịch 201 sản phẩm. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đầu có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Thế nhưng, thực tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt chưa phát huy được giá trị kinh tế thực sự xứng đáng với tiềm năng. Thậm chí, có một thời gian dài, người tiêu dùng không còn niềm tin ở nông sản Việt, để rồi chấp nhận mua hàng nhập ngoại với mức giá cao. Vì thế, nông sản Việt cần “gắn sao”, để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nông sản trong nước, nâng cao năng suất, cũng như đời sống người nông dân.
Xuất phát từ thực tiễn đó cùng với những kết quả tích cực bước đầu trong triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tại Quảng Ninh, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP) triển khai trên phạm vi cả nước.
Anh Ngô Tất Thắng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho hay: “Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chương trình xác định 6 nhóm sản phẩm hàng hoá, dịch vụ gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm- nội thất- trang trí, vải- may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế”.
Từ chương trình này, hàng trăm sản phẩm được nâng tầm, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú. Anh nông dân Nịnh Văn Trắng ở huyện nghèo Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ. Từ chỗ chưa nói sõi tiếng Việt, anh đã biết khai thác lợi thế cây Trà hoa vàng, các sản vật nông sản địa phương để vươn lên làm giàu, giao dịch rộng khắp cả vùng. Hiện, doanh thu công ty của anh thu về hàng tỷ đồng/năm.
Cơ hội làm giàu bền vững
Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Nhiều bạn trẻ đã nung nấu những ý tưởng khởi nghiệp cho riêng mình. Tuy nhiên, đa phần các dự án khởi nghiệp đều khó hoặc không thành công, nguyên nhân chính là các dự án chưa sát thực tế, chưanắm bắt được nhu cầu thị trường, không tìm được đầu ra của sản phẩm cũng như cách xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, đặc biệt là thiếu kiến thức quản trị sản xuất kinh doanh…
Vì vậy, chương trình OCOP đã đưa ra phương pháp,, cách làm hỗ trợ một cách tổng thể theo suốt quá trình thực hiện phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, theo suốt quá trình học tập, thực hành quản trị sản xuất của các chủ hộ sản xuất. Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
Chương trình OCOP được triển khai theo Chu trình gồm 6 bước, bắt đầu từ bước tiếp nhận đề xuất ý tưởng sản phẩm và theo khả năng thực tế của các hộ sản xuất (cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp). Trong đó, quan trọng là bước thi đánh giá và phân hạng sản phẩm.
Cụ thể, sau khi đưa ra ý tưởng phát triển sản phẩm, người dân sẽ gửi phiếu đề xuất tới cơ quan thường trực OCOP ở địa phương. Cơ quan quản lý sẽ tiếp nhận phương án, dự án/ kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức tập huấn, đào tạo giúp họ hoàn thiện phương án, dự án/ kế hoạch sản xuất kinh doanh đảm bảo tính khả thi, hỗ trợ triển khai dự án bằng các hoạt động tư vấn tại chỗ về quản trị, về phát triển công nghệ, về hỗ trợ vay vốn… Sau đó, hệ thống quản lý chương trình OCOP tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh, quốc gia và cuối cùng là hỗ trợ xúc tiến thương mại.
“Các chủ hộ sản xuất có ý tưởng, dự án được phê duyệt sẽ được hỗ trợ tập huấn, đào tạo về kiến thức, phương pháp triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nội dung tập huấn, đào tạo bao gồm: Kiến thức hình thành doanh nghiệp, hợp tác xã, kiến thức quản trị sản xuất, tiếp thị, nghiên cứu phát triển sản phẩm, tài chính doanh nghiệp nâng cao. Tiếp đó, các chủ thể sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn triển khai với các hoạt động chính như kiện toàn tổ chức kinh tế, huy động nguồn lực ( đối tác, thị trường, vốn…), hoàn thiện quy trình công nghệ…”, anh Thắng cho biết thêm.
Sản phẩm rượu Bâu truyền thống của người Dao Thanh Y đã vượt ra khỏi “lũy tre làng” nhờ sự hỗ trợ từ chương trình OCOP. Khi về xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, nhận thấy sản vật của vùng này là rượu Bâu, một thức uống truyền thống của dân tộc Dao Thanh Y. Ý tưởng về thương mại hóa sản phẩm rượu Bâu đã được các cán bộ OCOP huyện Hoành Bồ gợi ý cho cộng đồng nơi đây. Công ty Cổ phần Phát triển sản phẩm bản địa Bằng Cả đã được thành lập. Ban lãnh đạo công ty đã được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức trình độ quản trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất rượu Bâu, đồng thời việc hỗ trợ cơ sở vật chất về nhà xưởng, thiết bị được thực hiện đồng thời.
Từng bước, sản phẩm rượu Bâu đã được đóng chai theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhãn mác bao bì phù hợp và đẹp mắt. Sản phẩm đã được thị trường trong huyện, rồi đến cả thị trường trong tỉnh đón nhận tích cực. Câu chuyện này cho thấy, kể cả những người dân có trình độ thấp ở vùng sâu vùng xa vẫn có thể tham gia và làm giàu được từ chương trình OCOP.
Du khách được mời thưởng thức đặc sản rượu Bâu tại xã Bằng Cả (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chương trình OCOP chính là cơ hội để các bạn trẻ tận dụng khởi nghiệp, làm giàu từ chính quê hương họ . Vấn đề là các bạn có đủ tự tin và đủ tâm huyết để làm hay không?. Như lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì khởi nghiệp từ nông nghiệp quan trọng nhất là khát vọng của các bạn trẻ với mỗi vùng miền bên cạnh điều kiện khó khăn còn có nhiều thuận lợi. Vì vậy, trong quá trình khởi nghiệp, các bạn cần phải lựa chọn lợi thế về nông sản của địa phương để đầu tư thành công.
Ai cũng muốn làm giàu, nhất là thế hệ trẻ nhưng tại sao luôn là các ngành công nghệ, dịch vụ, kinh doanh? Nếu như bạn đang đau đáu về những kế hoạch làm giàu bền vững hoặc hoài nghi về những dự định, kế hoạch mơ hồ cho tương lai thì hãy thử một lần, suy nghĩ đi, bạn có thể làm gì với nông nghiệp từ chương trình OCOP.