Tag

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Người Hà Nội 29/05/2023 09:09
aa
TTTĐ - Không chỉ kế thừa, phát huy, thổi những luồng sinh khí mới nhằm vực dậy nghệ thuật truyền thống mà bằng sự sáng tạo độc đáo, những lối đi riêng kiên trì, bền bỉ của mình, các nghệ nhân Hà thành đang tạo nên những lối nhỏ để lan tỏa văn hóa Hà Nội, văn hóa Việt Nam. Lối nhỏ nhưng hiệu quả không nhỏ bởi họ mang trong mình tình yêu mãnh liệt với di sản cha ông để lại.
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân

Bài 1: Nghệ nhân già bền bỉ với nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao

Trời cuối tháng 5 nóng như đổ lửa, vòng ngoài, đám đông vẫn hò reo cổ vũ, thích thú chen lấn nhau. “Ông hổ, ông hổ kìa”, “Ông hổ quỳ kìa”, “Ông câu dẻo quá”…

Ông Hổ đầy uy dũng trong hát múa Ải Lao
Ông Hổ đầy uy dũng trong hát múa Ải Lao
Ông hổ trong đám rước (Ảnh: NSNA Trần Nhân Quyền)
Ông hổ trong đám rước (Ảnh: NSNA Trần Nhân Quyền)
Bài 1: Nghệ nhân già bền bỉ với nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao
Ảnh: NSNA Trần Nhân Quyền

Những tiếng trầm trồ cùng tiếng vỗ tay tán thưởng không dứt. Phía trong sân khấu, các ông hổ, ông câu tiến lùi, nhảy, vung đuôi... lúc uy dũng lúc mềm mại nhịp nhàng, uyển chuyển theo hiệu lệnh của trống. Tiếng sênh, tiếng hát vang lừng… Tất cả hòa quyện vào nhau thành buổi trình diễn nghệ thuật độc đáo hát múa Ải Lao.

“Phi Ải Lao bất thành hội Gióng”, hội Gióng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) độc đáo hơn, đặc sắc hơn cũng chính bởi những nghệ nhân già bền bỉ giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Thành tâm hầu thánh

Hết ngày mùng 9/4 Âm lịch, sau 3 ngày hội rộn rã, trình diễn nốt tiết mục cuối cùng, ông Ngô Văn Nhịp (68 tuổi) lột tấm áo dày cộp, cởi bỏ chiếc đầu hổ nặng trĩu. Người ướt sũng, đầu tóc bết lại, vuốt từng giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, ông Ngô Văn Nhịp nở nụ cười mãn nguyện.

Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật hát múa Ải Lao
Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật hát múa Ải Lao

Các nghệ nhân khác cũng lần lượt trút bỏ y phục hóa trang, thu xếp đạo cụ. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao đến lúc này mới yên tâm hoàn toàn. “Một mùa hội nữa lại thành công. Ơn Thánh, chúng con thành tâm hầu Thánh mong ngài chứng giám”, nghệ nhân năm nay 76 tuổi thầm khấn trong dạ.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh - Trưởng phường hát múa Ải Lao

Mệt nhưng sảng khoái, lâng lâng trong lòng, đó là tâm trạng chung của hơn 30 thành viên phường múa Ải Lao. Bởi với họ, đây là công việc mang ý nghĩa tâm linh, tự nguyện tự giác, vừa là việc làng việc chạ, cũng là để gìn giữ một nghệ thuật độc đáo không đâu có của quê hương Hội Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Điều tuyệt vời hơn nữa, suốt 3 ngày hội nóng bức như vậy, những màn trình diễn của họ luôn nhận được sự tán thưởng, cổ vũ của đông đảo Nhân dân. Điều đó cho thấy, giữa bao loại hình giải trí mới mẻ, hiện đại, múa Ải Lao vẫn có giá trị truyền thống vững bền của mình, vẫn thu hút được người xem như cả ngàn năm nay.

Hát múa Ải Lao là nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo được thực hiện để hát thờ Thánh Gióng. Hát múa Ải Lao được duy trì, trao truyền từ nhiều đời nay, chứa đựng những giá trị về lịch sử, nghệ thuật, tâm linh và xã hội. Các nghi lễ trong Hội Gióng sẽ không thực hiện được nếu không có sự tham gia trình diễn của phường Ải Lao.

Vì thế, hát và múa Ải Lao là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể của Hội Gióng để năm 2010, UNESCO ghi danh “Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau đó, hát và múa Ải Lao được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Năm 2022, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian cho cụ Nguyễn Văn Lũy, ông Nguyễn Văn Giang, ông Nguyễn Bá Trản, ông Ngô Văn Nhịp.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh cho biết, các cụ cao niên ở làng Hội Xá hiện nay vẫn kể câu chuyện sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân và bay về trời, mẹ ngài buồn vì không thấy con về nữa, đoàn trẻ chăn trâu đã đến múa hát cho bà vui.

Các bài hát, điệu múa kể lại câu chuyện Thánh Gióng đi đánh giặc, có màn đánh hổ, có tích ông câu cá, có cả đoàn trẻ chăn trâu với những bài hát vui nhộn... Múa và hát Ải Lao ra đời từ đó.

Trong suốt ngàn năm tồn tại của mình, hát múa Ải Lao cũng từng trải qua nhiều thăng trầm. Giai đoạn 1945 - 1954, hội Gióng không được tổ chức nên phường Ải Lao không hoạt động. Đến năm 1955, ông Nguyễn Văn Lũy (sinh năm 1922) cùng với một số trai đinh trong làng vốn đã được trải nghiệm hội Gióng và hát Ải Lao đã khôi phục lại phường. Dù vậy, hội Gióng lại tiếp tục bị gián đoạn. Mãi đến năm 1982, khi hội Gióng ở Phù Đổng được khôi phục thì phường Ải Lao cũng bắt đầu hoạt động trở lại cho đến ngày nay.

Hiện nay, số lượng các thành viên trong phường luôn duy trì từ 25 đến 30 người. Tất cả các thành viên đều tham gia với tinh thần tự nguyện, vì “đây là công việc hầu thánh”. Có lẽ bởi vậy nên tất cả họ đều thành tâm dù đây không hề là công việc dễ dàng mà thậm chí còn vô cùng khó khăn, nặng nhọc.

Ông Nguyễn Bá Trản năm nay đã 75 tuổi, cho biết: “Đào tạo người đóng ông hổ rất vất vả. Ông hổ vừa phải biết múa, vừa phải to, khỏe vì hội là hội trận, phải chạy chứ không phải đi thủng thẳng. Đường xa, trời nắng nóng, phải có sức khỏe thì mới đảm đương được 3 ngày hội”.

Lau thêm lượt mồ hôi, ông Ngô Văn Nhịp, người đóng vai ông hổ gật đầu xác nhận lời phó phường phụ trách nghệ thuật. Rồi ông kể mình học múa hổ từ cậu - người đã từng đóng vai này trước đây. Hổ là vai chính của hát múa Ải Lao nên độ khó và độ tinh thông phải rất cao.

Nghệ nhân đóng vai ông hổ cao to hơn hẳn người thường và có sức khỏe mới đảm đương được công việc nặng nhọc này
Nghệ nhân đóng vai ông hổ cao to hơn hẳn người thường và có sức khỏe mới đảm đương được công việc nặng nhọc này

5 năm đầu ông chỉ được đóng vai rước, tức là mặc lốt hổ đi theo đoàn rước hội chứ không được múa. Đầu hổ được làm bằng gỗ mít, nặng khoảng 4kg. Người đóng vai ông hổ phải dùng răng cắn vào thanh tre để giữ đầu hổ. Trang phục của ông hổ trước đây được làm bằng vải diềm bâu (một loại vải thô, dày). Người ta nhuộm vàng vải bằng quả dành dành với nghệ, sau đó dùng mực tàu để vẽ hoa văn hổ.

Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp
Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp kể về việc đóng vai ông hổ

Tuy nhiên, vẽ bằng mực Tàu thì sau một thời gian sử dụng, mực bị nhòe nên người ta chuyển sang sơn lên vải. Do lớp sơn dày nên rất nóng, nhất là hội Gióng lại diễn ra vào mùa hè, thời tiết nóng nực, nên người đóng vai ông hổ phải có sức khỏe thì mới trụ được. 5 năm đó, “hổ tập sự” phải vừa rèn luyện sức khỏe và tính kiên trì, đến khi thành thạo và vẫn tiếp tục mong muốn được đóng hổ thì mới trở thành người diễn chính.

Những động tác cơ bản của ông hổ là tiến, lùi kết hợp với các động tác tay nhưng cũng rất khó. Mỗi bước đi của ông hổ phải dứt khoát, vung tay đằng trước thể hiện sự cường tráng, chân đứng uy nghi, vung đuôi mềm mại.

Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp cần mẫn khâu chiếc lốt hổ - đạo cụ gắn bó với mình nhiều năm nay
Nghệ nhân Ngô Văn Nhịp cần mẫn khâu chiếc lốt hổ - đạo cụ gắn bó với mình nhiều năm nay

Ông Nguyễn Bá Trản kể thêm, trước đây đã may mắn được chứng kiến 3, 4 người đóng ông hổ và mỗi ông lại có điệu múa riêng, tự sáng tạo trên nền cơ bản. Giờ đây, ông gom những cái hay của mỗi ông hổ để truyền dạy lại cho người đi sau. Trong phường bây giờ luôn phải đào tạo hai ông hổ, hai ông câu để có thể thay phiên nhau biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Trản
Nghệ nhân Nguyễn Bá Trản

Tương tự như vậy, người đóng ông câu cũng phải thể hiện được sự mềm mại, tình tứ, uyển chuyển của mình. Điều đặc biệt nhất, tất cả đều phải kiên trì tập đi luyện lại trên tinh thần hiểu biết và mong muốn giữ gìn môn nghệ thuật độc đáo này. Vì vậy, dù cũng đã có tuổi nhưng các nghệ nhân đều hăng hái làm gương, tham gia trình diễn cũng như duy trì phường để con cháu trong vùng học tập, noi theo.

Nghệ thuật hát múa và kịch trường cộng đồng độc đáo

Các nghệ nhân kể có tất cả 12 bài hát được phường Ải Lao trình diễn trong suốt những ngày hội Gióng. Tất cả những bài hát này đều được truyền khẩu từ ngàn năm nay. Tùy theo nghi lễ và địa điểm khác nhau mà những bài hát được biểu diễn cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

Trước hết, đó là những bài hát nghi thức để ca ngợi Đức Thánh Gióng, được hát trong đền thờ ngài. Trên đường rước hội và lúc trở về là những bài hát miêu tả cảnh hội hè, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh sinh hoạt của những người nông dân.

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Phường Ải Lao hát trong đền, phụ họa cho những điệu múa và vừa đi vừa hát. Người hát tự giữ nhịp với những sênh tre. Đặc điểm nổi bật của bài hát Ải Lao là từ các bài thơ 4 chữ, 6 chữ và 8 chữ được chuyển sang lời hát bằng cách lặp từ và thêm các từ đệm. Người ta thêm các hư từ vào câu thơ để tạo nhịp và duy trì sự hài hòa cho bài hát. Những từ đệm này không làm thay đổi ý của câu hát.

Múa Ải Lao có 2 điệu chính là múa hành lễ và múa nghi lễ. Múa hành lễ được thực hiện đầu tiên khi làm lễ ở trước bàn thờ thánh. Thực sự, đây là một điệu múa dâng thần.

Múa nghi lễ là múa kết hợp với hát. Múa hổ luôn là điệu múa trung tâm.

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Hiện nay, phường Ải Lao vẫn thực hành thường xuyên nghệ thuật hát và múa trong hội Gióng. Nếu như trước đây, hát và múa Ải Lao chỉ biểu diễn ở hội Gióng thì hiện nay Ải Lao còn biểu diễn ở hội làng Hội Xá (mồng 8 tháng 2 Âm lịch), hội làng Đổng Xuyên (mồng 8 tháng 8 Âm lịch) và một số lễ hội của thành phố, quốc gia.

Người tham gia phường Ải Lao đều phải trai đinh của các giáp, ngoại tộc không được vào phường. Hiện nay, các thành viên của phường Ải Lao đều từ 35 tuổi trở lên, nhiều người trên 60 tuổi. Trong đó, cụ Nguyễn Văn Lũy hiện hơn 100 tuổi vẫn là một tấm gương sáng với hơn 80 năm cống hiến và truyền dạy múa Ải Lao. Nghệ nhân Nguyễn Văn Giang năm nay cũng đã 91 tuổi.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hinh cho biết, việc truyền dạy Ải Lao chủ yếu vẫn là truyền khẩu. Lời bài hát các thành viên tự học thuộc sau đó sẽ tập hát chung với cả phường. Các điệu múa hổ, múa câu cá được truyền dạy trực tiếp.

Nỗi trăn trở của những người trong phường Ải Lao là mỗi năm có ít cơ hội biểu diễn gây khó khăn cho họ, nhất là những người cao tuổi trong việc thuộc lòng các bài hát. Hơn nữa, việc trẻ hóa phường Ải Lao để giúp tăng cường tính nghệ thuật của nghệ thuật biểu diễn đang trở thành nhu cầu cấp bách.

Vì thế, trưởng đoàn hát múa Ải Lao chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn vận động thanh niên trong làng tham gia học tập, rèn luyện thành thạo những bài hát, điệu múa của nghệ thuật Ải Lao; Đưa họ vào làm thành viên của phường để thay thế những người lớn tuổi hiện nay”.

Ông cũng cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật hát múa Ải Lao, nhất thiết phải có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần.

Những lối nhỏ lan tỏa văn hóa Việt

Một trong những việc làm có ý nghĩa quan trọng nhất ở thời điểm hiện nay là nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một bộ tài liệu về các bài hát Ải Lao do Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện có tiêu đề: “Các bài hát Ải Lao xưa và nay”.

Cuốn sách này sẽ là tài liệu có ý nghĩa và được sử dụng lâu dài cho việc bảo tồn di sản hát và múa Ải Lao. Ý nghĩa của tập tài liệu này ở chỗ, đây là lần đầu tiên hát và múa Ải Lao có một tập tài liệu với đầy đủ 12 bài hát được sử dụng trình diễn ở hội Gióng. Đây cũng lần đầu tiên trong cuốn tài liệu này xuất bản nguyên tác bài thơ và cả lời hát đã được chuyển thể từ thơ. Điều này giúp ích rất nhiều cho hoạt động luyện tập của các thành viên hiện tại và tương lai của phường Ải Lao.

Các thành viên trong phường có một cuốn tài liệu cẩm nang như một công cụ để có thể chủ động việc học và thao tác luyện tập, học thuộc bài thơ và thuộc cả bài hát, cách hát. Cuốn sách với ghi chép ở thời điểm này cho phép trong tương lai sẽ không còn sự tam sao thất bản khi chỉ truyền dạy theo cách truyền miệng xưa.

(Còn nữa)

Đọc thêm

LIXIL ALP Pavilion 2023 - 2024: Nét “chấm phá” trẻ trung trong đô thị Người Hà Nội

LIXIL ALP Pavilion 2023 - 2024: Nét “chấm phá” trẻ trung trong đô thị

TTTĐ - Tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm vừa diễn ra Triển lãm LIXIL ALP Pavilion. Triển lãm trưng bày kết quả của 5 đề tài nghiên cứu trong chương trình LIXIL ALP 2023 - 2024, mang đến những giải pháp sáng tạo cho bài toán "Trẻ hóa đô thị" tại Việt Nam.
Tài năng trẻ góp công sức và tình yêu sáng tạo cho thành phố Nhịp điệu cuộc sống

Tài năng trẻ góp công sức và tình yêu sáng tạo cho thành phố

TTTĐ - Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay, các tài năng trẻ có mặt ở khắp các nhóm từ nghệ sĩ, kiến trúc sư, giám tuyển đến điều phối viên... đang ngày đêm miệt mài làm việc, cống hiến sức lực cho sự thành công của sự kiện. Thông qua đó, tinh thần sáng tạo trẻ được khơi dậy, lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng khu dân cư phát triển Người Hà Nội

Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng khu dân cư phát triển

TTTĐ - Chiều 16/11, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.
Thích thú trải nghiệm “những lần đầu tiên” hiếm có của Hà Nội Người Hà Nội

Thích thú trải nghiệm “những lần đầu tiên” hiếm có của Hà Nội

TTTĐ - Diễn ra trong 9 ngày (từ 9/11 - 17/11), Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có.
Bài toán về xây dựng Công viên văn hóa ven sông Hồng Người Hà Nội

Bài toán về xây dựng Công viên văn hóa ven sông Hồng

TTTĐ - Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đã có quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Song, hiện tại, để “giấc mơ” Công viên văn hóa đa chức năng ven sông Hồng thành hiện thực, rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.
Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thủ đô có ý nghĩa quan trọng Người Hà Nội

Văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thủ đô có ý nghĩa quan trọng

TTTĐ - Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thực thi luật, giúp các quy định pháp luật thực sự đi vào đời sống.
Tỏa sáng tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và đạo làm người Người Hà Nội

Tỏa sáng tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và đạo làm người

TTTĐ - “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời của cha ông ta trong thời hiện đại càng được người Hà Nội phát huy, tỏa sáng, thể hiện tinh thần hiếu học, đề cao tri thức và đạo làm người.
Thầy nêu gương, trò chuẩn mực Người Hà Nội

Thầy nêu gương, trò chuẩn mực

TTTĐ - Trong những mái trường tại Hà Nội, văn hóa ứng xử có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo để nhân lên những việc làm tốt, hành động đẹp, giáo dục nếp sống cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng hình ảnh con người Thủ đô đẹp và văn minh hơn.
Đường sắt tốc độ cao: Cần tăng cường nguồn lực tư nhân Giao thông

Đường sắt tốc độ cao: Cần tăng cường nguồn lực tư nhân

TTTĐ - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn Nhà nước huy động thì cần tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân để làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Thanh Trì văn minh, hiện đại Người Hà Nội

Phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Thanh Trì văn minh, hiện đại

TTTĐ - Tối 12/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng cộng đồng dân cư Thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Cùng dự có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và lãnh đạo huyện Thanh Trì.
Xem thêm