Bài 1: Sinh hoạt “hai chiều” còn nặng tính hình thức
Di tích nhà số 5D Hàm Long - nơi đồng chí Ngô Gia Tự và 7 đồng chí khác thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3/1929).
Bài liên quan
Hà Nội: nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng
Hà Nội nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến...- Bài 3: Cần có những công dân thông minh
Hà Nội nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến- Bài 2: Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
Hơn 18 năm thực hiện, việc đảng viên sinh hoạt “hai chiều” tại Hà Nội vẫn chưa mang lại hiệu quả thực chất; công tác quản lý, giám sát đảng viên tại nơi cư trú còn lỏng lẻo.
Thực hiện Quy định 76 đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đối với việc đánh giá, nhận xét đảng viên tại nơi cư trú; giúp cấp ủy nơi công tác đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm; tạo thêm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Dù vậy, việc thực hiện quy định này tại Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Nổi lên là các buổi sinh hoạt định kỳ giữa cấp ủy nơi cư trú với đảng viên có nơi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, nội dung nghèo nàn.
Họp… để xong nghĩa vụ
Hàng năm, các đảng viên đương chức đều được mời dự họp với chi bộ nơi cư trú để nghe thông báo về tình hình hoạt động của địa phương, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cần thực hiện; qua đó đóng góp ý kiến về các giải pháp hiệu quả để chi bộ và phường hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đó.
Tuy nhiên, khi làm cuộc thăm dò “bỏ túi” đối với các “đảng viên 76” về việc sinh hoạt tại địa phương, hầu hết những đảng viên được hỏi cho biết, mỗi năm họ được cấp ủy địa phương mời họp hai lần vào giữa năm và gần Tết. Nội dung họp là thông báo tình hình của địa phương và vận động đóng góp kinh phí cho các chương trình hoạt động của phường.
Bởi vậy, nhiều nơi có tình trạng, dù tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm đảng viên là công chức, viên chức đang công tác thì những gì mà chi bộ nơi cư trú nhận được chỉ là các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội. Đối với các đảng viên, sinh hoạt đảng tại nơi cư trú chỉ để “cho xong nghĩa vụ”. Thực tế ấy không chỉ cá biệt ở một nơi nào mà diễn ra ở nhiều chi bộ xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nội dung không phong phú
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều phường, xã, dù đã mời đảng viên dự họp đầy đủ nhưng nhiều cuộc họp chưa tới 50% số đảng viên có mặt. Điều này cho thấy, đảng viên “thờ ơ” với hoạt động của tổ chức Đảng nơi cư trú. Cá biệt, có gia đình nhiều đảng viên lại thường cử một người tham gia họp theo kiểu "đại diện". Số ít các nơi, đảng viên có ý thức tham gia sinh hoạt thì trong các cuộc họp gần như không phát biểu ý kiến.
Nguyên nhân cũng bởi do một phần nội dung sinh hoạt “đảng viên 76” thường được điều hành cứng nhắc, không phong phú. Nội dung các cuộc họp rất đơn điệu, với phần đầu là bí thư chi bộ thông qua báo cáo của Đảng bộ phường về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Đến phần thảo luận, góp ý cũng rất ít đảng viên phát biểu, vì “sợ mất thời gian của mọi người”. Cuối cuộc họp, đại diện Đảng ủy phường lên phát biểu vài câu và tuyên bố kết thúc. Có nơi, hội nghị “đảng viên 76” thường diễn ra với tinh thần “vui là chính”. Nhiều hội nghị trở thành nơi góp vui lời ca tiếng hát của các đảng viên lớn tuổi, với phần văn nghệ diễn ra quá nửa.
Một buổi sinh hoạt chi bộ hai chiều ở Chi bộ tổ dân phố 20 phường Giang Biên, quận Long Biên. (Ảnh mang tính minh họa) |
Đại diện cấp ủy phường nếu có về dự sinh hoạt cũng chưa gợi mở được vấn đề cần đóng góp, chưa thể hiện tốt vai trò cấp ủy, do vậy không phát huy được nguồn lực đội ngũ đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện khi có ý kiến đóng góp từ đảng viên về dự sinh hoạt, cấp ủy phường chỉ biết “cảm ơn và ghi nhận” mà không có phản hồi tích cực nào khác. Nhiều đảng viên bức xúc khi những vấn đề thực tế nơi sinh sống được phản ánh đều không được giải quyết đến nơi đến chốn. Sau nhiều lần như thế, họ không còn muốn đóng góp nữa.
Ít đảng viên coi trọng
Anh Đặng Thanh Tú, một đảng viên trẻ, sinh hoạt Đảng hai chiều tại nơi cư trú hơn một năm chia sẻ, từng rất háo hức với cuộc họp chi bộ tại nơi sinh sống nhưng khi dự rồi mới thấy không hề như hình dung. Một hội nghị có những trao đổi thẳng thắn về trách nhiệm của đảng viên với công việc chung, phản ánh tình hình đời sống dân sinh trong không khí dân chủ, nói thẳng, nói thật… hóa ra chỉ có trong tưởng tượng. Thực tế, các đảng viên tham gia sinh hoạt chỉ để bảo đảm điều kiện nhận xét cuối năm. Họ không phát biểu, thậm chí chẳng ai để tâm đến tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn. Vậy là, nương theo số đông, anh Tú cũng chỉ tham gia sinh hoạt cho đúng quy định.
Khác với anh Tú, nhiều đảng viên không coi trọng việc sinh hoạt đảng tại nơi cư trú. Quá trình tiếp xúc với các “đảng viên 76”, bà Nguyễn Thị Hồng Quế, chi ủy viên Chi bộ 2, phường Ðồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, cho biết: “Vẫn còn trường hợp “đảng viên 76” chưa thật sự tôn trọng cơ sở. Không chỉ bỏ dự sinh hoạt, nộp chậm phiếu tự nhận xét của ban công tác mặt trận, mà có đảng viên còn nhờ người thân đến Ðảng ủy phường xin xác nhận… Tất cả những việc này sau khi cấp ủy cơ sở góp ý, phê bình, “đảng viên 76” mới rút kinh nhiệm.
Quy định 76 của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú quy định trách nhiệm của đảng viên nơi cư trú:
Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công tác xã hội ở nơi cư trú, các quy định của xóm, tổ dân cư.
Tích cực tham gia các cuộc họp (nếu có) do đại diện cấp ủy phường, xã hoặc chi ủy nơi cư trú triệu tập; góp ý kiến với chi ủy, Đảng ủy ở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương.
Hàng năm hoặc khi cần thì báo cáo với chi ủy, chi bộ nơi công tác về việc giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng ở nơi cư trú; thực hiện nghĩa vụ công dân của mình ở nơi cư trú.
(Còn nữa)