Bài 1: Tan hoang núi Na
Cao Bằng: Ô tô bị đá lăn từ trên núi đè nát Nhanh chóng khắc phục sạt lở do mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc |
Đào núi, khoét đường, chặt cây... để sống hòa mình với thiên nhiên
Từ tỉnh lộ 429, phóng tầm mắt về phía núi Na (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh), người ta dễ dàng nhìn thấy những công trình xây dựng to lớn, góc cạnh mọc sừng sững trên đỉnh núi, phá nát màu xanh rậm rì của rừng cây.
Người dân địa phương cho hay, trước đây, khu vực núi Na là đất lâm nghiệp xen lẫn đất quốc phòng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, nhiều thửa đất tại khu vực đó được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở nông thôn, đất vườn. Kéo theo đó, những người có tiền từ nơi khác đến mua đất, san gạt, đào hồ, xây dựng biệt phủ mà không cần bất cứ sự cho phép nào của chính quyền địa phương.
Máy xúc đào núi, khoét đường trên núi Na, thuộc xã Hiên Vân,Tiên Du, Bắc Ninh (Ảnh chụp ngày 11/5/2022) |
Để tìm hiểu sự việc này, ngày 11/5, phóng viên đã trực tiếp tìm đến khu vực xây dựng biệt phủ trên núi Na và không khỏi bất ngờ, bàng hoàng trước sự tàn phá thiên nhiên, bất chấp pháp luật về xây dựng, đất đai và khoáng sản tại đây. Cả khu vực này giống như một đại công trường xây dựng hối hả, khắp nơi ngổn ngang đất đá, cây bị đốn hạ, công nhân ra vào tấp nập.
Từ chân núi ngược lên, dọc theo con đường nhỏ được đổ bê tông là những công trình xây dựng quy mô theo dạng biệt phủ, khu nghỉ dưỡng. Ví dụ, thửa đất của ông V ở sát chân núi đã được đào, san gạt, xây tường bao bằng đá cao đến trên dưới 5m. Phía trên là công trình của ông K được xây trên diện tích gần 32.000m2 với hai tòa nhà (ước chừng 300m2/nhà), bể bơi, hồ cá, khu vườn cây cảnh. Vào phía trong, biệt thự của ông M đang trong quá trình hoàn thiện, đối diện là khu nghỉ dưỡng đã hoàn thành của một người khác ở thành phố Bắc Ninh.
Biệt phủ của ông K trên đỉnh núi có quy mô như một dự án nghỉ dưỡng thu nhỏ |
Đi sâu vào trong núi, vọng vào tai phóng viên là tiếng máy khoan đá chát chúa cộng với mùi dầu khét lẹt. Không khó để phát hiện một đầu máy lớn đang dùng mũi khoan đục khoét núi Na. Từng tảng đá và mảng đất đổ ra như núi Na đang "chảy máu". Gần đó, một ngôi mộ chưa được di dời vẫn nằm trơ trọi. Người dân cho hay, chủ thửa đất đang tiến hành cải tạo, hạ nền để dựng biệt thự trong thời gian tới.
Một góc núi biến mất...
Tiếp tục câu chuyện hạ độ cao tại khu vực dốc Ngang, theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2013, một trong những hành động trái pháp luật là việc hủy hoạt đất khiến cho địa hình nơi đó bị biến dạng và có khả năng gây ra tình trạng ô nhiễm, làm chất lượng đất bị suy giảm; Đồng thời, theo các quy định của pháp luật, phân quyền để cấp giấy phép san gạt, hạ độ cao là UBND cấp huyện trở lên. Tuy nhiên, các quy định này đã bị phớt lờ hoặc cố ý làm trái tại xã Hiên Vân.
Biên bản "đồng ý" của UBND xã Hiên Vân, cho phép hộ dân san gạt, hạ độ cao |
Được biết, thửa đất số 215 tờ bản đồ số 12 của gia đình ông Phạm Hồng Quang (thôn Kiều, xã Hiên Vân, vị trí bên phải con đường đi lên “xóm biệt phủ” tại núi Na) có diện tích 3.770m2 vốn là một góc núi, cao độ dương hàng chục mét, địa hình dốc.
Tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy, tháng 2/2022, UBND xã Hiên Vân có biên bản họp và xét đơn của gia đình ông Quang về việc “cho phép san gạt để lấy mặt bằng xây dựng nhà ở và các công trình khác”. Bằng biên bản này, UBND xã Hiên Vân xét thấy việc san gạt, hạ độ cao của ông Quang là “chính đáng”, do đó đã cho phép gia đình ông thực hiện, kèm theo yêu cầu là không vận chuyển đất đá đi nơi khác.
Dựa vào biên bản của UBND xã Hiên Vân, một góc núi đã "biến mất" |
Bằng biên bản làm việc của UBND xã Hiên Vân, hộ ông Phạm Hồng Quang coi như đã nhận được “giấy phép” và tiến hành san gạt, hạ độ cao trong nhiều tháng. Đáng chú ý, người dân phản ánh có hiện tượng vận chuyển lượng lớn đất đá ra khỏi phạm vi thửa đất tuy nhiên chính quyền địa phương chỉ phản ứng "yếu ớt" bằng công văn yêu cầu “thực hiện nghiêm túc các nội dung trong biên bản làm việc ngày 17/2/2022”.
Đến cuối tháng 5/2022, khi phóng viên có mặt tại thửa đất số 215 tờ bản đồ số 12 của gia đình ông Phạm Hồng Quang, hiện trường chỉ còn là một bãi đất tan hoang. Vỉa núi bị đào sâu hàng chục mét, đất đá bị san gạt bừa bãi. Hộ gia đình ông Quang không có dấu hiệu xây dựng công trình. Ngược lại, thông tin của các “cò đất” cho hay, ông Quang đang muốn bán thửa đất với giá 5 triệu/m2. Như vậy, có thể thấy rằng dựa vào tờ “biên bản” đóng dấu đỏ của UBND xã Hiên Vân, một góc núi đã biến mất rất tài tình.
(Còn nữa)