Bài 1: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
Nhờ đẩy mạnh kỷ cương hành chính, văn hóa công sở của thành phố Hà Nội đã thay đổi tích cực.
Bài liên quan
Khẳng định vai trò hiệp thương của Mặt trận các cấp với các tổ chức thành viên
Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin
Đảm bảo sự bình yên cho Thủ đô phát triển bền vững
Mức độ hài lòng của người dân đối với việc phục vụ thủ tục hành chính đạt khá
Thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã tích cực đổi mới hoạt động, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, bước đầu thay đổi cái nhìn của người dân về các cơ quan hành chính.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Đã từng có một thời gian, việc thực thi công vụ, thực hiện kỷ cương hành chính tại các cấp chính quyền thành phố dấy lên mối lo lắng không nhỏ, khi nhiều vụ việc liên quan đến thái độ, hành xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được phản ánh. Đó là tình trạng hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu tại các cơ quan công sở; cán bộ cư xử thiếu thân thiện với người dân tại nơi công cộng… Nhiều vụ việc gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận như: Việc chậm cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa); ghi sơ yếu lý lịch sinh viên không đúng quy định ở xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); vụ việc liên quan tới Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân… ít nhiều đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Cùng với đó, việc quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực của thành phố còn nhiều hạn chế; năng lực của một bộ phận CBCCVC chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm kỷ luật của một số cơ quan, đơn vị cơ sở chưa thường xuyên, đặc biệt là ở cấp cơ sở…
Để chấn chỉnh lại kỷ cương hành chính, năm 2017, thành phố Hà Nội đã lựa chọn chủ đề công tác là “Năm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Từ đó tới nay, chủ đề này luôn được thành phố kiên trì thực hiện với quyết tâm mang lại chuyển biến rõ nét nhất. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đồng thời tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ CBCCVC và người dân về các quy định đối với công chức, cán bộ... bằng nhiều hình thức.
Từ năm 2017, đoàn kiểm tra công vụ của thành phố thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 79 cơ quan, đơn vị; kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP đối với 7 vụ việc. Thực hiện vai trò giám sát, năm 2018 HĐND TP cũng đã thực hiện khảo sát, giám sát chuyên đề việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ CBCCVC trong các cơ quan nhà nước của thành phố. Hà Nội cũng chú trọng tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hàng tuần báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; giao thủ trưởng các cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về phần việc được giao ngay cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung từng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu mọi cơ quan, đơn vị hướng tới mục tiêu chung là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; từ bỏ tư duy “cái gì không quản được thì cấm” hướng tới “người dân, doanh nghiệp được làm mọi việc pháp luật không cấm”.
Nhờ những động thái quyết liệt của thành phố, bộ mặt công sở Hà Nội đã có nhiều nét khởi sắc. Người dân, doanh nghiệp khi tới giải quyết thủ tục hành chính ở các công sở của Hà Nội thời gian qua cũng ghi nhận những sự đổi thay theo hướng tích cực.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU, từ năm 2018 đến nay, mức hài lòng của tổ chức, công dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính được nâng lên đáng kể. Trong đó, thủ tục đăng ký kinh doanh, mức độ hài lòng đạt 74,8%; thủ tục khám chữa bệnh đạt 72,1%; cấp phép xây dựng đạt 82,7%... Riêng với 8 dịch vụ hành chính công thuộc Sở GD&ĐT, có hai dịch vụ đạt mức hài lòng tới 98%...
Tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), mức hài lòng của người dân ngày càng tăng nhờ phường triển khai mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” đến mọi bộ phận chuyên môn. Trong đó, phường đã lắp bảng biểu về “5 rõ”, “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn) và “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc, không sách nhiễu phiền hà nhân dân, không để công dân đi lại nhiều lần)… Hình ảnh bộ phận "một cửa" gắn liền “nụ cười công sở” và trang phục lịch sự, ứng xử nhã nhặn của cán bộ công chức khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã giúp chính quyền phường “tăng điểm” đáng kể trong đánh giá của người dân.
Nâng cao mức độ hài lòng của người dân
Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn rất quan tâm tới việc xây dựng chính quyền thân thiện. Theo đó, bên cạnh việc phải làm sao để rút ngắn, đơn giản hóa tối đa các TTHC, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch, thì nụ cười tươi, thái độ niềm nở, tận tình… luôn được xem là nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
UBND phường Đội Cấn (quận Ba Đình) đặt mục tiêu, năm 2019, 100% hồ sơ được giải quyết đúng, trước hẹn; tối thiểu 10% hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả qua bưu chính. Đặc biệt, phường sẽ mở rộng, chú trọng các kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của người dân về giải quyết TTHC.
Còn theo lãnh đạo phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), năm nay phường xác định phải xây dựng được đội ngũ CBCCVC có phong cách ứng xử chuẩn mực, chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức hoàn thành công việc”. Phường sẽ tăng cường nắm bắt nguyện vọng, kiến nghị cũng như mức hài lòng của người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, điều tra xã hội học; đảm bảo mọi người dân được biết, bàn, tham gia những công việc của chính quyền liên quan quyền lợi hợp pháp của họ.
Tại các cuộc làm việc với Sở, ngành, quận, huyện thời gian qua, nhắc đến công tác CCHC, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu, những người ở vị trí giao dịch trực tiếp với người dân, doanh nghiệp phải có năng lực tổng hợp; có khả năng bao quát được tình hình, nắm chắc chính sách pháp luật ở mảng việc theo dõi; nhạy bén, mẫn cán, có tinh thần trách nhiệm với công việc và đặc biệt phải được trang bị kỹ năng giao tiếp. Dù vậy, thực tế hiện nay cho thấy, không nhiều cán bộ ở bộ phận “một cửa” đáp ứng hết được các yêu cầu trên nên việc bồi dưỡng, đào tạo các kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở là bắt buộc để hạn chế xảy ra các sự cố.
Chú trọng tới “mặt tiền” của bộ máy, thành phố đã mở các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho lãnh đạo chủ chốt xã, phường, thị trấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng thực thi công vụ với mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính và giải quyết TTHC của Hà Nội phải đạt trên 80%...
(Còn nữa)