Bài 179: Những món ăn “gọi ấm” khi đông về
>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 178: Nuôi động vật trong thành phố và những hệ lụy
Hà Nội là “thiên đường” của quà vặt nhưng dường như những món ăn nóng hổi, xua tan cái lạnh là ẩm thực đặc trưng, sẽ làm mùa đông của nơi đây đáng nhớ, đáng yêu hơn bao giờ hết. Để mỗi khi gió bấc tràn về, bạn lại nao nao lòng, mong được thưởng thức những món ăn đó cho khỏi nhớ những mùa đông đã qua. Cô bạn tôi người miền Nam, lần đầu ra Hà Nội công tác, dù được cho mượn rất nhiều áo ấm nhưng không thể nào quen nổi với cái lạnh xứ Bắc. Chân tay run lập cập, da dẻ tái tê vì rét. Chả lẽ chỉ nhìn Thủ đô qua những ô cửa kính? Tôi đảm bảo đi với tôi bạn sẽ trải nghiệm cái rét tuyệt vời ra sao. Bạn rất ngần ngại nhưng cũng cố đánh bạo bước ra phố.
Bám lấy tay tôi khi cơn gió mùa lùa tung áo khăn, bạn hớn hở khi nhìn thấy nồi ốc luộc bốc hơi nghi ngút. Phương Nam là xứ ốc, cách chế biến ốc trong đó cũng phong phú, đa dạng mà người bán hàng ở Hà Nội cũng đã học nhiều nhưng ở đây phổ biến nhất vẫn là ốc luộc. Ốc thơm lừng, cay nồng vị sả, vị lá chanh, nhiều bà bán hàng còn cho thêm những thanh quế chi để khách ăn khỏi lạnh bụng. Cảm giác nóng giẫy đầu ngón tay khi nhón từng con ốc, ăn đến đâu biết đến đó. Chỉ một lúc xì xào “chạy đua” cho ốc khỏi nguội mà khi dừng chờ chị chủ quán mang bát ốc khác đến, ta đã thấy cái rét tự bỏ đi từ lúc nào. Ăn ốc phố Đinh Liệt xong cả hai dạo một vòng hồ Gươm. Lúc này những cơn gió xôn xao cây lá, thả những bông hoa sữa nhỏ trắng xanh li ti lên tóc, lên vai không làm bạn sợ hãi nữa. Cô bạn tôi tung tăng giơ tay đón “cơn mưa” hoa sữa, mỉm cười đầy thích thú. Tôi nhìn bạn, thầm nghĩ, cũng may gió mùa về đúng lúc. Gió về như “chặn đứng” cái sự mãn khai của hoa sữa, để hoa rụng bớt đi, hương hoa cũng nhạt dần theo gió bay xa và chấm dứt những cuộc lên án, chứ không tội nghiệp hoa quá. Suốt mấy tuần nay chưa bao giờ hoa sữa Hà Nội được mùa đến thế và cũng trở thành chủ đề nóng hổi trên các diễn đàn đến thế. Giờ thì trong gió đông, cái màu trắng sữa của hoa cũng ngả sang xanh và khắp các lùm cây, lượng hoa vơi đi trông thấy. Lúc này, có lẽ nhiều người sẽ lại thấy mùi hoa sữa thoang thoảng rất đáng yêu.
Ngõ Tràng Tiền luôn “đỏ lửa” từ sáng tới khuya. Khi chúng tôi đến, sà vào hàng bánh khoai, bánh chuối rán, vừa ăn vừa thổi, nóng hổi hoải mà ai cũng không chờ nổi bánh nguội. Hàng bên cạnh những người ăn bánh giò nóng cũng xuýt xoa cố cho thêm chút tương ớt cho thêm cay, ấm bụng. Bình thường tôi rất ghét những món nhiều dầu mỡ nhưng như quy luật mùa đông cần tích trữ năng lượng nên bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô rán rất hợp khẩu vị. Đi khắp Hà Nội mùa này chỗ nào cũng có những quán hàng bánh tương tự. Ăn bánh rán mùa này chỉ biết no chứ không biết chán, vì thế để giới thiệu thêm cho cô bạn miền Nam về đồ ăn “đuổi rét” của Hà Nội, tôi chở bạn đến thêm các quán bánh rán mặn, ngọt ở phố Nhà Chung. Thực ra còn rất nhiều quán bánh rán ngon cư dân mạng rỉ tai nhau như ở phố Lạc Long Quân, Lý Quốc Sư, ngõ chợ Đồng Xuân, Đê La Thành nhưng không thể đi hết được nên chúng tôi chọn chỗ gần nhất. Chiều đến, ngồi ghé vào gần những chiếc chảo đang sôi sùng sục cho bớt lạnh vì hơi sương buông xuống, chờ cô bán hàng rán, cắt, bày bánh vào những chiếc bát với đủ màu sắc trông rất đẹp mắt. Nào là màu vàng rộm của bánh rán rất khéo, màu đen của mộc nhĩ, trong suốt của miến, trắng, vàng, xanh lẫn lộn của rau, dưa góp, toàn những màu sắc đối lập với sự ảm đạm của mùa đông. Cắn miếng bánh ròn tan, vị béo bùi hòa với vị chua ngọt thanh thanh của nước chấm, cái ngấy bị đánh bay bởi dưa góp thanh tao, ăn vào đến bụng rồi mà cái ngon vẫn đọng lại mãi nơi đầu lưỡi. Bạn bảo, nếu mùa đông Hà Nội mà không có những món này kể ra cũng rét thêm rất nhiều.
Lúc ngồi ở ngõ Tràng Tiền bạn đã nhấp nhổm vì những chiếc bánh trắng tròn xinh xinh nhưng tôi bảo hãy từ từ, đi một vòng, ăn đủ thứ khác đã rồi đến chiều, khi quán bánh trôi tàu của bác Phạm Bằng mở lại ở phố Hàng Giày thì quay về thưởng thức. Bác Phạm Bằng đã đi xa hơn một năm trước, quán đóng cửa cũng đã khá lâu, hai con trai bác mới mở lại như một cách tưởng nhớ cha mình. Nơi đây đã trở thành “điểm hẹn” của nhiều người đến nỗi có những hôm hết hàng rất sớm và chúng tôi không may mắn được thưởng thức nên đành “đền” bạn bằng một quán khác. Sau một vòng hưởng gió hoàng hôn, ủ bát bánh nóng sực trong tay, cắn miếng bánh ngọt lịm cay cay vị gừng, giòn tan vị lạc, bạn bảo thế này cứ đi long nhong suốt ngoài đường cũng được.
Kết thúc một ngày, chúng tôi ngồi bên bếp than hồng rực, chờ từng chiếc ngô nóng bác bán hàng quạt luôn tay trong mùi thơm tỏa khắp không gian. Bác bán hàng tận dụng luôn khoảng sân nhà làm chỗ bày chậu than và bàn ghế cho khách chứ không lấn ra ngoài vỉa hè. Bác bảo như thế khách lại còn đến đông hơn vì được ăn đàng hoàng, không phải lo nhìn trước ngó sau, lại đỡ mưa nắng. Tôi đồng ý với bác, đồ ăn vặt của Hà Nội vốn rất ngon nhưng nhiều khi bày tràn ra vỉa hè, mất vệ sinh, gây cản trở giao thông và khiến những người khó tính không dám ăn. Cô bạn của tôi tranh thủ hơ tay vào chậu than, khi đón được bắp ngô nóng, hít một hơi cái mùi thơm sữa ngô ấm áp ấy rồi thong thả nhấm nháp. Bạn bảo, cái gì của Hà Nội cũng có thể mang về làm quà cho người phương Nam nhưng cái rét và vị ngon, mùi thơm khi ăn trong giá rét thì không thể nào “gói” lại được. Vì thế chỉ có thể “gói” trong trí nhớ và chắc chắn sẽ nhớ lâu, nhớ mãi để một ngày nào đó lại thu xếp hành trang lên đường. Tôi khẳng định sẽ còn rất nhiều nơi để đưa bạn đi, mời bạn ăn những món ăn mà bạn thưởng thức một lần sẽ không bao giờ quên được.
(Còn nữa)