Bài 2: Câu chuyện của bà chủ đất
Bà Rịa – Vũng Tàu: Công ty Phú Sơn sử dụng đất trái mục đích bị xử phạt, nhưng vẫn tái diễn |
Con đường công, con đường tư
Bất động sản tại khu vực dốc Ngang (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh) hiện tại đang được săn đón và giao dịch với giá cao “trên trời”. Theo khảo sát của phóng viên, thửa đất dưới chân núi có giá 15 triệu/m2, thửa đẹp nhất (vị trí lưng dốc) có giá 16-18 triệu/m2. Đi sâu vào trong núi, đất có giá 9 triệu/m2, lý do một phần vì thửa đất nằm cạnh nghĩa địa cũ của thôn.
Khoét đường để xây biệt phủ trên núi cao |
Một cò đất cho hay: “Rất nhiều đại gia tìm đến khu vực núi Na để săn đất biệt thự nghỉ dưỡng nên “hàng” lúc nào cũng hiếm. Ngoài vị trí đẹp, xanh mát, view thoáng đãng, nguyên nhân khiến đất ở đây được khách ưa chuộng là vì “hạ tầng” đã được đầu tư hoàn chỉnh, chính quyền cũng rất tạo điều kiện”.
“Hạ tầng” trong diễn giải của tay cò đất gồm 2 “hạng mục”. Thứ nhất, con đường lên núi đã được hạ độ cao, mở rộng và đổ bê tông. Thứ hai, các thửa đất hầu hết cũng đã được hạ độ cao, vận chuyển đất đá sạch sẽ và san gạt phẳng phiu.
Tiếp lời cò đất: “Trước đây, con đường lên núi là đường mòn, cây cối rậm rạp, chỉ vừa bước chân người và rất cao, dốc. Các đại gia mua đất đã cùng nhau bỏ tiền đào đường, hạ thấp xuống, có lẽ thấp hơn cao độ cũ khoảng 5m để tạo thuận lợi cho ô tô vào biệt phủ. Về sau, các hộ phía trong cũng đi con đường ấy nên xảy ra tranh cãi nên họ dựng barie khóa lại”.
Barie dựng giữa đường, vô hình chung biến con đường công thành con đường tư |
Bà M (người dân thôn Ngang Kiều) cho hay: “Từ ngày những người nơi khác đến xây biệt phủ ở đây, họ đào thấp xuống và xẻ núi để mở rộng đường. Việc này thuận tiện đi lại nhưng họ dựng barie và khóa thì chúng tôi không thể chấp nhận được. Rõ ràng từ chỗ con đường là của toàn dân, bây giờ, đường trở thành của người có tiền. Chẳng biết việc này, chính quyền có đồng ý hay không”.
“Chú ấy chỉ bảo tận tình - tốt lắm!”
Sau khi nắm được thông tin hộ gia đình ông Phạm Hồng Quang (thôn Kiều, xã Hiên Vân, vị trí bên phải con đường đi lên “xóm biệt phủ” tại núi Na) mới hạ độ cao, san nền tại thửa đất số 215 tờ bản đồ số 12 và đang có nhu cầu chuyển nhượng, phóng viên đã tiếp cận để đề nghị mua lại thửa đất này. Tiếp phóng viên là bà Diễn - vợ ông Quang.
Người phụ nữ này chất phác, thật thà và thẳng thắn. Bà rành rẽ nói: “Ở khu vực này không còn đất nào đẹp như nhà tôi nữa. Bố mẹ chồng tôi để lại cho hơn 3 sào. Vừa rồi, tôi đã “làm việc” để hạ nền gần xong rồi nhưng chỉ bán khoảng 1 sào thôi, giá 12 triệu/m2”.
Bà Diễn phấn khởi đứng trước thửa đất mới hạ độ cao, san gạt thành công |
Theo bà Diễn, để được sự đồng ý cho phép san gạt, hạ độ cao, bà phải “làm việc” từ chính quyền thôn, xã và huyện. “Mỗi chỗ phải đưa một tý. Lệ ngầm là như vậy, mình muốn được việc thì mình phải chấp nhận”, bà Diễn tiết lộ.
Theo bà Diễn, gia đình bà đã vận chuyển hàng nghìn mét khối đất đá ra khỏi thửa đất |
Bà Diễn còn cho biết thêm, gia đình bà tổ chức hạ cốt nền, san gạt, vận chuyển đất đá trong suốt 2 tháng. Tổng lượng đất đá chuyển ra khỏi thửa đất “dễ đến hàng nghìn khối”. Bà được hướng dẫn vận chuyển bằng xe trọng tải lớn dễ gây sự chú ý, vì thế, phải dùng các xe trọng tải nhỏ, đi theo đường tỉnh lộ để đổ đất san lấp cho các công trình tại thị trấn Lim.
“Công trường chỉ dừng hoạt động khi có sự can thiệp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Các nhà bên cạnh san gạt, vận chuyển cả năm trời mà có bị làm sao đâu”, bà Diễn tỏ ra buồn bã.
Trong một diễn biến khác, phóng viên thu thập được công văn số 19/CV-UBND của UBND xã Hiên Vân gửi đến ông Phạm Đăng Quang (Diễn) có nội dung “nghiêm cấm khai thác đất trái phép”, “nghiêm cấm vận chuyển đất khi chưa được các cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản”. Như vậy, sự “nghiêm cấm” trong công văn trên trái ngược hoàn toàn so với lời nói người trong cuộc là bà Diễn.
(Còn nữa)