Bài 2: "Chợ chạy" cho công nhân và cuộc mưu sinh
“Chợ chạy” - câu chuyện chưa có hồi kết tại TP Hồ Chí Minh |
Chợ tự phát hiện nay tồn tại như một quy luật tất yếu trước bối cảnh tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh. Có một thực tế ai cũng thấy, số cư dân tại TP Thủ Đức nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung đang phát triển rất nhanh. Tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến thực trạng số lượng chợ, quy mô chợ truyền thống bị “mai một”, không đáp ứng đủ so với nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, với số lượng người lao động bị cắt giảm như hiện nay phải tự bươn trải bằng đủ thứ nghề thì có lẽ câu chuyện dẹp “chợ chạy”, kinh doanh trên lòng lề đường vẫn chưa thể có được giải pháp hiệu quả nhất.
Hình ảnh chợ tự phát bày bán giữa đường thường thấy tại gần Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) |
Vào những giờ tan tầm, dễ thấy hàng loạt chợ tự phát hoặc hoạt động buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường xuất hiện cạnh các tuyến đường lớn tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức và TP Hồ Chí Minh. Để có cái nhìn toàn cảnh hơn với thực trạng "chợ chạy" này, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi nhận một số hình ảnh thực tế.
Đường số 7 và đường số 54, phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), nơi Công ty PouYuen Việt Nam đóng trụ sở, lúc cao điểm có đến 50 nghìn công nhân.
Ở đây, nhiều đoạn đường biến thành chợ tự phát và hình ảnh dễ thấy nhất đó là người bán hàng tràn ra tận giữa đường.
Giờ tan tầm, công nhân túa ra về và mua hàng ngay trên đường có "chợ chạy" gần công ty |
Hoạt động buôn bán kiểu vậy nơi này đã diễn ra không phải mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng người bán có vẻ đông hơn lúc trước. Nguyên nhân theo một số người cho biết, do Công ty PouYuen Việt Nam và một số công ty khác vừa cắt giảm hàng nghìn người lao động. Một số người không về quê mà nán lại “lập nghiệp” mới - buôn bán hàng rong hoặc bán hàng “chợ chạy” trên lòng lề đường.
Anh N.V.V (quê An Giang) bán trái cây trước cổng Công ty PouYuen Việt Nam cho biết: “Do công ty cắt giảm lao động, về quê thì không có việc gì để làm. Được số tiền công ty hỗ trợ, mình tự tìm hiểu và lấy hàng từ chợ đầu mối rồi mua chiếc xe ba gác này đi bán. Có khi bị trật tự đô thị nhắc nhở thì mình “né” một lúc rồi lại ra bán thôi. Người ta biết mình khốn khó nên chỉ nhắc nhở”.
Hoạt động buôn bán ngay đường dẫn qua hầm ngay cạnh Công ty PouYuen Việt Nam |
Còn chị T.T.L (quê Cà Mau) tâm sự: “Chồng thì vẫn còn làm công ty, mình thì bị cắt giảm và xin việc chưa được nên cứ theo mọi người mua hàng về rồi tự tìm lấy một chỗ bán. Thấy ai ai cũng bày bán giữa đường nên mình cứ thế mà làm theo. Số tiền cũng đắp đổi phụ chồng nuôi hai con học”.
Khi được hỏi có biết bày bán giữa đường như vậy là vi phạm trật tự hay không, chị cười trừ rồi nói: “Biết chứ sao không. Nhưng không bán thì lấy gì sống và nuôi 2 con ăn học bây giờ…”.
Tại gần Công ty PouYuen Việt Nam, mọi người đã quá quen thuộc với những hình ảnh "chợ chạy" này |
Khu chợ tự phát nằm trước Khu chế xuất Linh Trung 1, thuộc địa bàn phường Linh Trung đã tồn tại từ lâu. Vào giờ tan tầm, toàn bộ khu vực dưới chân cầu vượt sẽ biến thành chợ rất xôm tụ.
Dù có lề rất rộng nhưng do tính chất “bán chạy” nên người bán họp chợ luôn trên lòng đường.
Hoạt động mua bán diễn ra sau giờ tan ca của công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1 |
Giờ tan tầm, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 1 ồ ạt ra về và mua đồ. Thời điểm họp chợ, gần như ít có phương tiện nào chọn qua khu vực này ngoại trừ công nhân.
Những hình ảnh quen thuộc mỗi ngày tại khu vực |
Cổng sau Khu chế xuất Linh Trung 2 nằm trên tuyến đường Ngô Chí Quốc thuộc địa bàn phường Bình Chiểu, các sạp hàng bày bán tràn xuống tận lòng đường.
Khu chợ tự phát này hoạt động náo nhiệt không khác gì chợ truyền thống. Tiếng rao hàng phát ra từ những chiếc loa mở với công suất lớn, tiếng người ngã giá mua hàng, tiếng còi xe xin đường… inh ỏi cả khu vực.
Nhiều xe hàng rong lấn ra hẳn lòng đường để bán. Thói quen dừng xe mua hàng ngay trên đường dường như đã ăn sâu vào nhiều người, bất chấp các quy định về trật tự lòng, lề đường và cả nguy hiểm.
Đoạn đường từ giao lộ Tỉnh lộ 43 - Nguyễn Thị Diệp kéo dài đến trước cổng Khu chế xuất Linh Trung 2, từ rất lâu đã biến thành khu “chợ chạy”. Chợ ở đây không chỉ lấn chiếm lề đường mà họp tận gần giữa con đường.
Chợ hoạt động náo nhiệt nhất vào thời điểm tan ca của công nhân, buôn bán đủ các loại hàng hóa |
Xe ô tô cũng dừng thoải mái giữa đường để mua hàng. Tại các khu chợ này, vào giờ cao điểm các phương tiện di chuyển khó khăn, với tốc độ chậm và rất dễ xảy ra va quẹt |
Tuyến đường Nam Cao tiếp giáp với Xa lộ Hà Nội, gần Khu du lịch Suối Tiên thuộc địa bàn phường Tân Phú, các sạp hàng, xe lôi bán rau củ quả… đua nhau tràn ra đường bán như thể “giành khách”, bất chấp mọi nguy hiểm về an toàn giao thông.
Rất tiện lợi, khách hàng có thể xuống hoặc mặc nhiên ngồi trên xe để mua hàng.
Tuyến đường Nam Cao tiếp giáp với Xa lộ Hà Nội, gần Khu du lịch Suối Tiên |
Có thể thấy, việc xuất hiện các chợ tự phát có rất nhiều nguyên nhân: Chợ truyền thống không đáp ứng đủ nhu cầu; Công tác quy hoạch chưa phù hợp, quản lý chưa chặt chẽ, chưa nghiêm; Thói quen mua hàng của người dân và trên hết đó là nhiều mảnh đời đã xem lòng lề đường như một chốn mưu sinh bình dị nhất…
Khi đời sống và nhu cầu của người dân không thể thay đổi thì xem ra việc quản lý hay lập lại trật tự lòng lề đường còn rất xa.
(Còn nữa)