“Chợ chạy” - câu chuyện chưa có hồi kết tại TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh: Nhiều chợ truyền thống vẫn ảm đạm sau dịch Nét văn hóa chợ truyền thống Hà Nội |
Bài 1: Muôn kiểu lấn chiếm lòng lề đường
Nhiều người dân bức xúc do vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng làm chợ, khiến giao thông thường xuyên bị tắc nghẽn, tạo nên hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông.
Bát nháo “chợ chạy”
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung và TP Thủ Đức nói riêng đã và đang là một vấn nạn. Để lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè là một bài toán vẫn nan giải.
Vào giờ cao điểm buổi chiều, một đoạn đường Hiệp Bình, thuộc phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), trở thành khu chợ sầm uất, người qua kẻ lại mua bán tấp nập, xôn xao.
Hình ảnh người dân dừng xe dưới lòng đường mua thực phẩm |
Không biết từ bao giờ, đoạn đường Hiệp Bình này được người dân nhắc đến với cái tên chợ Hiệp Bình. Con đường dài khoảng 2km thì có đến gần phân nửa đã biến thành chợ. Ngay đầu đường tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng, các loại phương tiện di chuyển thường rất chậm chạp, do phải chen lấn với người dừng xe đi chợ và cả những xe hàng rong.
Hai bên, các sạp hàng chen chúc nhau bày biện hết phần lề đường. Nhiều khi hết chỗ, các chủ sạp tràn ra bày bán luôn trên lòng đường. Ở cái chợ này, mặt hàng kinh doanh rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, thịt, cá, rau củ đến cửa hàng cơ khí, điện gia dụng... không thiếu thứ gì.
Nhiều hộ kinh doanh bày bán dưới lòng đường Hiệp Bình |
Chợ hoạt động từ 6 đến 20 giờ hằng ngày, cao điểm nhất là từ 16 giờ. Thời điểm này, số lượng lớn xe lôi bán trái cây cũng bắt đầu đổ về. Họ ngang nhiên đậu xe bán giữa đường, thậm chí bày bán ngay giữa giao lộ trên tuyến đường này.
Bị các xe lôi chắn mặt, các sạp thịt, cá cũng đua nhau đẩy ra bày bán tạo nên một quang cảnh hỗn độn. Sạp lấn ra nên các phương tiện đi chợ phải dừng lại giữa đường để mua hàng. Người mua kẻ bán cứ thế bịt kín cả lòng đường, gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông khác.
Cám cảnh nhất, khi lực lượng chức năng có mặt thì các chủ sạp gom hàng chạy tán loạn, đường sá phút chốc thông thoáng; Lực lượng vừa đi thì cảnh mua bán tấp nập lại diễn ra như cũ. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại, thế nên người ta hay gọi vui là “chợ chạy”.
Xe thô sơ tự chế tập kết chuẩn bị ra chợ |
Tìm đến khu vực chợ Bình Trưng, nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc phường Bình Trưng Tây. Mặc dù thời điểm 10 giờ nhưng phía trước khu vực chợ chạy dài khoảng 500m dọc theo tuyến đường, rất nhiều hộ kinh doanh tự ý chiếm dụng hết các vỉa hè của người đi bộ để bày bán đầy đủ các mặt hàng.
Người dùng loa giới thiệu sản phẩm, người chèo kéo mời gọi khách hàng xen lẫn trong tiếng còi xe inh ỏi.
Hàng cá bày dưới lòng đường |
Gần khu vực này, có khoảng chục xe lôi tự chế chở hàng dừng chờ khách, trong lề quán xá che dù, lắp mái bạt khiến vỉa hè cho người đi bộ biến mất. Phương tiện qua lại chỉ cần sơ ý là bị tai nạn ngay, do khuất tầm nhìn.
Những chiếc xe lôi tự chế dọc những tuyến đường gần chợ tự phát trên địa bàn phường Bình Trưng Đông và Bình Trưng Tây |
Chợ Cây Xoài nằm trên đường Lê Văn Thịnh, thuộc phường Cát Lái là khu vực chợ truyền thống đã có từ lâu đời. Có lẽ do chính quyền địa phương quản lý chặt nên đa số hộ kinh doanh nằm gọn trên lề, chỉ vài điểm có thể do thiếu chỗ nên bày ra cả lòng đường. Lề không còn nên người mua phải dựng xe dưới lòng đường để giao dịch mua bán.
Người dân ngồi buôn bán tràn hết xuống lòng đường dù ngay đó có biển cấm tụ tập buôn bán |
Bủa vây bệnh viện
Tìm đến khu vực trước cổng Bệnh viện Ung Bướu, thuộc phường Tân Phú. Bệnh viện mới đưa vào hoạt động hơn 2 năm nhưng hình ảnh đập vào mắt phía trước cổng là bị chiếm dụng làm hàng quán đồ ăn, quán nước.
Cảnh mua bán bát nháo tại đây thường bắt đầu từ 6 giờ sáng hằng ngày, bàn ghế bày biện ngay trên mặt đường, lộn xộn, mất mỹ quan.
Hàng loạt hàng quán trước cổng bệnh viện |
Trước cổng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thuộc phường Bình Trưng Tây, đoạn đường chỉ khoảng vài trăm mét nhưng ai qua lại nơi đây phải “nhức đầu” vì vô số những tiếng rao từ hàng loạt xe hàng rong, xe bán trái cây, xe bán quần áo... Nhiều người dân dừng đỗ xe ngay trên đường để mua hàng, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.
Khu vực phía trước Bệnh viện Lê Văn Thịnh |
Theo tìm hiểu, mặc dù UBND các phường đã rất nỗ lực trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, thế nhưng nạn buôn bán, chiếm dụng còn rất nhiều, thậm chí có nhiều nơi diễn biến ngày càng phức tạp. Câu chuyện như “bắt cóc bỏ đĩa”, khi thấy có cán bộ là “chạy”, xong mọi việc bán buôn quay lại như cũ.
Tháng 4/2023, UBND TP Thủ Đức cũng đã có các văn bản chỉ đạo UBND 34 phường thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý đô thị. Theo đó, UBND các phường lập kế hoạch phân công trách nhiệm chính đối với công tác đảm bảo trật tự lòng, lề đường trên địa bàn quản lý để xử lý hàng loạt các vị trí vi phạm. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của những “chợ chạy” như trên, xem ra công tác lập lại trật tự lòng, lề đường không phải dễ.
(Còn nữa)